Visa có là chìa khóa vàng mở 'nút thắt cổ chai' cho du lịch Việt?

03/05/2019 16:02

Kinhte&Xahoi Du lịch Việt, chính sách miễn thị thực (visa) không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

Hình minh họa

Rào cản nằm ở Visa du lịch?

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, phiên Hiến kế về du lịch, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho hay, Việt Nam có vị thế đặc biệt về du lịch.

Theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia cho thấy, du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu).

Bên cạnh đó, khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu còn khiêm tốn. Khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực. Khách chi tiêu 96 USD một ngày nhưng ở Singapore là 330 USD mỗi ngày, ở Thái Lan là 163 USD mỗi ngày... Tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ 2015.

“Khách Bắc Mỹ từ 7,6 đến 5,8, châu Âu 14,6% xuống 13,1% trong khi khách châu Á tăng mạnh. Các thị trường ngách chi tiêu cao nhưng vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”- ông Tùng cho hay.

Qua những con số trên, ông Tùng nhận định, thách thức lớn nhất đối với du lịch Việt hiện nay là thị phần khách quốc tế đến Việt Nam chưa phù hợp, nếu không được giải quyết sẽ là trở ngại để ngành du lịch nước ta phát triển xứng đáng với tiềm năng và đạt được những kỳ vọng.

Dự kiến đóng góp 10% GDP cả nước trong thời gian tới, ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói.

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho biết, thủ tục cấp thị thực của Việt Nam đang khiến cho du khách cảm thấy không được chào đón. 

Từ thực tế này, đại diện các doanh nghiệp đề xuất cơ quan quản lý xem xét miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng, cần miễn thị thực visa 5-10 năm đối với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.

Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt như Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam, Mỹ đặt giới hạn về visa. Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa.

“Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak” - ông Nguyễn Quốc Kỳ kiến nghị.

Miễn thị thực không phải tiêu chí khách nước ngoài chọn Việt Nam

Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

Cụ thể, bà Lan cho biết, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho 13 nước từ năm 2004. Từ tháng 2-2017, Chính phủ cấp thị thực điện tử cho công dân trên 80 nước, với thủ tục thuận lợi.

“Qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam.

Theo báo cáo từ Tổng Cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực” - bà Lan dẫn chứng.

Từ đó, bà Lan cho rằng, việc miễn thị thực phải song hành với cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch thì mới thu hút được khách quốc tế.

Thị thực chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh của một nước.

Một số quốc gia như Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách miễn thị thực không quá mở.

Bà Lan một lần nữa khẳng định: “việc xếp hạng thị thực Việt Nam không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh du lịch”.

Đồng ý với ý kiến của Bộ Ngoại giao cho rằng miễn thị thực không phải tiue chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An dẫn chứng: khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa. Do đó, miễn visa không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế. 

Theo Đại tá Thống, thủ tục xuất nhập cảnh là do Bộ Công an quản lý. Theo Luật 47/2014/QH13 Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam, chính sách thị thực hoàn toàn đơn giản.  

Người nước ngoài đánh giá thủ tục thị thực thông thoáng, thời hạn xét duyệt từ 1-3 ngày, không cần chứng minh tài chính hay lấy vân tay như nhiều quốc gia khác.

Người nước ngoài có thể nhận thị thực tại Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài hay tại cửa khẩu hoặc lấy thị thực điện tử.

Hiện Bộ Công an xây dựng hồ sơ sửa đổi và bổ sung một số điều trong Luật 47/2014/QH13  để trình Chính phủ. Trong đó, Việt Nam đơn phương miễn visa 15 ngày cho công dân một số và bỏ quy định về thời gian giữa các lần nhập cảnh.

Bộ Công an cũng đang đưa vào luật hoá thị thực điện tử để thủ tục ổn định, có cơ sở pháp lý để thực hiện, nhằm cải cách thủ tục hành chính.

Thời gian lấy visa 3 ngày, phí 25 USD. Ngoài ra, về công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu, cơ quan này đang nghiên cứu dựng cổng xuất nhập cảnh tự động tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài. 

Theo Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xin đừng gây khó cho doanh nghiệp thương binh

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), tưởng nhớ tới sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ, thương bệnh binh đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng thì giữa Thủ đô Hà Nội lại có cách hành xử theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, gây khó doanh nghiệp thương binh.