Xác định bồi thường thiệt hại trong các vụ án oan sai hiện nay là một trong những vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi lẽ người bị hại trong các vụ án oan sai luôn bị “lép vế” khi chứng minh các khoản bị thiệt hại. Điều này vô hình chung đã tạo ra những cuộc thương lượng đền bù thiệt hại kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người bị hại.
Ông Nguyễn Văn Năm đang trình bày đơn kiến nghị với PV.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Năm, trú tại tổ dân phố Quyết Tiến - thị trấn Sơn Dương - huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang là một ví dụ điển hình, trải qua 34 năm đi tìm công lý nhưng đến nay ông vẫn chưa tìm được quyền lợi chính đáng của mình.
Theo đơn trình bày của ông Năm gửi đến các cơ quan báo chí, cách đây hơn 30 năm thời điểm ấy cả nước đang trải qua thời kỳ bao cấp với muôn vàn khó khăn, gia đình ông cũng như bao gia đình khác phải vật lộn với cuộc mưu sinh bằng nghề kinh doanh hàng hóa tổng hợp, thì bất ngờ ngày 18/5/1984 UBND huyện Sơn Dương chỉ đạo các lực lượng chức năng đến khám nhà ông, phạt 05 lần thuế hàng hóa, đình chỉ hoạt động kinh doanh đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa mà vợ, chồng ông đang kinh doanh.
Lý do mà các cơ quan chức năng huyện Sơn Dương đưa ra để làm việc “động trời” này là hộ gia đình ông Năm chưa có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên thời điểm năm 1984 UBND huyện Sơn Dương chưa cấp bất kỳ một giấy phép kinh doanh nào trên địa bàn huyện.
Việc làm trái pháp luật nói trên đã đẩy gia cảnh ông Năm đến chỗ khốn cùng, toàn bộ tài sản kinh doanh bị tịch thu, không có thu nhập dẫn đến hai vợ chồng ông phải vật lộn, làm thuê đủ nghề để nuôi đàn con thơ. Ngay sau khi bị tịch thu tài sản ông Năm đã làm đơn kêu cứu gửi đi khắp nơi để tìm lại công lý cho mình.
Sau một thời gian “xác minh” mãi đến năm 1990 nghĩa là 06 năm sau, biết không thể bưng bít được sự thật Thanh Tra huyện Sơn Dương mới chính thức có kết luận và xác định, việc UBND huyện Sơn Dương tịch thu hàng hóa của ông Nguyễn Văn Năm trú tại thị trấn Sơn Dương là trái qui định của pháp luật, mặc dù thừa nhận việc tịch thu hàng hóa của ông Năm là sai trái nhưng UBND huyện Sơn Dương không hề đề cập đến việc bồi thường thiệt hại, gây bức xúc trong dư luận. Cũng từ đây hành trình đi tìm công lý của ông tưởng chừng như như đang đi trên con đường không có điểm kết thúc.
Mãi đến năm 2016 UBND huyện Sơn Dương mới ra quyết định giải quyết vụ việc theo đơn của ông Năm. Trải qua 04 lần thương lượng giải quyết đền bù thiệt hại giữa ông Năm và UBND huyện Sơn Dương nhưng cả hai bên đều không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại. Cực chẳng đã ông Năm đã khởi kiện UBND huyện Sơn Dương ra tòa án.
Ngày 29/6/2018 Toà án nhân dân huyện Sơn Dương đã công khai xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 46/TLST-DS, ngày 25/10/2017 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm bị xâm hại” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Năm, bị đơn là UBND huyện Sơn Dương.
Quá trình tranh tụng ông Năm đã đưa ra được những chứng cứ thuyết phục buộc Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương phải chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Năm: Buộc UBND huyện Sơn Dương có nghĩa vụ bồi thường cho ông Nguyễn Văn Năm số tiền 843.174.300đ (trong đó khoản giá trị tài sản là 74.774.300đ, khoản tiền lãi do không được sử dụng tiền bán tài sản là 530.400.000đ, khoản chi phí khiếu nại, tham gia tố tụng là 238.000.000đ).
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Năm cho rằng, việc Tòa án nhân huyện Sơn Dương áp dụng các điều, khoản là chưa phù hợp với Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2010 ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của ông, ông sẽ tiếp tục kháng án lên tòa cấp trên.
Theo KD&PL