Tuyên Quang: 'Bất thường' trong dự án khai thác của Công ty An Bình

25/06/2019 15:23

Kinhte&Xahoi Công ty An Bình liệu có được cấp phép khai thác quặng chì, kẽm hay không và việc đền bù đất cho dân được thực hiện dựa vào đâu khi không có mốc giới của từng hộ gia đình?

Chung tôi đã có bài viết “Tuyên Quang: Cần làm rõ những lùm xùm của Công ty Thành Phát”, đăng tải nội dung đơn kêu cứu của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, trú tại bản Pình, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Bên cạnh đó, cũng đặt những dấu hỏi nghi vấn về việc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ An Bình (nay là Công ty Cổ phần Khoáng sản kim loại màu Thành Phát) liệu có được cấp phép khai thác quặng chì, kẽm theo Quyết định số 160/QĐ-UBND của UBND huyện Yên Sơn hay không?

Nhằm làm rõ những nghi vấn và để rộng đường dư luận, nhóm PV chúng tôi đã đến UBND xã Trung Minh (Yên Sơn - Tuyên Quang) để tìm hiểu sự việc. Bắt đầu từ việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên, có thửa, nhưng không được hiển thị trên sơ đồ.

Tiếp xúc với người dân, nhóm PV nắm được thông tin: Hộ gia đình ông Bàn Xuân Hòa, bà Triệu Thị Năm tại địa chỉ xóm Minh Lợi, xã Trung Minh có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 956579, thửa đất số 02, tờ bản đồ số 00, diện tích 58570,0 m2 đất rừng sản xuất nhưng không có sơ đồ và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 956578 cũng mang tên hộ gia đình trên, tờ bản đồ số 00, thửa đất số 1, diện tích 4459,0 m2 đất rừng sản xuất, cũng không có bản đồ. Ngoài ra, một số hộ gia đình quản lý đất rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND xã quản lý không có mốc giới của từng hộ gia đình. Câu hỏi đặt ra là không hiểu UBND huyện Yên Sơn lấy đâu ra mốc giới để đền bù cho người dân?

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với chính quyền xã Trung Minh. Tại buổi tiếp xúc, ông Thuyền, cán bộ phụ trách địa chính xã, cho biết: Hệ thống quản lý địa chính từ xưa đến nay ở đây là thế, cho nên việc kê khai chủ yếu từ người dân là chính. Vậy nên có hiện tượng bà Lý Thị Thanh ở thôn Minh Lợi có đất mà không nhận được tiền đền bù. Cũng theo ông Thuyền nói, bà Thanh đã bán đất cho ông Thành, vậy nhưng theo PV chúng tôi tìm hiểu được biết, bà Thanh chưa bán đất cho ai cả và cũng chưa nhận được khoản tiền đền bù hay mua bán nào?!

Tiếp tục tìm hiểu thêm về vấn đề trên, nhóm PV chúng tôi đến trụ sở UBND huyện Yên Sơn đặt lịch làm việc, đề nghị được cung cấp một số thông tin theo đơn thư liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như phương án bồi thường và cấp giấy phép hoạt động của Công ty An Bình (Thành Phát).

Tại đây, chúng tôi gặp ông Trần Giang Tuyên - Chánh Văn phòng UBND huyện. Ông Tuyên đã xin ý kiến Chủ tịch huyện để giao cho bà Chuyên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp và trả lời báo chí. Sau nhiều lần đi lại thì nhóm PV chúng tôi cũng đã có buổi gặp mặt, làm việc với bà Chuyên - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Nhưng có lẽ… vì một lý do khó nói nào đấy, bà Chuyên hẹn trả lời chúng tôi qua email (thư điện tử).

Qua tìm hiểu, nhóm PV chúng tôi được biết, Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với UBND xã Trung Minh đến kiểm tra hoạt động tại khu vực mỏ khoáng sản của Công ty Thành Phát tại các điểm công ty đang triển khai đào, gia cố hang trong lòng núi. Được biết, hiện tại công ty đang hoàn tất các thủ tục đền bù đất cho các hộ dân trong khu vực quy hoạch mỏ trước khi tiến hành các thủ tục thu hồi và cho thuê đất để thực hiện cấp phép, đi vào hoạt động chính thức.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/05/2019, UBND xã Trung Minh có tiến hành kiểm tra tại khu vực mỏ Thành Cóc, phát hiện tại khu vực Hang Gió (cách trụ sở công ty 200m) có tập kết khoảng 30 tấn đá nghi quặng chì, kẽm. Theo trình bày của đại diện công ty với UBND xã, số quặng chì trên là do công ty trong quá trình gia cố các cửa hang và dọn dẹp mặt bằng đã vận chuyển về bãi tập kết, sau đó mang đi phân tích mẫu và dùng để san lấp đường.

Trong quá trình gia cố và dọn dẹp, công ty có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. UBND xã cũng yêu cầu công ty không được phép khai thác trong thời gian chưa hoàn thiện thủ tục khai thác, Phòng CSMT cũng đã đề nghị UBND xã thực hiện chức năng quản lý khoáng sản theo quy định pháp luật, thường xuyên tổ chức lực lượng chức năng kiểm tra tình hình hoạt động của phía công ty, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc đào bới, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Nhóm PV chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến quý bạn đọc về sự việc này trong các số báo kế tiếp!

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh Thuỷ - Phú Thọ: Dai dẳng “nạn” khai thác trái phép khoáng sản thách thức pháp luật?

Đầu năm 2019, sau thời gian “tạm lắng” thì hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Thanh Thuỷ lại diễn ra trên địa bàn xã Đào Xá với chiêu bài “đơn xin hạ cốt nền” của các hộ dân trong khu vực. Khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận việc hạ cốt nền thì một số người dân đã cho các đối tượng đưa máy móc, phương tiện vận tải vào khai thác khoáng sản. Sau khi có phản ánh của dư luận và người dân, lãnh đạo huyện Thanh Thuỷ ban hành văn bản về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc san gạt, hạ cốt nền theo quy định, không để xảy ra tình trạng san gạt, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép…

Nguồn: KD&PL