Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng: Những địa chỉ “đen”

22/01/2019 16:15

Kinhte&Xahoi Không chỉ là những trò dối trá trên mạng để hù dọa, “bóp nặn” bệnh nhân, ở ngoài đời thực, những mắt xích trong hệ thống sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng (TPCN) cho Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược cũng chứa đựng đầy rẫy bất thường.

Đụng đâu, bất minh đấy

Như đã đề cập, Công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược do bà Nguyễn Thị Tường An (SN 1993, quê Hà Tĩnh) là đại diện pháp luật, dù đăng ký ở số 7/71 Hoàng Văn Thái (Q. Thanh Xuân), nhưng sau thời gian dài tọa ở tầng 23, tháp A, Tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng (Q.Nam Từ Liêm) - nơi PV từng nhập vai làm nhân viên, hồi đầu tháng 6.2018, vừa chuyển toàn bộ sang số 9 đường Liên Cơ (Q. Nam Từ Liêm). Ngay dưới An là “phó tướng” Cường, mới ngoài 20 tuổi.

Các “bác sĩ online” đang làm việc bên trong chi nhánh số 9 Liên Cơ.

 

Công ty Đông Nam Dược là trung tâm của hơn 20 công ty con và các chi nhánh vệ tinh, chuyên bán TPCN theo hình thức online. Cùng với đó, hệ thống này đã và đang đẩy ra thị trường hàng chục mã hàng đều trong vỏ bọc “thần dược” như: Vương Khớp An, Bách Xương Tán (xương khớp), Trường An Vị (đại tràng), Cao Lá Đung (dạ dày), An Họng Khang, Chỉ Khiết Hầu (viêm họng), Tán Trĩ An (trĩ), Đào Nữ An (nở ngực)… Trong đó, xin nhắc lại, Vương Khớp An là mặt hàng chủ lực, giá bán 350.000 đồng/lọ.

Mỗi loại TPCN mà công ty này bán ra đều có trang web riêng để quảng bá và hàng chục các fanpage facebook để tìm kiếm khách hàng. Vậy nhưng, phần lớn những trang này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, sau đó bị xóa bỏ để thay thế bằng những địa chỉ mới. Ngay cả trang chủ của Đông Nam Dược là dndgroup.vn hiện cũng đang “chết lâm sàng”, không vào được.

Thông tin nhân vật trong các bài quảng cáo thường rất chung chung, khó thể xác minh tính chân thật.

 

Không chỉ đội ngũ nhân viên bán hàng qua điện thoại (telesales) thường xuyên múa mép mạo nhận là bác sĩ này, dược sĩ nọ để bán hàng mà nhiều hình ảnh, clip quảng cáo đăng tải trên web, facebook của Đông Nam Dược cũng được cắt ghép, chỉnh sửa rất tùy tiện. Cùng 1 nhân vật nam, bên dưới là tên, tuổi, địa chỉ cụ thể, vừa ở web này kêu bị trĩ nặng, nhưng do dùng Tán Trĩ An nên bệnh tình thuyên giảm; nhưng ở web khác, vẫn gương mặt ấy kèm tên tuổi khác, tươi roi rói khoe mình uống “thần dược” Vương Khớp An mới 1 tháng mà thấy hợp, khỏe ra nhiều…

Liên minh ma quỷ

Trong liên tiếp nhiều tháng nhập vai làm việc tại ít nhất 3 cơ sở thuộc Đông Nam Dược, chúng tôi liên tục được nghe đến những cái tên như: Phòng khám Phúc Minh Đường (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Phúc Minh Đường; số 55 ngõ 158 Nguyễn Khánh Toàn, Q.Cầu Giấy và số 276 Lê Trọng Tấn, Q.Thanh Xuân) và Phòng khám Thiệu Khang Đường (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Thiệu Khang Đường; số 7, ngõ 102, Khuất Duy Tiến, Q. Thanh Xuân).

Một “thầy thuốc” của Phúc Minh Đường xuất hiện trong clip quảng cáo Vương Khớp An.

 

Làm việc tại Công ty CP Nam dược An Nhiên (số 7/71 Hoàng Văn Thái, Q. Thanh Xuân) - theo quan sát của PV - đó là 1 căn nhà ống cao tầng, công ty thuê 3 tầng, mỗi tầng ngồi khoảng 20 người. Sau khi lọt qua vòng phỏng vấn, PV được định hướng và dạy cách hù dọa bệnh nhân hòng bán các TPCN là Liễu Tâm An (da liễu) Tán Trĩ An (trĩ). Cũng theo lời chỉ dạy, đối tác của An Nhiên là Thiệu Khang Đường. Nếu khách hàng thắc mắc, cứ nói là “bí kíp gia truyền” của nhà thuốc Thiệu Khang Đường. Và đây cũng là địa chỉ khách có thể qua mua trực tiếp 2 sản phẩm kể trên. Có điều nực cười, ở An Nhiên, kể cả người bị ngọng, ngắn lưỡi đều được nhận vào làm việc.

