Vụ bé trai trường Gateway tử vong: “Không lý giải nổi ai là người thay áo cho cháu bé”

13/08/2019 09:23

Kinhte&Xahoi Trao đổi với phóng viên, bà nguyễn Bích Quy (55 tuổi, người đưa đón cháu L cùng 13 học sinh đến trường) thừa nhận “không lý giải nổi tại sao buổi sáng L đi học mặc áo màu đỏ đồng phục của trường, nhưng khi phát hiện bất tỉnh lại mặc áo xám màu”.

Còn nhiều uẩn khúc

Cho đến nay, theo thông tin từ bà Phan Thị Thu Hà – Chánh văn phòng UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) tại buổi họp báo sau khi xảy ra sự việc, diễn biến như sau: khoảng 6h ngày 6/8, ông Doãn Quý Phiến (SN 1966, HKTT: số 373 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) là nhân viên lái xe hợp đồng với công ty TNHH vận tải Ngân Hà đưa đón học sinh của trường Tiểu học Quốc tế Gateway, điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Ford Transit, BKS: 29B-069.56 từ bãi xe của ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ngôi trường “quốc tế” Gateway được quảng cáo là trường tiểu học “quốc tế” hiện đại bậc nhất Hà Nội.

Sau đó, xe đến đón bà Nguyễn Bích Quy (SN 1964, ở tổ 31, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) là nhân viên đưa đón học sinh của trường Gateway để đi đón các cháu học sinh đến trường. Xe ô tô ông Phiến điều khiển đón tổng cộng 13 học sinh, trong đó có đón cháu L.H.L. Anh Lê Văn Sơn bố cháu L.H.L cho biết, đây là buổi học thứ 2 của cháu tại Trường Quốc tế Gateway. Sáng hôm đó, cháu đi học có hơi buồn ngủ vì chưa quen dậy sớm nhưng hoàn toàn không bị ốm hay mệt mỏi, cháu còn rất hào hứng tới lớp để làm quen bạn mới.

“Sau khi một giáo viên phụ trách đón trẻ và một lái xe chuyên đưa đón của trường đón bé L lên xe, tôi mới yên tâm đi làm”, anh Sơn nói. Tuy nhiên, đến 16h cùng ngày, vợ anh Sơn nhận được tin báo của giáo viên chủ nhiệm lớp của cháu L, nói rằng, không thấy con đâu. Từ chỗ làm tức tốc đến trường, vợ chồng anh Sơn nhận được những câu trả lời quanh co của giáo viên: “Hôm nay bé không đến lớp”; “không biết bé L đi đâu”...

Khi anh chị đến trường, sau hồi quanh co gặng hỏi giáo viên thì mỗi lúc cô nói một kiểu. Sau đó, các cô mới thừa nhận là bé L đã bị bỏ quên trên xe ôtô, khi trích xuất camera thì thấy cháu không vào trường. Sau đó nhà trường báo tin cháu đang được cấp cứu tại Bệnh viện E. Nhưng vợ chồng anh vào đến nơi thì con đã tử vong.

Theo bà TrầnThị Hồng Hạnh – Chủ tịch HĐQT trường Gateway cung cấp ban đầu, giáo viên kiểm soát buổi sáng có báo cháu L không đến lớp, nhưng do giáo viên phụ trách gọi điện cho các phụ huynh lại nghỉ phép nên đã xảy ra bất cẩn nghiêm trọng này.

“Chúng tôi nhận lỗi và xin chịu toàn bộ trách nhiệm”- bà Hạnh nói. Điều đáng nói, theo phía nhà trường khi phát hiện cháu bé trên xe, y tá của trường tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chấn và thấy mạch của cháu bé còn đập, chân tay mềm.

Tuy nhiên, bố cháu bé phản đối thông tin trên và yêu cầu nhà trường thành khẩn, vì bác sĩ xác nhận cháu bé tử vong trước khi vào viện, trong khi thời gian từ trường vào viện chỉ khoảng 20 phút, không thể có chuyện người cháu mềm mà vào viện co cứng ngay được.

