Biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội: Bảo tồn cần gắn với khai thác, phát huy giá trị

29/05/2023 10:08

Kinhte&Xahoi Bảo tồn biệt thự kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội được đặt ra từ lâu nhưng số lượng công trình được thực hiện bài bản, quy mô mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay” do nhiều khó khăn, vướng mắc. Để gìn giữ quỹ di sản kiến trúc quý giá này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến bảo tồn thích ứng, mô hình đã được thực hiện và phát huy hiệu quả tại nhiều quốc gia.

Nhà biệt thự 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp) đã hoàn thành việc tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài. Ảnh: Viết Thành

Báo động tình trạng hư hỏng, biến dạng 

Theo danh mục nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ được thành phố Hà Nội phân loại, bảo tồn từ năm 2013, Hà Nội đang có 1.216 biệt thự được xây dựng trước năm 1954 theo kiến trúc Pháp, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Biệt thự kiến trúc Pháp cổ có giá trị về mặt lịch sử văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc nghệ thuật, song nhiều căn đang đang lâm vào cảnh xuống cấp trầm trọng. Theo kiến trúc sư Thái Vũ Mạnh Linh, Công ty cổ phần Kiến trúc quốc tế Times Mirror, với sự biến đổi của thể chế và nhu cầu thực tế của người dân đang ở tại đây, những ngôi biệt thự đang bị hư hỏng nặng hoặc biến dạng khối tích do quá trình cơi nới diễn ra trong nhiều năm, nhất là các biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau, hoặc các biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Đánh giá về công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp tại Thủ đô, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng “chưa hoàn chỉnh”. Các chủ sở hữu khác nhau chưa hiểu hết về giá trị của di sản. Nhiều công trình kiến trúc chưa được xếp hạng, theo thời gian dài sử dụng, sang tên đổi chủ, đã thay đổi so với ban đầu. 

Nhắc tới bảo tồn, giới chuyên môn thường đánh giá thông qua giá trị của công trình. Những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp ngày nay mang giá trị rất lớn về kinh tế lẫn văn hóa, xã hội, cảnh quan đô thị, nhưng hầu hết, các giá trị này đều không được chú trọng trong việc đào sâu khai thác để làm sao vừa phục vụ được như cầu sẵn có, vừa thay đổi mô hình, cấu trúc cho phù hợp với bối cảnh xã hội. 

Khai thác và phát huy giá trị biệt thự cổ 

Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân nêu quan điểm, để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, thành phố Hà Nội nên thực hiện theo mô hình bảo tồn thích ứng, được hiểu là phương pháp bảo tồn chuyển tiếp được các giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới phù hợp cho di sản tồn tại được với cộng đồng, với xã hội đương đại. “Việc gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội là giải pháp rất hay mà chúng ta nên học tập. Bởi nó là vấn đề “sống còn”, quyết định đến việc gìn giữ một kho tàng công trình kiến trúc khổng lồ, độc đáo, có một không hai trong dòng chảy hối hả của cuộc sống đương đại”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân lý giải thêm. 

Kiến trúc nhà Bát giác trong khuôn viên Trường Trung học phổ thông Chu Văn An - Hà Nội được giữ gìn gần như nguyên vẹn.  

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng phân tích mô hình bảo tồn thích ứng giúp người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Ông đưa ra các yêu cầu như cần khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc, giảm các yếu tố cơi nới; sắp xếp hợp lý với tầm nhìn ở các tuyến phố và chỉnh trang theo hướng văn minh, thống nhất thể loại, quy mô, kích thước...

Với riêng những công trình kiến trúc thời Pháp, việc bảo tồn phải thích ứng và linh hoạt giải pháp theo từng ô phố, như ô phố nhà ở, ô phố công trình công cộng, ô phố hỗn hợp... Theo đó, với ô phố công cộng, giải pháp cần thiết là ưu tiên bảo tồn, tôn tạo công trình công cộng và không gian công cộng, tạo sự kết nối các không gian cảnh quan xung quanh. Bảo tồn và tôn tạo hình khối, mặt đứng công trình nhằm giữ được tính nguyên bản của công trình. Với ô phố hỗn hợp nên linh hoạt trong quá trình cải tạo để không làm ảnh hưởng tới các giá trị cần bảo tồn. 

“Định hướng pháp lý và thực tiễn đều đưa tới bài học: Bảo tồn cần gắn với khai thác và phát huy giá trị. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, để “ứng xử” với quỹ di sản đa dạng, phong phú tại Hà Nội, trong khi nguồn lực còn có hạn, thành phố cần nhận diện đúng giá trị và phân loại di sản để có những kịch bản khai thác phù hợp”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến. Theo ông, có những di sản cần bảo tồn nguyên trạng, có di sản chỉ bảo tồn phong cách và truyền thống, và cũng có công trình cần được chuyển hóa thành những giá trị mới. Quá trình thực hiện nên tránh áp đặt ý chí chủ quan của các cơ quan quản lý. 

Góp thêm cách nhìn đa chiều, theo kiến trúc sư Thái Vũ Mạnh Linh, các vấn đề được mổ xẻ về giá trị của những ngôi biệt thự Pháp cổ chủ yếu xoay quanh giá trị “vật chất - vật thể” mà chưa đào sâu giá trị “tinh thần - phi vật thể”. Với các quốc gia phát triển, di sản kiến trúc đô thị luôn được hiểu là yếu tố cốt lõi tạo nên hồn cốt của đô thị, mang giá trị to lớn không thể định lượng được. Do đó, bảo tồn thích ứng cũng còn là việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng hiểu đúng, đủ để tạo nên sức mạnh của sự chung tay bảo tồn di sản. 

 Bảo Hân - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Bat-dong-san/1065589/biet-thu-phap-co-tai-ha-noi-bao-ton-can-gan-voi-khai-thac-phat-huy-gia-tri