Vụ sai phạm "động trời" tại dự án kinh doanh hải sản Thị xã Kỳ Anh: Đang có dấu hiệu "chìm xuồng"?

19/03/2019 14:29

Kinhte&Xahoi Mặc dù Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh đã có những chỉ đạo kiểm tra, xử lý sai phạm nhưng đến nay những sai phạm tại dự án hạ tầng khu bè nổi kinh doanh hải vẫn ung dung tồn tại bất chấp các quy định của pháp luật.

Liên quan đến những sai phạm "động trời" tại Dự án khu hạ tầng kỹ thuật khu bè nổi kinh doanh hải sản tại Eo Bạch, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do Trung tâm dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh làm chủ đầu tư thu tiền của 18 hộ dân không có hợp đồng pháp lý, không thông qua đấu thầu, xây dựng không phép ngang nhiên lấn biển mà không bị cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết: “Việc này sau khi báo chí phản ánh, tôi đã giao cho UBND tỉnh cùng các sở ban ngành tiến hành rà soát kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm, có gì PV cứ liên hệ với Ủy ban để có thêm thông tin".

 

 Dự án hạ tầng khu bè nổi kinh doanh hải sản ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngang nhiên xây dựng sai thiết kế, lấn biển, không có giấy phép xây dựng.

Tiếp tục, ngày 18/3/2019, PV báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ qua điện thoại với ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu hướng xử lý vụ việc và làm rõ trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan đến những sai phạm tại dự án này thì hành động của người đứng đầu chính quyền tỉnh này là: “Tôi đang bận họp" rồi tắt máy.

Ở một diễn biến khác, cùng ngày  PV báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, ông Hà cho biết: “Sau khi đồng chí Bí thư tỉnh ủy chỉ đạo đã giao cho Sở KHĐT chủ trì phối hợp với các ngành tiến hành kiểm tra hiện nay vụ việc đã có báo cáo…”.

Trước câu hỏi của phóng viên khi các Sở, ngành kiểm tra có sai phạm hay không và trách nhiệm của tập thể cá nhân có liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?

Vị chủ tịch Thị xã Kỳ Anh ban đầu nói "không có sai phạm gì thì sao xử lý". Tuy nhiên sau đó ông Hà lại quay 180 độ khi thừa nhận "Dự án này có nhiều sai phạm".

 Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh làm việc với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam vào ngày 7/1/2019.

Trước đó, báo Pháp luật Việt Nam đã có bài viết phản ánh về việc một số hộ kinh doanh mực nhảy tại thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bức xúc trước việc, UBND thị xã Kỳ Anh đã giao cho Trung tâm dịch vụ hạ tầng và Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh tổ chức san gạt tạo mặt bằng phân lô mặt nước để thu tiền của các hộ dân có nhu cầu với giá từ 340 đến 360 triệu đồng không có hợp đồng pháp lý chỉ có phiếu thu nhỏ.

Việc xây dựng hạ tầng với dự toán giai đoạn 1 gần 7 tỷ đồng này không qua đấu thầu mà do chính Trung tâm này đứng ra đảm nhận là vi phạm nghiêm trọng về luật đấu thầu, luật xây dựng.

Cụ thể, sau khi có chủ trương di dời 18 bè nổi kinh doanh hải sản ở khu vực cảng nước sâu Vũng Áng đến địa điểm mới để xây dựng cầu cảng số 3, Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị TX Kỳ Anh (gọi tắt là Trung tâm dịch vụ hạ tầng) đã đứng ra xây dựng hạ tầng, định giá và tạm thu của 18 hộ dân gần 4 tỷ đồng (trong tổng số 6,9 tỷ đồng dự toán) mà không thông qua đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng về xây dựng khi hầu hết 18 bè nổi này ngang nhiên lấn ra biển trái với chủ trương, được xây dựng bê tông cốt thép kiên cố mà không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép vẫn ung dung tồn tại thách thức chính quyền và pháp luật.

