Vì sao đường sắt có thể phải dừng chạy tàu toàn quốc?

21/02/2020 15:40

Kinhte&Xahoi Trong cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sáng 20/2), hàng loạt bất cập về cơ chế, chính sách cản trở hoạt động của doanh nghiệp được nêu ra.

1,1 vạn nhân viên tuần đường, gác chắn hiện không có tiền lương, ngành đường sắt có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc ảnh: Như Ý

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cảnh báo, nếu tới tháng 3/2020 mà không giải quyết được vấn đề về giao dự toán ngân sách, khiến hơn 1 vạn nhân viên tuần đường, gác chắn không có tiền lương thì đường sắt có thể phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc.

Đề cập vấn đề giao dự toán ngân sách để thực hiện việc bảo trì, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR cho biết, theo quy định, trước 31/12, Bộ GTVT giao dự toán để thực hiện các nhiệm vụ như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác.

Sau đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước. Tuy nhiên đến hôm nay, VNR vẫn chưa nhận được dự toán, điều này khiến  trên 1,1 vạn con người chưa có tiền lương, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu.

Chạy sai, không chạy cũng sai

“Chạy tàu như hiện nay là trái luật, trường hợp nhân viên tuần đường, gác chắn nào mà bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể sẽ bị khởi tố, vì có ai giao nhiệm vụ đâu mà làm. Nhưng chẳng lẽ lại dừng hoạt động chạy tàu? Cho nên để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, với tư cách là Chủ tịch HĐTV đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai tôi chịu trách nhiệm. Nhưng văn bản đó tôi ban hành cũng là sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”, ông Minh nói. Theo ông Minh, thực trạng này đã diễn ra gần 2 tháng nay và VNR đã làm nhiều báo cáo, kiến nghị gửi các cấp song đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc trên, ông Minh cho biết, Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải mà đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên không còn phù hợp khi áp dụng quy định này. “Đây là vấn đề rất cấp bách, chúng tôi báo cáo rất nhiều rồi. Nhiều người cho là lỗi ở cơ chế chính sách, song tôi cho rằng, cơ chế không sinh ra con người, con người xây dựng cơ chế chính sách. Vì thế, tôi đề nghị cần khẩn cấp có cơ chế giải quyết, nếu không sẽ phải dừng hoạt động chạy tàu trong tháng 3 tới”, ông Minh cảnh báo.

Chia sẻ với những bất cập mà VNR đang gặp phải, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cũng cho rằng, có khó khăn rất lớn xuất phát từ sự thiếu đồng bộ, nhất quán của các quy định pháp luật. Ông dẫn chứng, dự án đầu tư 15 máy bay thân hẹp của đơn vị đã trình 2 năm nay, song đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội vẫn chưa trình được cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Trước đây, quá trình từ lúc chúng tôi lập dự án đến khi trình phê duyệt cho Thường trực Chính phủ dài nhất là 6 tháng, còn ngắn nhất 3 tuần là được phê duyệt. Vậy mà nay trình 2 năm chưa biết văn bản đang được giải quyết ở đâu, đến mức nào”, ông Minh phản ánh.

Không có chuyện “con đẻ, con nuôi”

Trước ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Cao Lục yêu cầu VNR trong mọi tình huống phải bảo đảm an toàn, để hoạt động chạy tàu thông suốt. Theo ông Lục, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (QLVNN) tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển VNR từ Ủy ban về trực thuộc Bộ GTVT, những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, trong số 5 doanh nghiệp ngành giao thông chuyển sang Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp thì gặp khó khăn vướng mắc lớn nhất là đường sắt, hàng không và Tổng công ty Quản lý đường cao tốc (VEC). “Chúng tôi rất trăn trở và đã tổ chức rất nhiều cuộc họp. Ở đây tôi xin nói thật là về trách nhiệm chúng tôi đã làm hết sức. Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cũng đã có nghị quyết để giải quyết những vướng mắc, tránh trường hợp nói là “con đẻ, con nuôi”. Những gì làm được chúng tôi đã làm, còn những vướng mắc ngoài thẩm quyền, bộ đã báo cáo lên cấp trên để xem xét giải quyết”, ông Công nói.

Theo ông Công, việc giao dự toán ngân sách để thực hiện công tác bảo trì, duy tu là rất quan trọng. Bộ cũng đã báo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị tiếp tục giao cho VNR thực hiện đến năm 2025. Tuy nhiên văn bản của Quốc hội mới đây chỉ ghi chung là tiếp tục giao cho Bộ GTVT thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới, chứ không có VNR. “Cấp trên giao cho chúng tôi thế nào thì thực hiện thế, chứ không có cách nào khác”, ông Công nhấn mạnh. Thừa nhận, việc chưa giao dự toán vốn bảo trì là việc chưa có tiền lệ từ trước đến nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, song ông Công vẫn nói: Bộ GTVT phải làm việc theo pháp luật, không thể vận dụng những gì mà pháp luật không quy định để rồi phải chịu rủi ro.

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các doanh nghiệp sau khi chuyển về Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho rằng: Những vướng mắc cần được các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ, chứ không phải là xin quay trở về chỗ cũ. “Việc thành lập Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp là quyết định quan trọng của Bộ Chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nay chỉ vì một hai  vướng mắc mà xin quay trở lại là không được; đưa đi, đưa về đơn giản quá, không đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đề nghị Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp tập trung xử lý các nhiệm vụ trong thời hạn quy định, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp; các bộ ngành chức năng cũng cần khẩn trương giải quyết các kiến nghị của Ủy ban và các bộ ngành, doanh nghiệp liên quan. “Khi chuyển sang một cơ chế, cách làm mới thì sẽ có những khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới”, ông Lục cho biết.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vi-sao-duong-sat-co-the-phai-dung-chay-tau-toan-quoc-d117826.html