Vì sao 325.000 thí sinh không xét tuyển đại học?

23/08/2022 09:22

Kinhte&Xahoi Có đến 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống để đăng ký xét tuyển đại học. Con số này làm nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống. Như vậy, có đến trên 325.000 thí sinh (chiếm hơn 34%) không nhập nguyện vọng lên hệ thống để đăng ký xét tuyển đại học. Những ngày qua, con số này đã làm nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT

Một số chuyên gia tuyển sinh băn khoăn việc 1/3 tổng số thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay là bất thường, đáng quan ngại.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, 325.716 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển là số liệu bình thường, không đáng quan ngại.

Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định). Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay, tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.

Một lý do khác được PGS Nguyễn Thu Thuỷ đưa ra, năm nay lượng lớn thí sinh lựa chọn đi du học nên không đăng ký xét tuyển. Cụ thể, vào các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh quyết định du học.

"Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới", Vụ trưởng nói.

Nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho tất cả trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là 441.913 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên thành 501.455 thí sinh, là số liệu nhập học đại học cao nhất từ trước đến nay.

PGS Thủy khẳng định, đây không phải tỷ lệ ảo, mà chính là việc giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh. Với 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn là những em muốn học đại học, có đủ năng lực để học đại học. Do vậy, khi hệ thống của Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp chúng ta “giảm ảo” rất nhiều so với các năm trước.

Theo quy định năm nay, những thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác cũng phải đăng ký nguyện vọng, xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ.

Nhiều ý kiến lo ngại, các thí sinh không kịp cập nhật quy định này, đinh ninh mình đã trúng tuyển... Rồi ngay cả việc thu lệ phí đăng ký xét tuyển đại học qua các nền tảng thanh toán trực tuyến cũng là vấn đề khó khăn của không ít thí sinh.

Trước khó khăn thí sinh gặp phải, Bộ GD&ĐT đã phải giải quyết bằng cách hạn thêm 3 ngày để thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển.

Đối với việc thu phí, Bộ cũng thông báo lùi lịch thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học 3 ngày so với kế hoạch ban đầu do sự cố kết nối của nền tảng thanh toán trực tuyến.

Đến ngày 23/8, thí sinh chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, phản hồi đến Vụ Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT qua email [email protected].

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vi-sao-325000-thi-sinh-khong-xet-tuyen-dai-hoc-204099.html