Vụ cưỡng chế công trình trường học: Phó Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm bị tố tiếp tay sai phạm?

01/07/2019 09:40

Kinhte&Xahoi Không chỉ loại bỏ công trình xây dựng vi phạm khỏi kế hoạch cưỡng chế một cách đáng ngờ, một Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) còn bị tố “tiếp tay” cho hàng loạt vi phạm liên quan tới công tác tuyển sinh của nhóm đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục TDS Việt Nam (Cty TDS) tại lô TH2 Khu đô thị mới (KĐTM) Cổ Nhuế.

Không bị xử lý, còn được… giao thêm quyền

Như Báo PLVN đã thông tin, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội sau thanh tra, ngày 18/3/2019, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm đưa công trình 7 tầng xây dựng trái phép tại lô TH2, KĐTM Cổ Nhuế của nhóm cổ đông gồm bà Lê Thị Bích Dung và bà Nguyễn Thị Minh Tín đại diện quản lý (nhóm bà Dung) vào kế hoạch cưỡng chế. Tuy nhiên, ngày 3/4/2019, bằng văn bản do Phó Chủ tịch UBND quận Lưu Ngọc Hà ký gửi UBND Hà Nội xin ý kiến, đột nhiên công trình này đã bị loại ra khỏi kế hoạch xử lý, cưỡng chế một cách đáng ngờ.

Người ký văn bản này là Phó Chủ tịch, phụ trách mảng giáo dục của UBND quận, cũng là người trực tiếp xem xét, quyết định giao chỉ tiêu tuyển sinh trái quy định trong nhiều năm qua cho các trường do nhóm bà Dung làm chủ như: Tiểu học I Sắc Newton, Trường THCS-THPT Newton, Trường THCS Pascal.

Kết luận được Thanh tra Hà Nội ban hành cuối năm 2018 không chỉ làm rõ các sai phạm này, mà còn quy trách nhiệm trong việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh mà một số cá nhân là lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm đã cố tình thực hiện. Theo đó, từ 2014-2019, UBND quận Bắc Từ Liêm vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT khi phê duyệt cho cho các trường bậc tiểu học, THCS chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường của nhóm bà Dung nói trên tại lô TH2 mà không kiểm tra, xem xét đầy đủ các hồ sơ liên quan đến tiêu chuẩn, cơ sở vật chất. 

Thậm chí, năm học 2018-2019, khi các sai phạm đã bị thanh tra “tuýt còi” nhưng 12 lớp với 780 học sinh các Trường Tiểu học I Sắc Newton, THCS Newton của nhóm bà Dung tại ô đất TH2 vẫn tiếp tục được quận phớt lờ, giao chỉ tiêu tuyển sinh trái quy định.  

Các sai phạm trong việc giao chỉ tiêu tuyển sinh của UBND quận Bắc Từ Liêm mà ông Lưu Ngọc Hà được giao phụ trách được cho là nghiêm trọng. Bởi thế mà trong phần đề nghị xử lý “hậu” thanh tra, cơ quan Thanh tra đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo kiểm tra làm rõ, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định với các cá nhân sai phạm; rút kinh nghiệm trong việc giao chỉ tiêu tuyển sinh trái quy định. 

Tuy nhiên, đến nay ông Hà đã không bị xử lý kỷ luật hay kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, mà còn được giao thêm quyền để xử lý các vi phạm trong xây dựng, hoạt động giáo dục tại các cơ sở mà ông đã góp phần làm cho nó sai phạm. Dư luận không ngạc nhiên khi công trình vi phạm của nhóm bà Dung đã được ông Hà loại ra khỏi kế hoạch cưỡng chế trong một đợt ra quân của quận gần đây.   

Đề nghị mở trường trái quy định

Không chỉ ưu ái quá mức trong vấn đề phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh với các trường như Tiểu học I Sắc Newton, THCS Newton, THCS Pascal, ông Hà còn ra văn bản đề nghị thành lập thêm trường học cho nhóm bà Dung trái quy định. 

Theo tìm hiểu, từ ngày 13/6/2018, do thấy không phù hợp với mục tiêu tại Giấy chứng nhận đầu tư được UBND TP Hà Nội cấp, đến năm học 2018-2019 Sở GD&ĐT đã yêu cầu nhóm bà Dung chuyển đổi địa điểm hoạt động của THPT Newton từ lô TH2 KĐTM Cổ Nhuế về tòa nhà Gold Mark City, 136 Hồ Tùng Mậu. 

Trong khi các vi phạm trong hoạt động giáo dục của Tiểu học I Sắc Newton, THCS Newton tại lô TH2 chưa được chấn chỉnh và xử lý dứt điểm, thì ngày 31/1/2019, ông Lưu Ngọc Hà tiếp tục ban hành Văn bản số 442 gửi Sở GD&ĐT để xin ý kiến cho thành lập thêm Trường Tiểu học Newton Goldmark tại địa chỉ 136 Hồ Tùng Mậu. 

Theo quy định tại Thông tư số 41 ngày 30/12/2010 của Bộ GD&ĐT, ngoài đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, một trong những điều kiện bắt buộc để được thành lập trường tiểu học và được phép hoạt động giáo dục, đơn vị đề xuất thành lập trường phải có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục. 

Tuy nhiên, ô đất ký hiệu TH trong dự án Khu đô thị Goldmark City không phải cơ sở vật chất thuộc quyền sử dụng của nhóm bà Dung như văn bản mà ông Hà ký. Khu đất này được nhóm bà Dung thuê lại từ chủ đầu tư tòa nhà là Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng địa ốc Việt Hân. Đối chiếu theo quy định thì việc đề xuất để thành lập thêm Trường Tiểu học Newton Goldmark cho nhóm bà Dung của ông Hà là trái quy định. 

Để làm rõ các sai phạm trong quản lý hoạt động giáo dục tại địa phương, PLVN đã nhiều lần liên hệ với UBND quận Bắc Từ Liêm nhưng đều bị từ chối cung cấp thông tin, vi phạm quy định Luật Báo chí.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ 8B Lê Trực: Quy hoạch hay giấy phép xây dựng có giá trị pháp lý cao hơn?

Năm năm qua, vụ việc 8B Lê Trực luôn là vấn đề nóng được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Dư luận vẫn mặc nhiên cho rằng trăm phần nghìn tòa nhà 8B Lê Trực đã vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật xây dựng và vi phạm tuyệt đối đến giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng đã cấp phép cho công trình từ năm 2014. Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố phê duyệt có trước (cho đến nay vẫn là quy hoạch xây dựng chi tiết duy nhất cho lô đất có ký hiệu L30 gồm 20 tầng và chiều cao công trình là 70m) và giấy phép xây dựng (GPXD) do Sở Xây dựng cấp sau nhưng lại cấp sai không đúng với quy hoạch xây dựng chi tiết và sai với tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng, vậy thì quy hoạch chi tiết hay GPXD có giá trị pháp lý cao hơn?

Nguồn: Pháp luật Plus