Biểu giá điện bậc thang bộc lộ nhiều bất cập

04/06/2019 10:32

Kinhte&Xahoi Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội mới đây cho biết, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Vậy biểu giá hiện hành có gì bất cập và nên sửa theo hướng nào?

Biểu giá điện đang dồn phần thiệt cho người tiêu dùng

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về mức độ sử dụng điện sinh hoạt của các hộ dân năm 2018 cho thấy, số lượng hộ dân có mức sử dụng điện dưới 50 kWh là 3,9 triệu hộ; sử dụng từ 51 đến 100 kWh là 5,3 triệu hộ; sử dụng từ 101 đến 200 kWh lên tới 9,5 triệu hộ…

Nhìn vào biểu giá điện bậc thang hiện hành cùng với đợt tăng giá điện ngày 20/3 vừa qua, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, biểu giá điện hiện tại đang bất hợp lý, dồn phần thiệt cho người tiêu dùng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Biểu giá điện 6 bậc hiện nay chưa hợp lý”.

Hiện nay, đời sống người dân đã được nâng cao, mức tiêu dùng phổ biến từ 200 - 300 kWh nên cách chia bậc hiện tại không còn phù hợp. Ảnh: Lê Tiên

Ông Long chỉ rõ, trên thực tế, khối các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện nhưng giá thấp (thấp hơn mức bình quân Chính phủ quy định là 1.864 đồng/kWh), cộng thêm được bù chéo giá điện sinh hoạt và giá điện kinh doanh đã tạo cơ hội cho khối sản xuất lợi dụng giá điện thấp mà sử dụng máy móc có công nghệ lạc hậu, không tiết kiệm điện, gây lãng phí, từ đó không thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý.

“Điều này có nghĩa là giá điện của sinh hoạt và kinh doanh phải cõng giá điện của sản xuất công nghiệp”, ông Long nhận định. Vẫn theo vị chuyên gia này, giá bán lẻ bình quân hiện hành quy định 6 bậc và lũy tiến là phù hợp, nhưng bất hợp lý ở chỗ hiện nay đời sống người dân đã được nâng cao, mức tiêu dùng phổ biến từ 200 - 300 kWh thì cách chia bậc hiện tại không còn phù hợp. “Hiện chỉ có bậc 1 và bậc 2 là thấp hơn giá bán điện bình quân (bậc 1 thấp hơn khoảng 10%, bậc 2 thấp hơn khoảng 7%), còn lại kể từ bậc 3 - 5 là cao hơn và cao hơn nhiều so với giá điện bình quân. Riêng bậc 6 bằng 157% giá điện bình quân. Cách tính như vậy sẽ có lợi cho doanh nghiệp. 

Đề cập về vấn đề biểu giá điện bậc thang, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho biết, không đồng tình với cách chia bậc thang tính giá điện như hiện nay. Theo ông Ngân, hiện ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ có 3 bậc tính giá điện, Việt Nam quy định đến 6 bậc. Trong đó, bậc 1 từ 0 - 50 kWh và bậc 2 từ 51 - 100 kWh là quá thấp. 

Sửa theo hướng nào?

Nhìn thấy sự bất hợp lý trong biểu giá điện hiện hành, ông Ngô Trí Long đề xuất cần phải sửa lại biểu giá này sao cho hợp lý. “Hợp lý là người dùng ít điện thì phải trả chi phí thấp, chứ không có chuyện bắt họ “cõng” tiền điện cho người tiêu dùng điện nhiều hơn”. Do đó, ông Long kiến nghị cần điều chỉnh lại giá điện ở khối sản xuất công nghiệp cho phù hợp với mức độ tiêu thụ điện.

Trả lời câu hỏi có nên bỏ biểu giá bậc thang (6 bậc) hiện nay, chuyên gia kinh tế này cho rằng: “Vẫn nên giữ 6 bậc, song cần có điều chỉnh hợp lý. Đó là nên sửa lại khoảng cách bậc hiện hành, có thể mỗi bậc là 100 KWh với mức giá hợp lý trong từng bậc”.

Về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0 - 100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101 - 300 kWh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá cũng nêu quan điểm, trong điều kiện cung - cầu điện của nước ta hiện nay thì vẫn cần có biểu giá điện theo bậc thang. Vấn đề là biểu giá điện hiện hành phải được sửa đổi theo phương án đa số người tiêu dùng có thể chấp nhận.

Về vấn đề minh bạch giá điện, ông Long nhấn mạnh, khi tính giá thành phải tính đúng, tính đủ nhưng hợp lý, nếu tính không hợp lý thì cũng là không minh bạch.

Theo Báo Đấu thầu/ Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dừng xây 18 nhà liền kề xây dựng “chiếm” lối đi chung của dân

Cư dân Khu đô thị 54 Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vô cùng bức xúc trước việc chủ đầu tư là Công ty CP Thi công cơ giới xây lắp chưa xử lý những vi phạm tồn tại lại tiến hành điều chỉnh quy hoạch để xây dựng dãy 18 căn liền kề “chiếm” lối đi chung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của dân cư dân. Trước sự việc, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã yêu cầu tạm dừng xây dựng đối với 18 căn liền kề này.

Vụ đào đường, lắp ống bán nước trái phép: Sở Xây đựng Hà Nội nói gì?

Thay vì phục vụ các vùng “trắng” nước sạch của thành phố theo quy hoạch, đơn vị cung cấp nước sạch sông Đuống lại “thỏa thuận ngầm” để bán nước cho các khu vực chung cư - vốn đang ổn định theo mạng của thành phố. Đây là lý do, trong nhiều tuần nay, hàng nghìn hộ dân ở các khu chung cư Đại Thanh, Linh Đàm đang tập trung phản đối.