Bắt vợ chồng giám đốc doanh nghiệp liên quan đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả

09/03/2021 23:16

Kinhte&Xahoi Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục bắt giữ vợ chồng giám đốc doanh nghiệp xăng dầu tại tỉnh Bình Dương. Mỗi ngày doanh nghiệp này đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.

Ngày 9/3, Đại tá Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triển khai 12 tổ công tác với gần 400 cán bộ chiến sĩ, đồng loạt khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng và trụ sở chính của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc (Công ty Vân Trúc - PV), trụ sở chính tại số 71/1G, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

 Công an đọc lệnh bắt vợ chồng Lê Thanh Tú (thứ 2 và 3 từ trái sang). Ảnh: Công an Đồng Nai.

Lực lượng công an cũng khám xét nơi ở của đối tượng Lê Thanh Tú (SN 1966) cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân (SN 1968, cùng ngụ số 161A, khu phố 1, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), là Giám đốc và quản lý điều hành Công ty Vân Trúc, đồng thời bắt tạm giam 2 người này.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết vợ chồng Lê Thanh Tú đã mua xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ (các đối tượng cầm đầu trong Chuyên án 920G), sau đó phân phối ra thị trường để tiêu thụ.

Ngoài trụ sở chính và 11 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, vợ chồng Lê Thanh Tú còn xây dựng 1 bến thủy nội địa có thể tiếp nhận tàu thủy chở xăng với tải trọng 1.000 tấn, sử dụng 4 tàu có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn để vận chuyển xăng nhập lậu, xăng giả; 1 kho với 7 bồn chứa, tổng dung tích khoảng 4,5 triệu lít.

Số xăng nhập lậu, xăng giả nêu trên ngoài việc tiêu thụ tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc, vợ chồng Lê Thanh Tú còn phân phối cho các cây xăng tại các tỉnh phía Nam, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi ngày đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.

Tang vật thu giữ gồm: 4 tàu tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 5 xe bồn dung tích 20 - 25m3, 1 ô tô, 21 CPU, 1 máy tính xách tay, 21 điện thoại di động, 10 đầu thu camera, hơn 1,2 tỷ đồng, 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1,7kg chất bột tạo màu mà các đối tượng sử dụng để pha chế xăng giả, niêm phong 38 bồn chứa xăng và 39 thùng hồ sơ, tài liệu có liên quan.

 Các bồn chứa xăng của Công ty Vân Trúc. Ảnh: Công an Đồng Nai.

Trước đó vào đêm 6/2, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an chia thàng 14 tổ công tác với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng trong đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả tại các tỉnh, thành: Đồng Nai, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, TP Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh.

Tang vật thu được trong đợt này, gồm: 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết trung bình mỗi ngày đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng. Tính từ tháng 8/2020 đến khi bị triệt phá, bắt giữ, đường dây này đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.

Đến ngày 8/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về các hành vi “Buôn lậu”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước” theo điều 188, 192 và 203 Bộ luật Hình sự 2015.

Tính đến thời điểm này đã có hơn 40 bị can bị bắt tạm giam. Hiện vụ án vẫn đang được Công an tỉnh Đồng Nai mở rộng điều tra.

 Tân Tiến - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trước khi về hưu, PCT TP Hà Nội ký một quyết định gây tranh cãi, hệ luỵ khôn lường

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và các hồ sơ pháp lý liên quan, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco 5) không còn chút “quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan” nên Quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất số 5269 của ông Nguyễn Quốc Hùng càng cho thấy sự vô lý và thiếu cơ sở pháp lý. Đã đến lúc Hà Nội cần thanh kiểm tra, rà soát, đồng thời làm rõ động cơ sử dụng quyền hành chính để thay đổi chủ nhân của một khối tài sản lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng khiến dư luận bức xúc.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/bat-vo-chong-giam-doc-doanh-nghiep-lien-quan-duong-day-buon-lau-san-xuat-xang-gia-412353.html