Các “bác sĩ online” của An Nhiên tập trung bán Liễu Tâm An và Tán Trĩ An.

 

Tại Công ty CP Quốc tế Dược phẩm Kiwi Việt Nam (số 234 Phạm Văn Đồng, Q. Bắc Từ Liêm) cũng vẫn khung cảnh tương tự. Căn phòng rộng nằm trên tầng 3 của tòa chung cư Green Stars lúc nào cũng rộn ràng tiếng các “bác sĩ”, “dược sĩ” vấn bệnh. Một nhân viên lâu năm tại Kiwi khẳng định, cả Phúc Minh Đường và Thiệu Khang Đường đều nằm trong hệ thống nhằng nhịt của Công ty Đông Nam Dược. Nhiệm vụ chính là để “rửa nguồn”, tạo vỏ bọc hoành tráng và tăng độ tin cậy cho các loại TPCN bán ra bởi Đông Nam Dược cùng các công ty liên kết khác. Do đó, bệnh nhân dù mua hàng theo kiểu gửi về tận nhà, hay qua trực tiếp các phòng khám để mua, thì lợi nhuận vẫn dồn về 1 mối.

Bên trong Công ty DP Kiwi Việt Nam số 243 Phạm Văn Đồng.

 

Quay lại với những tháng ngày làm việc tại Công ty Đông Nam Dược (nhánh tại tòa nhà Sông Đà), trong 1 hướng dẫn tôi, Hường - Trưởng Nhóm xương khớp - cũng cho biết, Phúc Minh Đường do Đông Nam Dược lập ra. Nhưng do phòng khám này có khá nhiều lùm xùm, nên Hường cũng lưu ý: Nếu có người phàn nàn về Phúc Minh Đường, mình hãy nói theo kiểu bị vu vạ. Đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Với uy tín hơn 30 năm, chúng tôi không vì 1 vài đồng tiền mà đánh đổi lương tâm và tính mạng của con người.

Thấy mặt tôi hoang mang, Hường vội giảm giọng, chấn an: Nói thế chứ hiếm lắm mới có người kiểm tra lại. Khách của mình phần lớn là người cao tuổi, dễ tin người mà cũng không quá thạo về mạng máy tính...

Những địa chỉ “đen”

Theo ghi nhận từ thực tế, cả 2 Phòng khám Phúc Minh Đường và Thiệu Khang Đường đều là những địa chỉ “đen” trong lĩnh vực y dược tại Hà Nội. Nhiều năm qua, có lẽ do cùng chiêu trò hoạt động nên cả 2 cơ sở đều gặp phải những bê bối như nhau. Cụ thể là suốt giai đoạn từ 2017 đến đầu 2018, triền miên bị khách hàng tố cáo về các vi phạm như: Cố tình “đánh lận” giữa TPCN và thuốc, quảng cáo sai sự thật, “nổ” quá đà trên mạng xã hội, sản phẩm kém chất lượng, đội ngũ nhân viên yếu chuyên môn, thiếu hàng loạt giấy tờ pháp lý và lợi dụng hình ảnh bệnh nhân…

Tháng 11.2016, bệnh nhân Lê Văn Phúc (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) từng “tố” Thiệu Khang Đường sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo láo.

 

Ngoài ra, còn 1 địa chỉ khác cũng thường được nhắc tên là Đông y Dung Hà (Công ty CP Đông y Gia truyền Dung Hà). Trên danh nghĩa, Dung Hà là đối tác bào chế và sản xuất ra Bách Xương Tán - sản phẩm đang được bán khá tốt trên hệ thống của Đông Nam Dược bởi những pha hù dọa của đội ngũ chuyên gia “rởm”.

Theo tìm hiểu, mặc dù người đứng tên là Hà Thị Dung nhưng số điện thoại đăng ký 0918.414.xxx lại là 1 số điện thoại đã được chủ tịch Nguyễn Thị Tường An đăng ký Công ty CP Dược phẩm Quốc tế Doctor A. Và cũng chính số điện thoại này được “phó tướng” Nguyễn Văn Cường đăng ký cho Công ty Kiwi… Bên cạnh đó, Dung Hà và Doctor A lại nằm sát vách nhau, lần lượt ở số 4 và số 6 ngách 33, ngõ 214 đường Nguyễn Xiển, Q. Thanh Xuân.

Hình ảnh được cho là mạo nhận giải thưởng của Đông y Dung Hà.

