Băn khoăn về hệ thống tiêu chí xét chọn Thương hiệu quốc gia

19/10/2019 09:14

Kinhte&Xahoi Theo quan điểm của cộng đồng DN (DN) Việt, việc quy định tiêu chí xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam còn thiếu rõ ràng sẽ dẫn đến việc thiếu tính khả thi nếu Hệ thống tiêu chí này được ban hành.

Ảnh minh họa

Tiêu chí xét chọn chưa rõ ràng

Về Tiêu chí đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nêu tại Điều 6 Dự thảo Thông tư quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, khoản 1 quy định về các tiêu chí đối với sản phẩm đăng ký xét chọn, tuy nhiên lại không quy định sản phẩm phải đáp ứng đồng thời tất cả các tiêu chí hay chỉ một trong các tiêu chí.  

Khoản 2 quy định tiêu chí đối với DN có sản phẩm đăng ký xét chọn, trong đó có các tiêu chí: “Sở hữu toàn phần thương hiệu của sản phẩm đăng ký xét chọn”; “có thời gian hoạt động kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập DN từ 03 năm trở lên”. “Các quy định này không rõ ràng: Như thế nào được cho là “sở hữu toàn phần”? Tại sao lại chỉ xét cho những DN đã hoạt động 03 năm trở lên mà không phải là số năm hoạt động khác? Quy định “kể từ khi được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập” là chưa phù hợp với tính chất của hoạt động đăng ký DN theo quy định tại Luật DN” – văn bản của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp ý kiến của các DN góp ý Dự thảo đặt câu hỏi.

Vì thế, cộng đồng DN đề nghị quy định rõ để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện, đồng thời sửa đổi quy định tại điểm c khoản 2 thành “có thời gian hoạt động kể từ khi đăng ký DN theo quy định của pháp luật từ 03 năm trở lên”.

Doanh nghiệp chứng minh năng lực thế nào?
 
Bên cạnh đó, VCCI nhận định, một số tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Phụ lục 2 có tính chất chung chung, rất khó để xác định là DN có đạt được hay không. Ví dụ, Tiêu chí 1 “Năng lực tiên phong”, về kế hoạch tài chính, DN phải có “kế hoạch với mục tiêu rõ ràng, có thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu và có nội dung kế hoạch tài chính hoàn hảo phù hợp với việc triển khai đạt được tầm nhìn chiến lược của DN”, tuy nhiên không rõ thế nào được xem là có “nội dung kế hoạch tài chính hoàn hảo”, và cơ quan nhà nước dựa vào tiêu chí nào để đánh giá sự hoàn hảo này?

Về khả năng nhận biết của thương hiệu trên thị trường, không rõ hình thức nào thể hiện được nội dung “nhận biết của người tiêu dùng trên thị trường đối với thương hiệu”, DN sẽ chứng minh như thế nào? Cơ quan nhà nước sẽ dựa vào số liệu hoặc kết quả nào để đánh giá được tiêu chí này?

Đối với các tiêu chí “tài sản trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn trong tiêu chí 2 “Đổi mới, sáng tạo”, số lượng tài sản trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn được chứng nhận, số lượng giải thưởng sáng tạo trong và ngoài nước là bao nhiêu, và đạt điểm như thế nào? Hoặc, đối với tiêu chí “đầu tư duy trì chất lượng sản phẩm: … chất lượng sản phẩm là dẫn đầu trên thị trường về các thông số kỹ thuật và theo yêu cầu của khách hàng” thì căn cứ nào để chứng minh được những yếu tố này?

Trong Tiêu chí 4 “Đánh giá tài chính”, dự thảo không quy định rõ các con số cụ thể để xác định các mức điểm tương ứng để chấm với từng tiêu chí dựa vào các số liệu về “khả năng thanh toán nhanh”, “Nợ phải trả trên tổng tài sản”, “Tổng lợi tức sau thuế trên doanh thu”… Đây là những nội dung cần làm rõ, phải có định lượng rõ ràng.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sẽ đập bỏ phần sai phép dự án Ocean View

Lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho biết vừa có văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về phương án xử lý các công trình xây dựng sai phép tại dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (phường Vĩnh Nguyên và Vĩnh Trường). Theo đó, chủ nhân 13 căn biệt thự phải khắc phục hậu quả vi phạm, tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm, vượt tầng.