“Vũ khí” mới điều trị COVID-19

15/01/2022 08:55

Kinhte&Xahoi Thuốc kháng thể đơn dòng Sotrovimab và thuốc viêm khớp baricitinib kết hợp corticosteroid vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt hiệu quả ngăn ngừa chuyển nặng ở người mắc COVID-19.

Ảnh minh họa.

Hôm qua (14/1), WHO phê duyệt thêm hai phương pháp điều trị COVID-19 nhằm ngăn ngừa các ca nhiễm nặng và tử vong trên toàn thế giới. Loại thuốc thứ nhất là hỗn hợp baricitinib (thuốc viên khớp) và corticosteroid để điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Thuốc thứ hai là kháng thể tổng hợp Sotrovimab của Vir Biotechnology, dành cho người già, suy yếu miễn dịch hoặc mắc bệnh mạn tính.

Hai phương pháp hứa hẹn mở rộng kho vũ khí điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới, đặc biệt khi biến chủng Omicron lây lan rộng.

Với lợi thế trốn tránh miễn dịch, Omicron được cho là sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của nhiều loại thuốc, chẳng hạn kháng thể đơn dòng. Trong bối cảnh đó, Sotrovimab nhận được sự chú ý của giới khoa học. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra phương pháp điều trị này sẽ chống lại được các biến chủng mới.

Sotrovimab được điều chế từ kháng thể của một trong những bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Corona, xuất hiện cách đây gần hai thập kỷ. Thuốc này hiệu quả điều trị SARS và cả COVID-19. Tháng 5/2021, Vir Biotechnology và đối tác GlaxoSmithKline công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Các nhà khoa học đã chia hơn 580 bệnh nhân thành hai nhóm, dùng Sotrovimab và giả dược xem liệu thuốc có ngăn ngừa nhập viện hay không.

Kết quả, chỉ ba bệnh nhân dùng Sotrovimab phải nhập viện, thấp hơn đáng kể so với 21 người ở nhóm giả dược. Điều này cho thấy thuốc giảm 85% nguy cơ chuyển nặng ở các bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình.

Nó liên kết với protein gai ở bên ngoài nCoV, không cho virus bám vào và xâm nhập tế bào người. Quá trình này giúp ngăn chặn virus nhân lên trong cơ thể.

Theo George Scangos, Giám đốc điều hành Vir Biotechnology, thuốc tấn công vào vùng protein gai của virus ít có khả năng thay đổi. Như vậy, Sotrovimab có thể hiệu quả với cả biến chủng trong tương lai. Thuốc cũng chống lại biến chủng Omicron.

Trước WHO, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp Sotrovimab ở dạng tiêm tĩnh mạch, chỉ định cho các bệnh nhân nguy cơ cao tiến triển bệnh nặng.

Người bệnh có thể sử dụng thuốc trong vòng 10 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính hoặc triệu chứng COVID-19. Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc là phát ban và tiêu chảy. Bệnh nhân cũng cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Loại thuốc thứ hai được WHO cấp phép là hỗn hợp baricitinib (thuốc viên khớp) và corticosteroid. Baricitinib được tái sử dụng để điều trị COVID-19 từ giai đoạn giữa dịch.

Baricitinib thuộc nhóm chất ức chế janus kinase, hoặc JAK, hoạt động bằng cách ngăn chặn các protein gây viêm gọi là interleukin-6. Thuốc có khả năng ngăn chặn phản ứng viên của bệnh nhân COVID-19, làm giảm sự xâm nhập của virus vào tế bào bệnh nhân.

Trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, các nhà khoa học đã chia tình nguyện viên thành hai nhóm điều trị trong vòng 28 ngày. Nhóm đầu sử dụng kết hợp baricitinib và corticosteroid, còn lại dùng giả dược. Kết quả, tỷ lệ bệnh nhân tử dùng baricitinib tử vong là 8,1%, thấp hơn so với 13,3% ở nhóm giả dược.

Theo chỉ định của FDA và hãng, liều dùng thuốc ở người lớn và trẻ em (từ 9 tuổi trở lên) là 4mg x 1 lần/ngày. Bệnh nhi từ 2 tuổi đến dưới 9 tuổi dùng 2mg x 1 lần/ngày. Tổng thời gian điều trị baricitinib được khuyến nghị là 14 ngày.

Thuốc có thể gây tác dụng phụ là huyết khối tĩnh mạch nghiêm trọng, bao gồm thuyết tắc phổi. Corticosteroid không đắt, phổ biến và chống lại chứng viêm thường đi kèm trường hợp mắc COVID nghiêm trọng.

 C. Bản - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/vu-khi-moi-dieu-tri-covid-19-d174846.html