80 - 90% công nhân lao động đều ở tạm cư

20/11/2021 08:42

Kinhte&Xahoi Chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” sáng nay (19/11), ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP cho biết, qua khảo sát, có đến 80 – 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư.

Sáng 19/11/2021, tại trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra buổi Toạ đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trong buổi tọa đàm, đại diện Sở Xây dựng các địa phương, doanh nghiệp đã chỉ ra những thực trạng, giải pháp để xây dựng nhà ở cho công nhân.

Các nhà đầu tư “bỏ quên” người lao động

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Các KCN của nước ta chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Nhà ở cho người lao động tại các KCN còn thiếu, nhiều thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám… chưa được đầu tư, xây dựng.

Hiện nay, ở các các KCN đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều mối lo do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo… Bên cạnh đó, có KCN đã xây dựng nhà ở cho công nhân thuê nhưng không đạt tỷ lệ lấp đầy, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và hết sức băn khoăn.

Ông Hà Quang Hưng.

Ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera – CTCP cho biết, qua khảo sát, có đến 80 – 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư. Tại KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ. Cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mong muốn được thuê, sử dụng nhà ở nhưng không được thuê do còn vướng chính sách.

Tại tỉnh Bắc Giang, hiện có khoảng 1.482 dự án đang hoạt động tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số khoảng 238.000 công nhân (trong đó, công nhân tại KCN khoảng 190.000 người, tại cụm công nghiệp khoảng 48.000 người).

Số công nhân có nhu cầu về nhà ở khoảng 124.000 người (chiếm khoảng 52); công nhân đang thuê nhà trọ trong nhà của các hộ dân khoảng 58.000 người (chiếm 24,4%) với điều kiện sinh hoạt hạn chế, thiếu các thiết chế văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại... số công nhân không có nhà lưu trú hàng ngày phải đi làm bằng phương tiện cá nhân hoặc xe khách công cộng, đã ảnh hưởng đến thời gian và hiệu suất lao động, gây ách tắc, mất an toàn giao thông, hàng năm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân ở các KCN đều tăng.

Ông Đào Công Hùng.

Ông Đào Công Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết, Sở đã tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển nhà ở công nhân tầm nhìn đến 2025, xây dựng đề án xây dựng nhà ở công nhân. Toàn tỉnh Bắc Giang chỉ mới có 2 dự án nhà ở công nhân do doanh nghiệp xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Công ty TNHH Fuhong - Đình Trám (Việt Yên) và Công ty TNHH MTV Than 45 - Sơn Động. Có 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư lập quy hoạch.

Hiện nay có 9 dự án đã chấp thuận nhà đầu tư, đang triển khai thi công và đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6ha, đáng ứng cho khoảng 59.825 công nhân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận.

Ông Tăng Bá Bay – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho biết, Hải Dương có 18 KCN với diện tích khoảng 3.500ha. Trong đó có 12 KCN được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 83%, khoảng 108.000 người lao động đang ở tại khu công nghiệp. Do khó khăn về nhà ở nên đời sống tinh thần của công nhân khá khó khăn, nghèo nàn, an ninh trật tự không đảm bảo, do vậy nhu cầu về nhà ở cho công nhân là rất cấp bách.

Còn tại Hưng Yên, theo ông Bùi Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hưng Yên cho biết: Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 15 KCN với diện tích 3800ha, thành lập 16 cụm công nghiệp với diện tích 1500ha. Thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 19, tỉnh Hưng Yên đã ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển nhà ở công nhân. Hiện, Tỉnh ủy Hưng Yên có xây dựng chương trình hành động, thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

Ngoài ra, Hưng Yên đã dành quỹ đất 180ha cho dự án nhà ở, hiện có 3 dự án được chấp thuận với diện tích 26ha nhưng công tác triển khai còn chậm. Mục tiêu của tỉnh Hưng Yên là đến năm 2025, xây dựng được 1 triệu m2 mặt sàn, đáp ứng 50% số lượng công nhân hiện đang làm việc trên địa bàn.