Anh Sơn kể lại: “Khoảng 10 phút sau khi nhận được điện thoại từ nhà trường, tôi đã có mặt ở Bệnh viện E. Tôi quá hoảng, con trai tôi trong tình trạng người tím tái, môi đen nhợt và chân tay đã cứng. Lúc này bác sĩ thông báo con đã tử vong nhưng chưa đưa ra kết luận tử vong vào khoảng thời gian nào và nguyên nhân ban đầu được đưa ra do bị ngạt thở”.

Ông Lê Gia Thanh (bác ruột của cháu L) chia sẻ thêm khi đón cháu, cô giáo cho biết trên xe 16 chỗ có 13 học sinh. “Cháu L rất thông minh và khá năng động. Từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều là hơn 9 tiếng đồng hồ mà không hề có động tĩnh thông báo hay quan tâm nào của nhà trường đến gia đình. Cháu còn là cháu trai duy nhất trong nhà, nhà trường làm ăn quá tắc trách”.

Đặc biệt, gia đình cháu L khẳng định, khi bố mẹ đưa cháu ra khỏi nhà và đón xe, cháu mặc áo màu đỏ cam, quần ngắn tối màu đồng phục của trường. Thế nhưng trong đoạn camera trích xuất cảnh bế cháu từ xe đến phòng y tế của trường thì hình ảnh hoàn toàn khác. Cháu mặc áo màu xám trắng, cơ thể đã cứng và không phải mặc áo màu đỏ như buổi sáng đi.

Người đứng đầu trường Gateway cũng không giải thích được vì sao cháu bé khi đến trường mặc áo đỏ, nhưng thời điểm nhập viện lại mặc áo trắng. Điểm nghi vấn khác nữa, chiều cùng ngày, ông Phiến lấy xe gửi tại Ký túc xá Học viện Báo chí & Tuyên truyền đến trường Gateway để chở các em về.

Lúc này, bà Quy cùng các em học sinh ra cổng và khi mở cửa thì mới phát hiện ra em L nằm ngửa dưới sàn phía sau ghế lái. Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao ông Phiến quay lại lấy xe lại không phát hiện ra em L mà phải đợi khi đến trường Gateway bà Quy mới là người đầu tiên nhìn thấy?

Nếu nói rằng em L nằm khuất nên không chú ý là hoàn toàn không hợp lý vì khi phát hiện L nằm ở phía sau ghế tài xế. Được biết, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân em L.H.L. tử vong. Sau khi thu thập đủ tài liệu, cơ quan điều tra sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để xử lý.

Lộ ra nhiều sai phạm

Cơ quan chức năng cũng xác định, qua kiểm tra dữ liệu quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, chiếc xe BKS 29B-069.56 chưa có giấy phép về kinh doanh vận tải, chưa được cấp phù hiệu xe kinh doanh. Ngày 7/8, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án về tội “Vô ý làm chết người”. “Trách nhiệm chắc chắn liên quan đến bà Quy” - phó trưởng Công an quận nói. Anh Lê Văn Sơn buồn bã bày tỏ: “Gia đình đau đớn tột cùng vì mất đi đứa con duy nhất.

Sau 4 năm lấy nhau, vợ chồng tôi mới có con. Nuôi con 6 năm vất vả, mà con đã ra đi tức tưởi như vậy. Ba ngày nay, gần như vợ chồng tôi không ăn gì, không biết bấu víu vào đâu vì con đã ra đi. Chúng tôi cần minh bạch trong kết quả điều tra về cái chết của con. Các cơ quan chức năng hẹn chúng tôi 20 ngày mới có kết quả điều tra.

Gia đình tôi mong mỏi công lý sớm được thực thi để con ra đi thanh thản”, người cha bật khóc nức nở khi nói về con trai. Sau cái chết bất thường của bé L, bà Nguyễn Bích Quy (55 tuổi), người đưa đón Long cùng 13 học sinh đến trường, đã thuật lại buổi sáng cuối cùng của cậu bé 6 tuổi. “6h15 tôi bắt đầu đi đến điểm đón đầu tiên tại đường Nguyễn Chí Thanh.

