Vụ ThangLong AT bị tố ‘ém hồ sơ’: Cơ quan điều tra cần vào cuộc

23/07/2018 08:34

Kinhte&Xahoi Mặc dù đã tìm mọi cách liên hệ với ThangLong AT để mua hồ sơ đấu giá nhưng bất thành, nhiều doanh nghiệp rất bức xúc tố đơn vị này có dấu hiệu khuất tất, “ém hồ sơ”.

Một vụ mua bán nhiều khuất tất

Như các bài báo trước chúng tôi đã phản ánh, ngày 13/7, nhiều doanh nghiệp đến làm việc tại trụ sở Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long (ThangLong AT), có địa chỉ tại số 54 Trần Nhân Tông, Hà Nội để mua hồ sơ đấu giá. Tài sản đấu giá là quyền thuê đất 7,5 ha của dây chuyền sản xuất phôi và dây chuyền cán thép của Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi, có địa chỉ tại thôn Đồng Mai, xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Tuy nhiên sau nhiều ngày đến công ty này chực chờ để mua hồ sơ, thế nhưng Công ty này vẫn đóng cửa im ỉm không có ai bán hồ sơ, gọi điện thoại theo hướng dẫn cũng không có ai trả lời, khiến nhiều doanh nghiệp đến đăng ký mua hồ sơ đấu giá phải ra về tay không.

Cửa phòng của Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long đóng cửa im ỉm cả ngày 13/7.

Qua trao đổi điện thoại với bà Lương Thị Tâm, Giám đốc Công ty Thăng Long AT ngày 13/7, bà Tâm cho biết ngày 13/7 vẫn có người trực tại Công ty, đồng thời khẳng định liên quan đến tài sản của Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi thì phía Công ty mở bán hồ sơ đấu giá 2 tuần, từ ngày 29/6 chứ không phải bán từ ngày 12 - 14/7, và thông báo trên tivi, còn từ ngày 13 – 14/7 là ngày xem tài sản.

Nhưng bất ngờ hơn, chỉ mấy ngày sau (17/7), Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long đã tiến hành bán đấu giá tài sản trên.

Anh T.V.H,, một doanh nghiệp đến mua hồ sơ bức xúc: Đến sáng ngày 16/7, chúng tôi lại tiếp tục đến ThangLong AT để mua hồ sơ đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi. Tại phòng 306, ông Nguyễn Thế Hiệp (người được giao phụ trách bán hồ sơ của Công ty CP Thép Vạn Lợi) cho biết, hồ sơ đấu giá được bán từ ngày 29/6 và đã hết hạn ngày 14/7. “Ngạc nhiên hơn”, tờ thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty Thép Vạn Lợi lại được dán trong phòng của ông Hiệp chứ không phải dán ở bảng tin ngoài hành lang như quy định.

Thông báo đấu giá "dán trong phòng làm việc".

Sau một ngày tiến hành bán đấu giá xong tài sản của Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi, Công ty Cổ phần Đấu giá và Thương mại Thăng Long đã mời nhiều cơ quan báo chí đến để trao đổi xung quanh vụ việc này.

Tưởng chừng những nghi ngờ, khuất tất về việc này sẽ được làm sáng tỏ trong buổi trao đổi này, thế nhưng nhiều cơ quan báo chí phải ra về trong thất vọng bởi những thông tin về vụ bán đấu giá này vẫn chưa được tiết lộ.

Tài sản của Công ty CP Thép Vạn lợi được bán bao nhiêu, đơn vị nào trúng đấu giá?

Cụ thể, tại buổi trao đổi với báo chí chiều ngày 18/7, với sự có mặt của ông Nguyễn Huy Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đấu giá và Thương mại Thăng Long, ông Lê Thế Hiệp (người phụ trách bán hồ sơ)… đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào của PV liên quan đến tài sản của Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi, mà suốt cả buổi họp báo, đại diện Công ty này chỉ cố chứng minh ngày 13 và 14/7, trong hai ngày bán hồ sơ đấu giá này ông Hiệp luôn có mặt tại Công ty chứ không phải vắng mặt, đóng cửa phòng im ỉm như một số thông tin báo chí nêu.

Cuộc họp báo chí chiều ngày 18/7 với sự tham gia của đại diện Công ty CP Đấu giá và Thương mại Thăng Long.

Nhưng khi PV yêu cầu phía Công ty trích xuất Camera để chứng minh ông Hiệp có mặt tại thời điểm ngày 13/7 thì ông Hiệp trả lời việc này chỉ có cơ quan điều tra mới có quyền. Theo đó, ông Hiệp phân trần, “chiều ngày 13/7 tôi có việc bận phải đi ra ngoài và có nhờ một nhân viên trong Công ty trực hộ", nhưng khi hỏi nhân viên trực thay ông Hiệp hôm đó đó là ai thì ông này không nói rõ. Mặt khác, nếu trực thay ông Hiệp thì lẽ ra phải thay đổi số điện thoại liên hệ, nhưng bên ngoài phòng ông này vẫn ghi rõ “khách có nhu cầu mua hồ sơ liên hệ với mình”.

Điều bất ngờ hơn, khi nhiều PV đặt câu hỏi việc đăng thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty CP Thép Vạn Lợi được đăng tải thời gian nào, đăng ở đâu… quan trọng hơn, trước khi tiến hành đấu giá tài sản được thẩm định giá trị bao nhiêu, đơn vị nào thẩm định? Có bao nhiều đơn vị mua được hồ sơ và tham gia đấu giá, tài sản đấu giá được bán bao nhiêu thì phía Công ty này không trả lời.

Được biết, tại các phiên đấu giá, giá trị của tài sản đấu giá có thể được tăng lên gấp nhiều lần lần nếu như được đấu gia công khai, có nhiều đơn vị tham gia. Tuy nhiên, nếu với việc “trốn” không cho các nhà đầu tư tiềm năng khác được nộp mua hồ sơ, nghiễm nhiên “chủ sàn” có thể “điều khiển” phiên đấu giá để giá trị tài sản “lên cao, xuống thấp” theo ý muốn.

Điều này tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư có sự móc nối với “chủ sàn” dễ dàng mua được tài sản đấu giá với mức giá chỉ nhỉnh hơn mức khởi điểm không đáng kể. Với phương thức này, nhiều doanh nghiệp có thể mua được tài sản Nhà nước với giá rẻ mạt hơn rất nhiều so với giá trị thực. Điều này gây thất thoát ngân sách nhà nước một cách nghiêm trọng.

Trước sự việc bất thường trên, cơ quan điều tra cần vào cuộc để xác minh, xử lý sai phạm nếu có, nhằm tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.

 

 Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM