Làm rõ và khắc phục tình trạng phá rừng
Cụ thể sau khi Pháp luật Plus thông tin về thực trạng phá rừng tại Hà Giang thì UBND tỉnh đã nhanh chóng ban hành văn bản số chỉ đạo các nghành, huyện tập trung làm rõ. Theo đó, tại văn bản số 1719/UBND - KTTH của UBND tỉnh Hà Giang ký ngày 03/06/2021 có nội dung nêu, theo phản ánh của Pháp luật Plus ngày 02/6/2021 với tiêu đề “Phát hiện thủ đoạn mới đang “gặm nhấm” rừng tự nhiên ở Hà Giang”.
Để xác minh, làm rõ và khắc phục ngay tình trạng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo: Giao UBND huyện Quang Bình thành lập Tổ công tác của huyện xuống hiện trường kiểm tra, xác minh và ngăn chặn ngay tình trạng phá rừng tự nhiên trái phép tại một số xã theo nội dung phản ánh của Pháp luật Plus.
Một cây gỗ rừng vừa bị "lâm tặc" chặt hạ tại thôn Bản Tát, xã Xuân Giang vẫn chưa kịp mang đi tiêu thụ.
Yêu cầu xác minh làm rõ tất cả các nội dung Pháp luật Plus đã nêu (đánh giá cụ thể thiệt hại, xác định nguyên nhân, lý do, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; làm rõ việc phản ánh phá rừng tự nhiên, việc lâm tặc nườm nượp chở những khúc gỗ cắt khúc, việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với hoạt động của các cơ sở ván bóc; nguồn gốc xuất xứ lâm sản người dân bán cho các xưởng ván bóc; tình trạng chậm trễ kiểm tra của lực lượng chức năng khi đã tiếp nhận thông tin phản ánh ...). Kết quả kiểm tra, xác minh báo cáo UBND tỉnh trước ngày 07/6/2021.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra của các cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản và xử lý nghiêm đúng quy định của pháp luật đối với các cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của Nhà nước.
Tăng cường, nâng cao trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn, nắm chắc tình hình ở cơ sở; hướng dẫn tổ chức các Tổ, Đội quản lý bảo vệ rừng, phối hợp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn huyện.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị lực lượng chức năng của ngành bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành phối hợp cùng với UBND huyện Quang Bình kiểm tra, xác minh, báo cáo về thủ đoạn “gặm nhấm” rừng tự nhiên theo nội dung Pháp luật Plus đã nêu trên địa bàn một số xã thuộc huyện Quang Bình, đồng thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục. Thời gian hoàn thành báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/6/2021.
Thủ đoạn phá rừng khôn khéo của “lâm tặc”
Từ thực tế kết quả kiểm tra của các nghành chức năng huyện Quang Bình cho thấy, tình trạng phá rừng tự nhiên tại địa phương là có thật. Thậm chí các địa phương khác cũng đã và đang tồn tại chứ không riêng gì huyện này.
Cụ thể, thời điểm cuối tháng 10/2020, phóng viên Pháp luật Plus cũng đã ghi nhận và đăng tải loạt bài viết về thực trạng phá rừng tại xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Trước đó phóng viên Pháp luật Plus cũng thâm nhập "Đại công trường" khai thác gỗ tạp tại thôn Khuổi Le, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang. Hiện các đối tượng trong vụ việc này vẫn chưa được đưa ra xét xử.
Ngay sau khi bài viết được đăng tải, lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đã có văn bản chỉ đạo huyện Bắc Quang và các lực lượng chức năng địa phương phải lập tức xác minh, xử lý vụ việc. Qua nắm bắt tình hình, những đối tượng khai thác gỗ đều nhằm tiêu thụ tại các xưởng bóc, nhận thấy có tính chất phức tạp, khối lượng gỗ bị khai thác trộm lớn nên Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Quang cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an huyện này tiếp tục điều tra, xử lý.
Nguồn tin của Pháp luật Plus cho hay, về sau nhiều lãnh đạo xã, Kiểm lâm địa bàn đã bị kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra việc phá rừng nêu trên. Đồng thời, có 2 đối tượng có khả năng sẽ phải chịu án hình sự. Tuy nhiên, khi các đối tượng phá rừng ở xã Đông Thành, huyện Bắc Quang vẫn chưa được đưa ra vành móng ngựa, thì tình trạng phá rừng tại các huyện khác vẫn diễn biến phức tạp.
Theo một số người dân huyện Quang Bình cho hay, hiện nay việc phá rừng tự nhiên đang trở nên tinh vi, phức tạp hơn rất nhiều. Thay vì như trước đây các đối tượng dùng hẳn xe ô tô chở gỗ thì nay sử dụng xe máy, xe cải tiến, nếu có bị bắt thì khối lượng nhỏ chỉ bị phạt hành chính, nên cứ chở tung tăng cả ban ngày.
Thêm vào đó, một số hộ dân sống gần rừng cũng cố tình chặt tỉa dần gỗ tự nhiên bán, trước mắt là tránh được sự chú ý của lực lượng chức năng, sau là hợp thức hóa xin chuyển đổi thành rừng sản xuất và trồng các loại cây khác. Những khúc gỗ tạp sau khi được các xưởng thu mua cũng được xử lý ngay trong đêm tránh bị “sờ gáy”.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Biên Giới - Bảo Hà- Pháp luật Plus