Khoảng 6h40 thì xe đến điểm đón cháu L ở số 1 Trung Hòa, Cầu Giấy. Sau khi đón cháu từ người giúp việc của gia đình, tôi đưa lên xe và để cháu ngồi ở trong cùng hàng thứ 2 từ cuối lên”. Khi đó, cháu mặc áo màu đỏ, quần sẫm màu, chân đi dép lê. Đến điểm cuối có hai cháu bé lớp 1 đi học ngày đầu tiên nên rất dát và quấy khóc. Bà Quy mải dỗ các cháu.

Khi đến trường là khoảng 7h20, bà Quy mở cửa xe cả ở trên cabin lẫn cửa dưới cho học sinh xuống. “Có 2 cháu mới đi học không chịu xuống nên tôi nhấc 1 cháu, tay kia bế cháu còn lại. Tôi nhòm vào xe thì không thấy ai nên đã đóng cửa. Sau đó tài xế đánh xe đi còn tôi dẫn các cháu vào trường. Xe đến trường đúng lúc học sinh vào lớp, khi đến cửa thì các cháu ùa vào.

Trên tay tôi vẫn bế một cháu và dắt theo cháu còn lại đi vào và lên nhà ăn ở tầng 2. Lẽ ra, dẫn các cháu vào là tôi cũng xong việc. Nhưng hôm nay vì hai cháu kia bám không chịu rời nên tôi đã vào lấy sữa và xôi cho cháu ăn rồi dẫn 2 cháu lên lớp. Sau đó, tôi xuống ký bàn giao đủ 13 cháu (tính cả cháu L) rồi đi về”, bà Quy kể. Đến 16h kém 15, bà Quy lại đến trường để đón các cháu.

Lúc này lái xe đã chờ ở ngoài. Khi bà Quy vào đón thì chỉ thấy 9 cháu và thiếu cháu L (3 cháu khác đã được bố mẹ đón). Ngay sau đó, bà Quy đã báo cho một cô giáo. Cô giáo này tiếp tục báo tới Ban giám hiệu nhà trường. Người này cũng bảo bà Quy dẫn 9 cháu ra xe trước rồi vào tìm bạn L sau. Khi tôi vừa mở cửa xe, học sinh đã kêu lên có người chết.

"Lúc đó, tôi run hết cả chân tay, không làm được gì hết. Có một phụ huynh gần đó đã bế L chạy vào phòng y tế của trường để cấp cứu". Theo như lời bà Quy nói thì phía nhà trường không có ai kiểm tra lại số lượng học sinh với lý do đầu năm nên chưa có? Bà cũng xác nhận là đón 13 cháu rồi tự ghi vào sổ. Chỉ đến khi vào lớp, cô giáo chủ nhiệm điểm danh thấy thiếu mới báo lên ban giám hiệu nhà trường kiểm tra và thông báo cho gia đình.

Nhưng kì lạ ở chỗ, bà Quy không hề nhận được cuộc gọi cũng như thấy ai hỏi bà về chuyện thiếu học sinh cả, nên bà cũng yên tâm là đầy đủ các cháu. Bà Quy nói thêm: “Tôi cũng không biết gia đình cháu cho áo vào balo hay không, cũng không biết cháu có tự thay không. Lúc bối rối như thế thì sao cháu có thể biết thay áo? Tôi cũng đặt ra nhiều câu hỏi và cảm thấy nghi ngờ về chi tiết này nhưng cũng không lý giải được. Khi tôi mở cửa thì đã thấy cháu nằm sau ghế lái xe và ở dưới sàn. Cháu nằm vuông góc với thân xe và ngay sau hàng ghế lái, khi đó cháu nằm ở tư thế ngửa thẳng chân tay. Đầu hướng ra phía cửa mở, chân duỗi vào trong và áo đã bị thay. Tôi nhìn thì run bắn người lên. Chỉ thấy môi cháu tím đen đi, tóc ướt mồ hôi và nghĩ không thể cấp cứu được nữa. Theo quan sát của tôi, với vị trí của cháu Long lúc đó, người lái xe có khả năng và có thể cũng dễ nhìn được.

