Xác định rõ tiêu chí, điều kiện để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan

22/09/2022 11:30

Kinhte&Xahoi Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên họp

Sáng 22/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 để cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; Sửa đổi, bổ sung 156 điều; Bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất; Sửa đổi nguyên tắc giá đất bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định (Điều 132).

Quy định bảng giá đất, được xây dựng định kỳ hằng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm phù hợp với cơ chế thị trường và được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí… (Điều 133).

Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá (Điều 134).

Bổ sung quy định về điều tiết nguồn thu từ đất của các địa phương về ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho phát triển; Quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tiễn của địa phương quy định mức điều tiết để hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi và người có đất bị thu hồi (Điều 127).

Đồng thời, dự án luật kiểm soát tình trạng đầu cơ đất đai thông qua công cụ tài chính thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất được sử dụng hiệu quả (Điều 126).

Quang cảnh phiên họp

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 69), thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70).

Xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 81 “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” cần được định lượng cụ thể hơn. Cần có quy định hướng dẫn chi tiết bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Đồng thời, cần có cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc này để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị rà soát các quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai, điều tiết nguồn thu từ đất. Đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành Luật Ngân sách nhà nước, luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa các yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh đó, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm (khoản 1 Điều 133).

Về giá đất cụ thể (Điều 134), để bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong xác định giá đất, cần quy định việc thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là bắt buộc. Thành viên Hội đồng thẩm định giá đất phải là các chuyên gia, cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động định giá đất, bảo đảm tính độc lập với cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xac-dinh-ro-tieu-chi-dieu-kien-de-tranh-lam-dung-thu-hoi-dat-tran-lan-206308.html