Bất chấp dịch COVID-19, du lịch trải nghiệm phục hồi mạnh mẽ

19/03/2022 17:51

Kinhte&Xahoi Đại dịch COVID-19 khiến cho nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn, trong đó, ngành du lịch hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Hơn 2 năm qua, dòng chảy du lịch giữa các quốc gia rơi vào tình trạng “đóng băng”, các thiên đường du lịch nghỉ dưỡng tê liệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó loại hình du lịch trải nghiệm lại cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.

Du lịch trải nghiệm - “cơn sốt” mới

 Du lịch trải nghiệm hay còn có tên gọi khác là Experience Tourism. Đúng như tên gọi, loại hình du lịch này mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và mới mẻ hơn. Khác với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm mang lại cảm giác đặc biệt cho những người ưa khám phá.

Tham gia các chuyến du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được đi sâu vào cuộc sống của người dân bản địa, khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc độc đáo hay cùng họ làm công việc hàng ngày, chế biến một món ăn mang đặc trưng vùng miền nơi đó.

Du lịch trải nghiệm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị và mới mẻ hơn

Du lịch trải nghiệm có thể là du lịch trải nghiệm cuộc sống, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch trải nghiệm lịch sử - văn hóa... Thông qua du lịch trải nghiệm, du khách sẽ có cơ hội hòa nhập sâu hơn và hiểu hơn về văn hóa, con người địa phương. Bởi vậy mà loại hình này thường mang đến cho du khách những trải nghiệm lý thú và mới mẻ hơn rất nhiều so với hình thức du lịch truyền thống.

Du lịch trải nghiệm là loại hình mà du khách thường đi theo nhóm nhỏ, thậm chí có những người thích ngao du trải nghiệm một mình để cảm nhận cái thu của riêng bản thân. Với đặc thù như vậy, du lịch trả nghiệm khá phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19, khi mà mọi người cần hạn chế tập trung đông người. Có lẽ chính bởi vậy mà sau một thời gian ngành du lịch “ngấm đòn” COVID thì du lịch trải nghiệm nhanh chóng trở thành xu hướng và tạo nên “cơn sốt” mới của ngành du lịch trong nước.

Tây Bắc - điểm đến của du lịch trải nghiệm

 Tây Bắc hiện nay gồm có 6 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Khí hậu của Tây Bắc là yếu tố khiến du lịch Tây Bắc được nhiều du khách yêu thích. Mùa mưa ở Tây Bắc từ tháng 6 – 8, tháng 12 – 2 là mùa đông lạnh, vì vậy thời gian thích hợp nhất để đến Tây Bắc là từ tháng 9 – 11 và 3 – 5.

Nếu muốn săn ảnh, du khách nên ghé Tây Bắc mùa lúa chín vào tháng 8 – 9, mùa xuân Tây Bắc vào tháng 1 – 3 là mùa hoa đào, hoa mận, hoa mơ nở bạt ngàn, nếu muốn trải nghiệm mùa đông lạnh và có thể có tuyết rơi thì nên đến đây vào mùa đông.

Ngoài khung cảnh thiên nhiên mộng mơ, hùng vĩ với những ngọn núi cao, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh sườn núi hay những con đèo quanh co thì Tây Bắc còn khiến du khách xao xuyến bởi nét đẹp văn hóa đa dạng và là cơ hội tốt để tìm hiểu về văn hóa con người các dân tộc anh em.

Tây Bắc được xem là điểm đến của du lịch trải nghiệm

Hầu hết Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái, nổi tiếng với điệu múa xòe tiêu biểu là điệu múa xòe hoa rất nổi tiếng được nhiều người biết đến. Cùng với đó, dân tộc Mường là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Ngoài ra, còn khoảng 20 dân tộc khác như Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng... Ai đã từng qua Tây Bắc thì không thể quên được hình ảnh những cô gái Thái với những bộ váy áo thật rực rỡ đặc trưng cho Tây Bắc.

Đi đến đâu, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp văn hóa dân gian để từ đó có những cảm nhận riêng về mỗi xứ sở. Dọc hành trình lên Tây Bắc, ở đâu, chúng ta cũng gặp những miền đất văn hóa. Ở đó, có sự hòa điệu tuyệt vời giữa vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của cảnh sắc thiên nhiên với chất văn hóa dân gian đậm đà bản sắc.

Từ lâu, với những ai ưa khám phá vẻ đẹp Tây Bắc đã quen thuộc với những địa danh du lịch nổi tiếng như: Nghĩa Lộ, Mường Lò, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Mai Châu, Mộc Châu, Bắc Hà, Mường Hum, Y Tý, Sa Pa, Mường Hoa, Lũng Pô, bản Lác...

Đối với riêng tỉnh Yên Bái, được biết, trong hai tháng đầu năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tỉnh đã đón gần 200 nghìn lượt khách du lịch (tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021), doanh thu từ du lịch đạt trên 104 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu năm 2022, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 845 tỷ đồng.

Dự kiến, trong năm 2022, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch như lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022…và nhiêu sự kiện lớn nhỏ khác nhằm thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng đột phát trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Yên Bái đang kỳ vọng đưa thị xã Nghĩa Lộ trở thành thủ phủ du lịch mới của khu vực Tây Bắc trong tương lai gần.

 Thanh Tùng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Để thị trường bất động sản hoạt động hiệu quả

Nhiều dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh đang bị ách tắc do bất cập trong thực hiện một số quy định của pháp luật, thủ tục đầu tư. Do đó, để thị trường bất động sản phát triển hiệu quả, bền vững, thành phố đang tạo điều kiện phát triển quỹ đất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/bat-chap-dich-covid-19-du-lich-trai-nghiem-phuc-hoi-manh-me-192215.html