Alibaba lập dự án “ma” để “tấn công” vào thị trường ở Bình Thuận

19/07/2019 10:59

Kinhte&Xahoi Trong khi ngành chức năng khẳng định các dự án Alibaba rao bán đều là dự án “ma” thì phía Alibaba vẫn khẳng định đất thổ cư, giá đẹp cho khách hàng.

Công ty địa ốc Alibaba đưa khách hàng đi thăm quan dự án ở Bình Thuận.

Sau khi làm mưa làm gió tại TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thì hiện nay Công ty địa ốc Alibaba (có trụ sở chính đóng tại TP.HCM) lại đang “khuynh đảo” thị trường bất động sản tại tỉnh Bình Thuận với những dự án “ma” kiểu “bánh vẽ” của mình. Các dự án của Alibaba tại tỉnh Bình Thuận cũng được ngành chức năng khẳng định là các dự án “ma”, chưa được cấp phép tuy nhiên phía công ty Alibaba và các nhân viên của công ty này lại quảng cáo rao bán một cách rầm rộ, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp với khách hàng.

Để tìm hiểu về hoạt động của Alibaba tại tỉnh Bình Thuận, chúng tôi đã có mặt tại dự án Alibaba Newtimes City ở xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (dự án này giáp ranh với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Với dự án này, Alibaba đã dùng những lời quảng cáo có cánh để rao bán dự án này cũng như đưa khách đến xem dự án.

Tại đây, các nhân viên của Alibaba đã đưa khách từ TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết liên tục đến tham quan, mua bán dự án. Ali baba quảng cáo dự án này có diện tích 35 ha, phân ra hơn 1.800 nền có sổ hồng riêng với giá 1,9 triệu/m2. Tức là nằm ở mức giá chỉ khoảng 190 triệu đồng/nền, sau 1 năm thu về 38% lợi nhuận, vô cùng hấp dẫn.

Mặc dù Alibaba luôn rao bán về pháp lý dự án rất đảm bảo, sổ hồng thổ cư, hỗ trợ vay ngân hàng, thanh toán linh hoạt,… đất đẹp, bằng phẳng, siêu dự án này giúp người dân được sống cuộc sống như ở Singapore nhưng phía ngành chức năng cũng như sự chứng kiến của chúng tôi thì dự án mới chỉ là “bánh vẽ” trên giấy và hiện trường thực tế chỉ là rừng keo (tràm).

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải cho biết là khu đất Alibaba rao bán rộng hơn 31ha, cách UBND xã khoảng 1km. Phần lớn diện tích nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp, chỉ một phần nhỏ nằm trong quy hoạch khu dân cư. Tuy nhiên, sổ đỏ của khu đất này thể hiện mục đích sử dụng đất hoàn toàn là đất nông nghiệp, chưa có công ty nào đăng ký làm dự án phân lô bán nền.

Theo UBND xã Thắng Hải, hiện lô đất Alibaba rao bán có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng giữa 3 hộ dân và ông Nguyễn Thái Lĩnh, địa chỉ thôn 1, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai (Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) mới được ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải chứng thực ngày 4/6/2019. Cụ thể có hộ bà Tôn Nữ Thị Lộc ở phường 12, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất D 098951, được UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 18/6/2004 với diện tích 100.164m2 là hơn 1,7 tỷ đồng.

Bà Lý Thị Tuyết Mai tại thị trấn Long Điền, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X 353210, được UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 6/6/2003 với diện tích 42.260m2 là hơn 718,4 triệu đồng.

Ông Ngô Thành Phong, thường trú tại phường 12, Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 thửa đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X353211, X 353213 cùng được UBND huyện Hàm Tân cấp ngày 6/6/2003 với diện tích lần lượt là 50.810m2, 57.816m2 có số tiền lần lượt là gần 983 triệu đồng và hơn 863,7 triệu đồng. Tổng diện tích mà ông Nguyễn Thái Lĩnh gom mua từ 3 người dân trên đã hơn 25 ha với hiện trạng là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.

Về phía người dân tại xã Thắng Hải thì thời gian qua trên địa bàn xã xuất hiện nhiều xe chở khách từ các nơi đổ về bất ngờ khiến ai cũng ngạc nhiên vì vùng quê nghèo bất ngờ nhộn nhịp. Ngoài ra phía Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập đoàn kiểm tra và khẳng định chưa cấp phép cho bất kỳ dự án nào tại đây.

Công ty địa ốc Alibaba quảng cáo rầm rộ về các dự án.

Sau khi tìm hiểu về dự án nêu trên thì chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về dự án khác của Alibaba tại Bình Thuận đó là dự án Khu đô thị sinh thái Ali Venice City (nằm bên quốc lộ 55, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân). Giá bán dự án này được quảng cáo rầm rộ là khoảng từ 120– 190 triệu đồng/nền 100m2.

Nội dung quảng cáo giới thiệu đây là dự án mang phong cách Italia đầy lãng mạn xây dựng trên diện tích 179 ha nằm bên quốc lộ 55, thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân. Người bán cũng hứa hẹn dự án trên sẽ ra sổ cho khách hàng trong vòng một năm, thanh toán linh hoạt,… Alibaba còn gọi dự án này với cái tên khá mỹ miều và khẳng định đây là kho báu của tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên tiếp tục xác minh thì phía UBND huyện Hàm Tân cũng đã xác định thực chất đây là khu đất nông nghiệp. “Khu đất Alibaba rao bán trước đây có người xin làm dự án du lịch, rồi chuyển sang làm nông nghiệp sạch. Nhưng chủ đầu tư đã dừng dự án và chuyển nhượng khu đất này cho một người ở Đồng Nai.

Hiện trên đất chỉ còn vài căn nhà gỗ, lối đi, tiểu cảnh, nhà vòm trồng rau và cây trồng lâu năm còn sót lại. Trên địa bàn hoàn toàn không có một dự án bất động sản nào theo phong cách Ý của tập đoàn địa ốc Alibaba. Chính quyền địa phương đã cho cắm bảng cảnh báo ở khu đất này với nội dung: “Khu vực này hiện nay không có bất kỳ dự án phân lô bán nền nào được cấp phép thực hiện. Đề nghị bà con cảnh giác. Mọi thông tin đề nghị liên hệ UBND xã…”, đại diện huyện Hàm Tân cho biết.

Trong khi ngành chức năng liên tục khẳng định các dự án Alibaba rao bán nêu trên đều là dự án “ma” thì phía Alibaba vẫn khẳng định đất thổ cư, giá đẹp cho khách hàng. Vì thế nhiều khách hàng đã sớm móc hầu bao để đặt cọc mua đất của Alibaba. Nhiều người sau đó phát hiện ra đây là dự án “ma” cũng sợ hãi nhưng do “nắm đằng lưỡi” nên không dám lên tiếng, chỉ biết im lặng chờ đợi những cú đúp lợi nhuận mà Alibaba hứa hẹn.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus