3.364.800 liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về Việt Nam trong tháng 5/2021

01/04/2021 17:28

Kinhte&Xahoi Ngày 1/4, Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên từ Covax Facility, với sự hỗ trợ của UNICEF, WHO, GAVI và CEPI. Tiếp theo, dự kiến 3.364.800 liều sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vaccine sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.

Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đặc biệt là với sự lây lan của các biến chủng của virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 phải đạt tới 75% dân số thế giới. Bên cạnh mục tiêu chính và kỳ vọng mở cửa và phát triển kinh tế trở lại, thì đây là thời điểm lịch sử quan trọng, thời điểm mà một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, phức tạp nhất và chưa từng có đang được tiến hành trên toàn cầu. Hơn 32 triệu liều vaccine do Covax cung cấp đã được chuyển đến 63 quốc gia chỉ trong vòng một tháng.

Điểm mấu chốt cho thành công của một chiến dịch tiêm chủng là phải đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất. Để đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19, đặc biệt cho các nhóm ưu tiên, Covax Facility đã được thành lập - bao gồm GAVI, CEPI, WHO và UNICEF. Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất cùng chung tay hợp tác với các chính phủ và các nhà sản xuất nhằm đảm bảo vaccine Covid-19 được cung cấp cho cả những quốc gia có thu nhập cao và những quốc gia thu nhập thấp.

 Việt Nam tiếp nhận 811.200 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên từ Covax Facility, với sự hỗ trợ của UNICEF, WHO, GAVI và CEPI. Tiếp theo, dự kiến 3.364.800 liều sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vaccine sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.

Đợt vaccine đầu tiên do Covax Facility hỗ trợ đến Việt Nam là một tin tốt lành, tuy nhiên sẽ cần có thời gian để tiến hành tiêm chủng cho phần lớn dân số. Vì vậy, trong lúc này điều quan trọng nhất là mọi người phải tuân thủ hướng dẫn của chính phủ về sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách để giảm thiểu rủi ro lây lan virus.

Trong buổi lễ tiếp nhận vaccine hôm nay 1/4 tại Kho vaccine tiêm chủng Quốc gia, Chính phủ các quốc gia sau đây được ghi nhận vì những đóng góp tài chính hào phóng cho Covax Facility để cung cấp và phân phối vaccine miễn phí đến 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Các chính phủ đóng góp vào công cuộc đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine bao gồm Australia, Áo, Bỉ, Butan, Canada, Colombia, Đan Mạch, Estonia, Ủy ban Châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Kuwait, Luxemburg, Monaco, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Qatar , Hàn Quốc, Ả Rập Xê-út, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Bên cạnh đó cũng có sự đóng góp của các công ty và tập đoàn tư nhân bao gồm Bill và Melinda

Gates Foundation, Thristledown Foundation, Mastercard, TikTok, Shell, và các cá nhân.

Tại các quốc gia, WHO và UNICEF hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm chủng, đào tạo nhân viên y tế, theo dõi giám sát tiêm chủng, và truyền thông nâng cao nhận thức công chúng về tầm quan trọng của tiêm chủng. WHO cùng với Chính phủ Việt Nam đạt được dấu mốc quan trọng này trong công tác ứng phó với đại dịch Covid-19.

TS Kidong Park-Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, thành tựu này là minh chứng cho sự đoàn kết toàn cầu và nhiều quốc gia và các đối tác đã hợp tác với nhau để mang lại lợi ích quan trọng cho sức khỏe cộng đồng. “Tôi đánh giá cao Việt Nam vì những nỗ lực vượt bậc để tạo điều kiện đưa vaccine của Covax vào Việt Nam. Tôi ghi nhận nỗ lực của tất cả các đối tác Chính phủ, trong và ngoài ngành y tế. Tôi đã thấy được sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận vaccine, từ việc xác định các nhóm ưu tiên, tập huấn cho nhân viên y tế, thu xếp hệ thống vận chuyển phân phối vaccine đến các tỉnh và thông tin đầy đủ cho công chúng. Vaccine đến có nghĩa là nhiều nhân viên tuyến đầu và những người có nguy cơ cao có thể được tiêm vaccine và được bảo vệ. WHO sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác để đảm bảo vaccine đến được tới những người cần nhất”.
Vaccine do UNICEF mua và cung ứng thông qua Covax Facility nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ Việt Nam về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam, dự kiến sẽ cung cấp đủ vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam.

Bà Rana Flowers-đại diện UNICEF cảm ơn các quốc gia đã hào phóng ủng hộ tài chính cho Covax Facility. “Đây là thời điểm tuyệt vời – thời điểm mà chưa ai trong chúng ta từng trải qua trước đây. UNICEF đang dốc sức đóng góp cho nỗ lực toàn cầu này thông qua kinh nghiệm và các mối quan hệ mà chúng tôi có được trong nhiều thập kỷ cung cấp vaccine an toàn giúp cứu sống hàng triệu người”- bà Rana Flowers nói.

Đại diện UNICEF cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi hợp tác cùng với Bộ Y tế Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch, đào tạo và truyền thông, cũng như mua và cung cấp thêm bơm kim tiêm, hộp an toàn và tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine. Chỉ khi vaccine phòng Covid-19 được triển khai đến toàn thể người dân ở khắp mọi miền Việt Nam, thì cuộc sống và nền kinh tế mới có thể trở lại bình thường, chúng ta mới có thể đảm bảo trẻ em không bị gián đoạn việc học tập, được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đây thực sự là một thời điểm tuyệt vời để tất cả chúng ta cùng chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam".

Vaccine phòng Covid-19 cung ứng cho Việt Nam do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và ủy quyền cho SK Bioscience tại Hàn Quốc sản xuất. Vaccine AstraZeneca/Oxford COVID-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp và đã được sử dụng tại Việt Nam.

Trong nhiều tháng qua, các đối tác Covax, đặc biệt là WHO và UNICEF đã hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam trong các nỗ lực sẵn sàng và triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19  trên toàn quốc, đặc biệt trong việc xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam đang được hưởng lợi từ Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng đối với vaccine Covid-19.

Để có thể tiếp nhận vaccine thông qua Cơ chế Covax, Việt Nam cần đáp ứng được một số điều kiện, bao gồm xác nhận việc hoàn thành các qui định cấp phép quốc gia liên quan đến cung ứng vaccine, thỏa thuận bồi thường, xây dựng kế hoạch tiêm chủng quốc gia, cũng như các yếu tố hậu cần khác như giấy phép nhập khẩu vaccine.

 Thảo Trần - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sân vận động Cam Ranh: Lùm xùm chuyện xã hội hóa

Từ năm 2016, sân vận động (SVĐ) Cam Ranh được cho thuê với giá hơn 42,7 triệu đồng/năm bằng hình thức xã hội hóa (XHH). Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành kiểm tra, báo cáo việc thực hiện chính sách ưu đãi tại đây.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/3364800-lieu-vaccine-phong-covid-19-se-ve-viet-nam-trong-thang-52021-414709.html