Tuy nhiên, ông Phiến (lái xe đưa đón học sinh) nổ máy đi từ chỗ gửi xe ô tô đến trường và có thời gian ngồi chờ các học sinh ra mà lại không nhìn thấy. Bởi cháu bé có phải là cái kim đâu, người to như thế mà lái xe lại không nhìn thấy. Bình thường ông Phiến là người cuối cùng rời xe nhưng hôm đó không hiểu sao ông ấy cũng không kiểm tra xe. Đáng lẽ như bình thường sẽ phải kiểm tra xe, kéo rèm lại rồisau đó mới khóa xe và đi về.”

Theo thông tin PV thu thập được thì bà Quy chưa có hợp đồng với trường Gateway cũng như nhà xe. Bà chỉ làm theo thời vụ cũng như chưa hề được đào tạo về việc đưa đón học sinh như thế nào và đây là buổi thứ 2 nên nhà trường không đề cập đến việc ký hợp đồng mặc dù trước đó đã làm cho trường 1 tháng thì đến kỳ nghỉ hè. Mức lương lúc đó là 2,8 triệu/tháng.

Bà Quy thừa nhận trách nhiệm lớn nhất thuộc về mình sau đó đến bác lái xe và đến cô giáo chủ nhiệm, do đã lơ là trong việc phụ trách đưa đón và đã để quên cháu. Nhưng bà cũng không chắc lắm về việc mình có quên cháu trên xe thật hay là không. Cũng mong các cơ quan công an làm rõ xem cháu mất do lý do gì khác không.

Lập lờ trong danh xưng“quốc tế”

Thời gian qua, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng để con được học trong các trường học “quốc tế”. Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp luật liên quan đến ngành giáo dục chưa hề có nội dung quy định cụ thể thế nào là trường quốc tế.

Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của của Bộ GD-ĐT ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT, việc đặt tên trường được quy định như sau: Trường THCS (hoặc:THPT; tiểu học và THCS; THCS và THPT; tiểu học, THPT chuyên) + tên riêng của trường. Đối với Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì theo Điều 29 Nghị định số: 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định: Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, pháp luật không có quy định về việc đặt tên “quốc tế” mà các trường đặttheo tên nước ngoàitự nhận là trường "quốc tế" chỉ nhằm mục đích để thu hút người học vì có thể trong chương trình dạy của họ có một số giáo viên nước ngoài và chương trình dạy có một phần dạy theo chương trình của nước ngoài.

Cách đặt tên này không sai vì không vi phạm thuần phong mỹ tục. Khái niệm trường quốc tế ở Việt Nam chưa định nghĩa được vì chưa có văn bản nào quy định thế nào là trường quốc tế. “Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước chưa được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định đẳng cấp của trường. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những khuất tất trong việc đấu giá đất làng nghề Đan Phượng

Dự án xây dựng hạ tầng khu đấu giá QSDĐ phát triển làng nghề thôn Hạ, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016 với quy 8,14ha, thời gian thực hiện 2016 – 2018. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, dự án này vẫn được triển khai dù chưa được HĐND TP Hà Nội có nghị quyết thông qua danh mục các dự án thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Tan cửa nhà vì kết quả xét nghiệm HIV sai

Anh Lê Mạnh Linh (SN 1979), trú phường Tây Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) điều trị bệnh phổi. Bất ngờ sau đó nhận “bản án” HIV, khiến gia đình anh “tan cửa nát nhà”. Anh Linh nhiều lần khiếu nại nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Bản thân anh chưa nhận được một lời xin lỗi từ Sở Y tế tỉnh Ninh Bình.

Nguồn: Pháp luật Plus