Đất của người dân xung quanh Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận bị thu hồi để bán đấu giá.
Ðề xuất làm đường khi đã có đường?
Năm 2012, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đề ra dự án xây dựng hạ tầng khu vực xung quanh quần thể Tượng đài - Quảng trường - Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận (thuộc phường Tấn Tài) với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 65.535m2. Vào ngày 28/12/2012, ông Phạm Văn Hậu (lúc đó làm Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, hiện làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) ký công văn 2444/SXD-QLHTĐT xin ý kiến UBND tỉnh chấp thuận dự án đường xung quanh nhà bảo tàng tỉnh. Trong khi đó, các con đường xung quanh nhà Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã được công khai, thi công và hoàn thành năm 2012. Nhưng tại văn bản số 110/ UBND-QHXD ngày 08/01/2013, UBND tỉnh Ninh Thuận vẫn phê duyệt đồng ý phương án theo công văn 2444 của Sở Xây dựng do ông Phạm Văn Hậu ký.
Đến ngày 8/3/2013, bà Nguyễn Thị Huệ (Phó chủ tịch UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) ký quyết định số 422/QĐ- UBND có nội dung phạm vi dự án này nằm trong khu vực đường đi đã xây dựng, hoàn thành năm 2012 (bao gồm đường Hoàng Diệu, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương). Đi kèm với chủ trương này, ngày 15/8/2013, UBND thành phố Phan Rang- Tháp Chàm ban hành Thông báo số 81/TB-UBND về việc thu hồi đất và các quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân sử dụng đất tại phường Tấn Tài để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực xung quanh bảo tàng tỉnh. Từ đây, đã phát sinh những bất cập dẫn đến khiếu kiện kéo dài của người dân.
Bà Võ Huỳnh Phương Thảo (người đại diện pháp lý cho 2 người con bị thu hồi đất cho dự án này là ông Nguyễn Vĩnh Huy và bà Nguyễn Võ Phương Hoàng) cho biết: “Theo quyết định số 422/QĐ-UBND và Thông báo số 81/TB-UBND của UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm ban hành ngày 15/8/2013 chỉ có 53 hộ trong phạm vi dự án bị thu hồi đất và không có đất của hai người con của tôi. Sau đó, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lại có quyết định mới thu hồi đất của 63 hộ dân (tăng thêm 10 hộ dân so với quyết định trước- PV) nên đất của 2 người con của tôi bị đưa vào diện thu hồi để thực hiện dự án”.
Theo bà Thảo, tại công văn số 2444 của Sở Xây dựng tỉnh do ông Phạm Văn Hậu ký cho biết thu hồi để làm dự án đường quanh khu bảo tàng. Nhưng hiện nay UBND tỉnh Ninh Thuận lại cho phân lô, bán đấu giá hàng tỷ đồng khu vực thu hồi đất làm đường quanh bảo tàng. “Mở đầu dự án là làm đường, nhưng khi kết thúc dự án là đất thương mại bán đấu giá. Phải chăng tỉnh cố tình làm như vậy để thu hồi đất của dân bán đấu giá?”, bà Thảo bức xúc nói.
Văn bản cùng số, cùng ngày nhưng khác nội dung
Trong quá trình thu thập thông tin về dự án này, chúng tôi rất bất ngờ vì cùng một công văn số 2444/ SXD - QLHTKT của Sở Xây dựng Ninh Thuận ban hành vào cùng ngày 28/12/2012 lại do hai người ký. Bản thứ nhất do ông Phạm Văn Hậu (nguyên Giám đốc sở, hiện làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) ký trong đó nội dung cơ bản nhất là: “phạm vi của dự án khoảng 65.535m2, trong đó đất xây dựng hạ tầng 22.214m2, đất giáp ranh Tượng đài 19,649m2 và đất trong khuôn viên Quảng trường 23.672m2”.
Bản thứ hai của công văn số 2444 của ông Phan Tấn Cảnh (Phó giám đốc sở lúc bấy giờ, hiện làm Giám đốc sở) ký do Thanh tra tỉnh Ninh Thuận cung cấp có nội dung về diện tích đất khác so với văn bản ông Phạm Văn Hậu ký. Cụ thể: “Phạm vi dự án khoảng 50.596m2, trong đó đất xây dựng hạ tầng 22.214m2, đất giáp ranh nhà bảo tàng tỉnh 19.649m2 và đất trong khuôn viên nhà bảo tàng 8.733m2”.
Liên quan vụ việc, PV Tiền Phong đã liên lạc với cả ông Hậu và ông Cảnh để đăng ký làm việc. Trả lời PV qua điện thoại, ông Hậu cho biết đang bận đi công tác nên không làm việc được. Trong lúc đó, ông Cảnh không bắt máy dù PV đã gọi điện rất nhiều lần. |