 

Cũng như các địa chỉ khác trong “liên minh ma quỷ”, thông tin nhóm PV Báo Lao Động thu thập được về Dung Hà cũng chỉ một màu đen đúa, tràn lan sai phạm. Cụ thể, cuối năm 2017, Dung Hà bị nhiều cơ quan báo chí phanh phui các hành vi sai trái như: Mạo nhận giải thưởng, quảng cáo sai sự thật, lập lờ giữa thuốc và mỹ phẩm, sản phẩm kém chất lượng… Từ phản ánh đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc, tiêu hủy hàng loạt sản phẩm Dung Hà, đồng thời thu hồi các giấy công bố sản phẩm trong đó có phiếu công bố Số 46/17/CBMP-HY của Bách Xương Tán…

Diện kiến sự thật

Theo tìm hiểu của PV, Vương Khớp An tuyệt nhiên chẳng phải là linh đan thần dược gì như đám “bác sĩ rởm” vẫn khoác lác với bệnh nhân, cũng chẳng phải sản phẩm gia truyền gì. Theo giấy phép do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, Vương Khớp An được Công ty CP Nam dược An Nhiên công bố, thuộc nhóm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản xuất bởi công ty N, đặt trụ sở tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Bản chất Vương Khớp An chỉ là TPCN.

 

Tương tự, công ty N cũng là nơi sản xuất ra hàng loạt loại TPCN khác cho hệ thống của Đông Nam Dược như: An Họng Khang (viêm họng), Đào Nữ An (viên nở ngực), Tán Trĩ An (trĩ), Double X for man, Double X for woman (hỗ trợ sinh lý)… Công dụng của những sản phầm này đến đâu, không ai biết; nhưng chắc chắn chúng không phải là thuốc, không có tác dụng chữa và điều trị bệnh.

Trong vai người có nhu cầu tham gia vào thị trường TPCN, PV Báo Lao Động được giám đốc Công ty N là T, SN 1984, tiếp đón nồng hậu, mời tham quan nhà máy. T bóng bẩy, đi xe hạng sang, thừa nhận Nguyễn Thị Tường An là bạn hàng lớn và lâu năm. Ngoài ra, Công ty N cũng cung cấp TPCN cho nhiều đối tác khác.

Theo giám đốc T, từ lúc bắt tay hợp tác đến lúc có sản phẩm bán ra thị trường, thường mất khoảng 2,5 tháng hoặc lâu hơn nếu có rủi ro. Trong đó 1,5 tháng là thời gian đăng ký, thẩm định hồ sơ bên Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm. Trong thời gian này, nhà máy của T sẽ nghiên cứu và sản xuất vài trăm lọ để khách hàng thử nghiệm miễn phí, khi sản phẩm đạt yêu cầu sẽ sản xuất với số lượng lớn từ 5.000 hộp trở lên cho mỗi đơn hàng, và chỉ trong 3 tuần sẽ đáp ứng đầy đủ.

Chân dung T (người chống tay) trong buổi trao đổi với PV.

 

Với phương châm “chìa khoá trao tay”, T khẳng định, khách hàng chỉ cần có ý tưởng, công ty N sẽ đóng gói, in ấn nhãn mác, lập đầy đủ thủ tục cấp phép sản phẩm ra ngoài thị trường. Bất ngờ hơn nữa, vị giám đốc trẻ còn cho biết, đối với các sản phẩm như Vương Khớp An, do là mối làm ăn uy tín lâu năm nên dù khách hàng mới yêu cầu bào chế, làm ra sản phẩm tương tự thì nhà máy cũng từ chối để giữ chữ tín.

Ngày 19/6, Cục An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác kiểm tra đột xuất các địa chỉ được nêu trong bài báo. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, tại địa chỉ Công ty CP Nam dược An Nhiên (số 7/71 Hoàng Văn Thái, Q.Thanh Xuân), một số nhân viên nhận là quản lý tại đây cho biết không biết giám đốc là ai, nhân viên này chỉ làm thử việc mà không có hợp đồng lao động.

Còn tại địa chỉ Công ty Đông Nam Dược (chi nhánh đặt tại tầng 23, tháp A, tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, Q.Nam Từ Liêm) đã không còn tồn tại hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, tại địa chỉ 243 Phạm Văn Đồng và số 9 Liên Cơ, theo đoàn công tác, là không nằm trong danh sách đăng ký nên chưa thể kiểm tra ngay. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm - cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục làm rõ sự việc và sẽ xử lý nghiêm minh.

 

Theo Báo Lao động/Phapluatplus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Trưởng thôn bị dân tố trộm cành cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ

Hai cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, HN) từng được định giá đến 100 tỷ đồng. Từ cuối năm 2018 UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép người dân bán 2 cây sưa này để lấy tiền công ích. Trong khi chờ được bán cây, bất ngờ Trưởng thôn bị người dân tố cắt trộm cành đem bán.