Nhằm xác minh thông tin bạn đọc phản ánh, nhóm phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã mục sở thị vào nơi đây thì những phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

 Sau khi thu tiền của 18 hộ dân Trung tâm dịch vụ hạ tầng và Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh và UBND thị xã Kỳ Anh ngang nhiên cho các hộ dân tự ý cào đá, xây dựng đổ cột bê tông kiên cố lấn ra biển, xây dựng không phép, sai so với thiết kế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để giao mặt bằng xây cầu cảng số 3 đồng thời đảm bảo sinh kế, việc làm và duy trì thương hiệu đặc sản mực nhảy Vũng Áng, ngày 8/3/2018, UBND thị xã Kỳ Anh đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hạ tầng khu bè nổi kinh doanh hải sản thị xã Kỳ Anh (giai đoạn 1) tại Eo Bạch để di dời 18 hộ đó về vị trí kinh doanh mới.

Theo quyết định đó, Trung tâm dịch vụ hạ tầng và Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh được giao làm chủ đầu tư với kinh phí dự kiến là hơn 6,9 tỉ đồng.

Nguồn vốn xã hội hóa và hỗ trợ từ Công ty CP cảng Quốc tế Lào - Việt (chủ đầu tư cầu cảng số 3).

Khi triển khai, Công ty cảng Lào - Việt đã hỗ trợ 70 triệu đồng/hộ cho 18 hộ nói trên, còn lại, chủ đầu tư thu từ 18 hộ kinh doanh đó từ 340 - 360 triệu đồng/hộ để giao mặt bằng kinh doanh trong thời gian 10 năm mà không phải nộp thuế.

Tiếp đó, ngày 16/5/2018, 18 bè nổi hoàn thành việc di dời về địa điểm mới, trả mặt bằng để Hà Tĩnh xây dựng bến cảng số 3 – cảng Vũng Áng.

Mỗi bè nổi được hỗ trợ di dời 70 triệu đồng. Địa điểm mới được quy hoạch phía sau đền Eo Bạch, cách địa điểm cũ 500m.

Tại địa điểm mới, với số tiền đã nộp tạm ứng cho Trung tâm dịch vụ hạ tầng mỗi hộ 150 đến 200 triệu đồng (trên tổng số 340 đến 360 triệu đồng) các hộ dân cho rằng họ sẽ có mặt bằng để kinh doanh buôn bán mực nhảy ngay, nhưng dường như UBND thị xã Kỳ Anh và Trung tâm hạ tầng kỹ thuật chỉ vẽ ra dự án để thu tiền còn mọi cam kết về dự án đều không thực hiện để cho các hộ dân tự bơi, tự thiết kế, thuê người, thuê máy cào đá, đóng cọc bê tông lấn biển, xây dựng điểm kinh doanh bấp chấp các quy định về biển đảo, cũng như hậu quả khi mùa mưa bão.

Theo quan sát của phóng viên, 18 hộ kinh doanh mực nhảy đã tự ý xây dựng kiên cố 18 cơ sở để kinh doanh buôn bán. Hầu hết các hộ đều đổ cột bê tông cốt thép chôn sâu xuống mặt biển, phía trên được mặt được thiết kế sàn gỗ, xung quanh được làm khung sắt lợp mái tôn kiên cố.

Phía bên ngoài được các hộ dân mua lại mặt nước thuê máy móc cào đá tạo thành bức tường chắn sóng cách 18 căn bè nổi kiên cố khoảng 3m đến 5m để cho các thuyền vào neo đậu tương đối tạm bợ.

Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo ráo riết làm rõ sự việc, xử lý nghiêm những cá nhân để xảy ra sai phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương là "không có vùng cấm" dù bất kỳ người đó là ai?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này!

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lào Cai: Chính quyền cưỡng chế doanh nghiệp trên mặt đập thủy điện gây mất an toàn hồ chứa

Theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 15/3/2019, chính quyền tỉnh Lào Cai huy động lực lượng, cho máy móc thiết bị thi công cưỡng chế hoạt động của doanh nghiệp ngay trên đập và cửa nhận nước (hầm) thủy điện Tà Thàng gây mất an toàn đập. Đồng thời, việc phê duyệt và cho thi công tuyến đường Bản Dền – Thanh Phú của UBND tỉnh Lào Cai có thể gây thất thoát nhiều tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