Chính sách còn nhiều bất cập

Có thể thấy được, dù nhiều chính sách nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại KCN.

Ông Tăng Bá Bay trình bày ý kiến tại điểm cầu Hải Duong.

Ông Tăng Bá Bay – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương bày tỏ khó khăn về nguồn vốn ngân sách, cơ chế chính sách chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Quy hoạch nhà ở cho công nhân chưa gắn với quy hoạch khu công nghiệp.

Các KCN có gắn với nhà ở công nhân, nhưng khu nhà ở này chưa có chủ đầu tư. Vì vậy, Sở đề nghị nên xem xét, sửa đổi theo hướng: Khi lập quy hoạch KCN tính toán dự báo số lượng công nhân tại khu có nhu cầu về chỗ ở (từ 50-60% số lượng công nhân), từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân (đảm bảo yêu cầu đồng bộ bao gồm khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo); Gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật KCN mà chủ đầu tư thực hiện.

Về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất kinh doanh hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật về đất đai để được hưởng ưu đãi tương tự như quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Về vay vốn để xây dựng, mua, thuê mua nhà ở xã hội, cần xem xét quy định tổ chức tín dụng chủ đầu tư vay vốn đồng thời là đơn vị cho vay đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại cùng dự án. Cho phép chủ đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp … nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Sở Xây dựng Hưng Yên đề xuất nhiều giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như công tác thẩm định môi trường, thủ tục đầu tư, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy…Việc quy hoạch xây dựng, lập thẩm định các dự án KCN, cụm công nghiệp phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân. Huy động mạnh mẽ nguồn vốn, ngân sách Nhà nước vào các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội của tỉnh; Cho cho phép thành lập quỹ nhà ở công nhân, hỗ trợ tối đa cho công nhân được tiếp cận những ưu đãi của nhà nước.

Ông Đào Công Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang kiến nghị, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong KCN sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu tư dự án; Công nhân lao động trong KCN khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các KCN trên địa bàn tỉnh.

Đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong KCN, ông Hùng kiến nghị doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong KCN hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai. Sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế: Theo hướng quy hoạch KCN phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong KCN để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở, phải giao trách nhiệm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.

Bà Vũ Thị Hợp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình.

Đại diện Công ty Dạ Hợp cho rằng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng KCN, cụm công nghiệp cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa…của người lao động; quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân; Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn; Chính phủ tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các KCN, cụm công nghiệp; Khi xây dựng, doanh nghiệp mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư.

Cũng theo bày tỏ của ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư.

Để xây dựng Luật Nhà ở trong đó có nhà ở xã hội cần tích hợp giữa các Luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thuế, các quy định, Nghị định về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch cần quy định rõ ràng, cơ chế thông thoáng. Các quy định về luật pháp, về quy hoạch cần phải nói rõ xây dựng nhà ở công nhân phải có tiện ích hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi họ cần có nguồn vốn thương mại, cần hỗ trợ lãi suất để công nhân được hưởng lợi… Từ đó, chủ đầu tư có lãi, có động lực để phát triển các dự án nhà ở công nhân.''

Hùng Tâm- Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh Hoá có thêm hai khu dân cư hơn 1.800 tỷ đồng

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định số 4636 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới và Chợ kết hợp thương mại tại phường Quảng Thọ, thành phố Sầm Sơn và phường Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Vĩnh Phúc: Giải phóng mặt bằng gần 1.400ha đất phục vụ các dự án, công trình trọng điểm

Theo thông tin từ Sở TN&MT, năm 2021 toàn tỉnh Vĩnh Phúc phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho 338 dự án, công trình phát triển kinh tế, xã hội, bao gồm 196 dự án chuyển tiếp và 142 dự án, công trình giao mới, với tổng diện tích cần thực hiện giải phóng mặt bằng gần 3.000. Riêng kế hoạch trong năm 2021 là hơn 1.000ha.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/80--90-cong-nhan-lao-dong-deu-o-tam-cu-d171039.html