Vụ cán bộ Sở GTVT Bắc Giang lái xe Audi tông 3 người tử vong: Cần phải tăng chế tài xử phạt mới đủ sức răn đe

06/06/2022 13:15

Kinhte&Xahoi Theo LS: "Hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển ô tô gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài xử phạt mới đủ sức răn đe..."

Liên quan đến sự việc cán bộ Sở GTVT uống rượu bia gây tai nạn làm 3 người chết ở Bắc Giang, ngày 4/6, Công an TP Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 107/QĐ-CQĐT, Quyết định khởi tố bị can số 166/QĐ-CQĐT, Lệnh tạm giam số 104/LTG đối với Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, ở số nhà 9, đường Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) về hành vi “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 260 Bộ Luật hình sự.

Nguyễn Đức Thịnh tại cơ quan công an.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh (Hà Nội) cho rằng: “Việc xử lý hình sự đối với Thịnh nêu trên là quá nhẹ. Luật đã quy định rất rõ ràng rồi và cũng tuyên truyền nhiều rồi nhưng Thịnh vẫn uống rượu bia và tham gia giao thông, không chỉ vậy, bị can này còn là cán bộ của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang, hiểu hơn ai hết về tác hại rượu, bia khi tham giao thông.

Có thể nói, đây là hành vi biết trước hậu quả xảy ra rồi mà Thịnh vẫn thực hiện, chứ không phải vi phạm giao thông”.

Luật sư Thơm cũng đưa ra giả định: “Thịnh gây tai nạn chết 1 người thì bị phạt tù 5 năm còn gây tai nạn chết 3 người cũng chỉ 15 năm.

Vậy, trường hợp Thịnh gây tai nạn chết hơn 20-30 người cũng chỉ đến 15 năm tù. Luật Giao thông đường bộ chỉ mới có quy định và xử phạt tù cao nhất chưa đến 15 năm tù là không đủ sức răn đe”.

Hiện trường nơi 3 nạn nhân trong 1 gia đình tử vong thương tâm.

Từ những lập luận nêu trên, luật sư Thơm phân tích: “Hành vi sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển ô tô gây hậu quả nghiêm trọng cần phải tăng chế tài mới đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng chủ yếu là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người còn kém, coi thường tính mạng bản thân và người khác, trong đó có nguyên nhân do người lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy hay chất kích thích khác gây tai nạn đau lòng khiến dư luận xã hội hết sức phẫn nộ, đòi hỏi phải có chế tài xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Theo quy định hiện hành, việc xử lý lái xe ô tô sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác gây hậu quả nghiêm trọng được xếp vào nhóm tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông với lỗi vô ý (Điều 260 Bộ Luật hình sự).

Chiếc xe Audi gây tai nạn.

Do đó, hình phạt cao nhất của nhóm tội phạm này ở mức không quá 15 năm là chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đặc biệt, loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.

Sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển ô tô là nguy hiểm cao độ, là hành vi coi thường pháp luật, bất chấp tính mạng, tài sản của người khác.

Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được khi đưa vào cơ thể rượu, bia hay chất kích thích mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, dẫn tới mất kiểm soát, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thấy trước được hậu quả có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả.

Trong trường hợp này, lỗi của người vi phạm thuộc lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ Luật hình sự năm 2015. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm đến đó.

Nếu chết người sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo Điều 123 Bộ Luật hình sự hoặc hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì phải chịu trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ Luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Theo luật sư Thơm, Điều 123 tội Giết người có quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết 2 người trở lên; giết người dưới 16 tuổi; giết phụ nữ mà biết là có thai; giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân...

Còn trường hợp phạm tội không thuộc các trường hợp quy định nêu trên thì bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 -5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Trước đó, vào khoảng 23h32 ngày 2/6, tại ngã tư Hùng Vương – Hoàng Văn Thụ (thuộc tổ 2, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Chiếc xe ô tô BKS 98A-499.44 do anh Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, trú tại số nhà 9, đường Đào Sư Tích, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang - là cán bộ Ban quản lý bảo trì đường bộ Bắc Giang, thuộc Sở Giao thông vận tải Bắc Giang) điều khiển lưu thông trên đường Hoàng Văn thụ hướng từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Ngô Văn Cảnh va chạm mạnh với xe mô tô mang BKS 98B2-755.90 do anh Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1974, trú tại tổ dân phố Hòa Yên, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) điều khiển chở theo sau vợ là chị Dương Thị Quyên (SN 1978 và con gái là Nguyễn Thùy Dương (SN 2009) cùng địa chỉ trên lưu thông trên đường Hùng Vương hướng từ đường Lê Lợi đến đường Xương Giang.

Hậu quả, anh Hưng, chị Quyên và cháu Dương chết tại chỗ; xe mô tô và ô tô hư hỏng. Kiểm tra nồng độ cồn Nguyễn Đức Thịnh kết quả 0,604mg/lít khí thở. Ngay sau đó, Công an TP Bắc Giang đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và ra Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Đức Thịnh để phục vụ công tác điều tra.

Duy Khương - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-can-bo-so-gtvt-bac-giang-lai-xe-audi-tong-3-nguoi-tu-vong-can-phai-tang-che-tai-xu-phat-moi-du-suc-ran-de-d183251.html