Alpha Mart - Trung Hòa bán tràn lan sản phẩm không có nhãn phụ?

06/07/2019 09:57

Kinhte&Xahoi Theo ghi nhận của PV, nhiều sản phẩm sữa, bánh kẹo được cho là nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… tại Alpha Mart – Trung Hòa không hề được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.

Điều này khiến khách hàng đặt nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của các hàng hóa này.

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, PV trong vai người mua hàng đã ghi nhận thực tế tại cửa hàng Alpha Mart – Trung Hòa có địa chỉ tại Tầng 1 nhà N6b Trung Hòa, Nhân Chính, TP Hà Nội thuộc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Koang Huy. Theo đó nhiều sản phẩm sữa, bánh kẹo, bột ớt và một số sản phẩm nhập khẩu khác không hề có nhãn phụ để người tiêu dùng tìm hiểu thông tin, tra cứu nguồn gốc cũng như xuất xứ.

Cơ sở Alpha Mart- Trung Hòa.

Dạo quanh cửa hàng, PV thấy rất nhiều khách hàng vào đây mua sữa, bánh kẹo cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cầm trên tay mặt hàng sữa Mari Gold, PV không thấy bất cứ thông tin nào của nhà nhập khẩu cũng như tem phụ bằng tiếng Việt. Khi được hỏi sản phẩm sữa ngoại này cho trẻ sao không có nhãn phụ tiếng Việt thì nhân viên cửa hàng cầm sản phẩm, đảo mắt tìm nhãn phụ, loay hoay nói: "Cái này em cũng không rõ, em chỉ đứng bán thôi’’.

Mặt hàng sữa Mari Gold không có nhãn phụ bằng tiếng Việt để người dùng nắm được thông tin sản phẩm.

Theo quy định hiện hành, cụ thể Điều 7, Nghị định số 43/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm mới được phép lưu hành. Nhãn phụ là nơi thể hiện các thông tin đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa, giúp các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng.

Một số sản phẩm khác cũng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Được biết , các sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài không có nhãn phụ không chỉ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu về nơi sản xuất, xuất xứ sản phẩm, thời gian sản xuất và hạn sử dụng cũng như các thành phần của sản phẩm mà còn là nơi "sinh sôi" cho hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội tung hoành.

Theo đó cửa hàng Alpha Mart – Trung Hòa địa chỉ Tầng 1 nhà N6b Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội - nơi PV ghi nhận nhiều sản phẩm không có tem phụ bằng tiếng Việt thuộc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Koang Huy rất đáng nghi ngại cho khách hàng. Trong khi đó, được biết, cửa hàng này có thâm niên hoạt động hơn chục năm nay

Đại diện Alpha Mart - Trung Hòa “né tránh” phản ánh từ báo chí?

Nhằm có thông tin khách quan, đa chiều, PV đã liên hệ làm việc với đại diện của Alpha Mart  Trung Hóa. Theo đó người đại diện này cho rằng cửa hàng có bán nhiều sản phẩm nhập khẩu nhưng luôn tuân thủ quy định, đầy đủ tem mác và phủ nhận những thông tin được phản ánh.

Khi PV đặt câu hỏi về tính xác thực của việc dán nhãn mác có đúng quy định, yêu cầu đi thực tế tại cửa hàng thì đại diện cửa hàng này lại lấy lí do chủ cửa hàng đi vắng để né tránh mặc dù văn phòng làm việc cách cửa hàng đó không xa. Trước đề nghị được tiếp cận các giấy tờ thể hiện việc các nhãn phụ tuân thủ đúng quy định thì người này từ chối.

Rõ ràng, việc bán các sản phẩm nhập khẩu không có dán nhãn phụ thể hiện nội dung tiếng Việt của cửa hàng Alpha Mart - Trung Hòa đã vi phạm quy định về việc dán nhãn hàng hóa. Điều này gây hoang mang, nghi ngại cho người tiêu dùng. Họ không nắm được nguồn gốc xuất xứ, thành phần, công dụng của sản phẩm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng, ngoài ra sự việc này còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác quản lý thị trường.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu hành trên thị trường, tuân thủ nghiêm quy định về nhãn mác, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý nghiêm trong trường hợp có vi phạm.


Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng

+ Hàng hóa có nhãn ( kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

+ Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiêng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Theo Khoản 2 Điều 26 Nghị định 80/2013.NĐ-CP, đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 26, mức phạt tăng dần theo giá trị hàng hóa vi phạm, cao nhất: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng’’

Biện pháp khác phục hậu quả: buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lộ hàng loạt sai phạm tại KĐT Dương Nội cơ quan chức năng nói gì?

Những dấu hiệu vi phạm như 'vẽ' thêm căn, xây biệt phủ không phép… tại Khu đô thị (KĐT) do tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư đã được phát hiện. Tuy nhiên, đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hà Đông cho biết vẫn chưa nắm bắt được do… không có hồ sơ.

Nguồn: GĐ&PL