Bình Dương: Một công ty được giao 16 lô "đất vàng" chỉ trong 5 năm

18/06/2020 17:36

Kinhte&Xahoi Tính từ năm 2015 đến năm 2019 công ty của bà Phạm Thị Hường 16 lần được giao đất để thực hiện phân lô, bán nền.

Cứ 45 ngày được giao một khu đất

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bà Phạm Thị Hường hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH TMDV BĐS Phú Phong, Chủ tịch HĐQT tại Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam.

Ba doanh nghiệp tư nhân này được cấp giấy phép kinh doanh lần lượt vào các năm 2006, 2013 và 2017. Cả ba công ty cùng đăng ký trụ sở lần lượt tại số nhà 18A, 18B, 18C đường Nguyễn Văn Tiết, Khu phố Bình Hòa, (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Số nhà 18C còn là địa chỉ của Công ty CP Phú Gia Khiêm Land, thành lập ngày 4/10/2018.

“Độ vênh” lên hơn 2000 m2 đất tại dự án Phú Hồng Thịnh X theo Quyết định 939/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương (ngày 14/2/2018) cho thấy nhiều vấn đề cần làm rõ

Trước năm 2014, trong giới BĐS Bình Dương, bà Hường còn chưa được nhiều người biết đến. Nhưng sau vài lần “đột phá” từ những mảnh đất nông nghiệp “phân lô, bán nền” thành công, cái tên Phú Hồng Thịnh và bà Hường nổi lên như “diều gặp gió”. Mặc dù, những phi vụ đất đai đã được Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang Công an Bình Dương, nhưng cuối cùng bị “chìm xuồng”?

Và cũng kể từ thời điểm này, các Công ty do bà Hường lập ra liên tục được tỉnh Bình Dương giao số lượng diện tích “khủng” từ đất nhà máy, đất nông nghiệp để thực hiện các dự án xây các khu nhà ở thương mại.

Từ năm 2015 đến năm 2019, hai Công ty Phú Hồng Thịnh và Công ty Quản lý Đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam ít nhất được 16 lần giao đất làm dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, năm 2015 bà Hường mới chỉ được tỉnh Bình Dương giao cho 0,8 ha đất và cho chuyển mục đích sử dụng thành đất ở đô thị, thực hiện Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh II (phường An Phú, TP Thuận An) theo Quyết định 3610/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương ngày 31/12/2015.

Nhưng đến năm 2017, bà Hường được giao thêm 3 khu đất làm Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh III (phường An Phú, TP Thuận An, 1,08ha); Phú Hồng Thịnh V (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, 1,33ha); Phú Hồng Thịnh VI (phường Bình An, TP Dĩ An, 5,3ha).

Tính riêng năm 2018 tỉnh Bình Dương đã giao cho bà Hường tới 8 khu đất thực hiện dự án bất động sản. Điều này, có nghĩa trung bình 45 ngày bà Hường được giao một khu đất. Đó là Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh VIII (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 7,3ha); Phú Hồng Thịnh IX (phường Bình An, TP Dĩ An, 4,7ha); Phú Hồng Thịnh X (phường Bình An, TP Dĩ An, 5,3 ha); Phú Hồng Khang (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 3,4ha); Phú Hồng Lộc (phường Thuận Giao, TP Thuận An, 2,5ha); Phú Gia Huy (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 3,7ha); Phú Hồng Đạt (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 3ha); Phú Hồng Phát (phường Thuận Giao, TP Thuận An, 2,7ha).

Công ty Phú Hồng Thịnh bàn giao sổ đỏ cho người dân tại dự án Phú Hồng Thịnh VIII. Ảnh nguồn Internet.

Năm 2019, bà Hường tiếp tục được UBND tỉnh Bình Dương giao 4 khu đất làm Khu nhà ở thương mại Phú Vinh (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, 2,65 ha); Phú Huy (phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 1,1ha); Khu nhà ở chuyên gia Phú Uy Khang (phường An Phú, TP Thuận An, 0,84 ha); Phú Gia (phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, 2,65ha).

Còn Công ty CP Phú Gia Khiêm Land, dù mới chỉ thành lập ngày 4/10/2018 nhưng chưa đầy nửa năm sau, đã được giao 0,67 ha đất và cho chuyển mục đích sử dụng từ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp thành đất ở đô thị, xây Khu chung cư cao cấp Phú Hồng Thịnh tại phường An Phú, TP Thuận An (theo Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 19/3/2020 của UBND tỉnh Bình Dương).

Như vậy, theo thống kê ban đầu, chỉ trong 3 năm từ 2017 - 2019, ngay trước khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập TP Thuận An và TP Dĩ An (được nâng cấp lên từ hai Thị xã có vị trí nằm sát cạnh TP HCM - PV) vào cuối tháng 1/2020, bà Hường đã được UBND Bình Dương giao khoảng 500 ngàn mét vuông đất xây các khu nhà ở thương mại với trên 3737 thửa đất.

“Chìm xuồng” vụ xẻ 1.63 ha công viên thành 310 căn nhà?

Kết luận thanh tra số 250/KL-UBND tỉnh Bình Dương, ngày 15/11/2014, “về việc phân lô bán nền trên địa bàn Thị xã Dĩ An” (nay là TP. Thuận An) chỉ rõ, trong 10 khu đất được kiểm tra chỉ có 01 khu đất do ông Tống Văn Cư làm chủ đầu tư là đúng pháp luật. 09 dự án còn lại do bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư không đúng với các quy định của pháp luật.

Tổng diện tích của 09 khu đất là 101.353 m2. Vụ sai phạm đất đai này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng gần 6 năm trôi qua, vụ việc bị rơi vào im lặng một cách khó khiểu.

Trong hàng loạt sai phạm về 09 khu đất do bà Hường đầu tư được Kết luận chỉ rõ, nghiêm trọng nhất là tại 02 khu đất - quy hoạch công viên cây xanh ở phường Phú An. Chỉ 18 ngày, từ ngày 13/5- 31/5/2011, bà Hường đã được tách 1,63ha công viên này thành 312 thửa, chuyển mục đích sang đất ở 310 thửa (trong khi nhiều hộ gia đình khác có nhu cầu xin làm thủ tục tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất phải mất nhiều tháng thậm chí hàng năm!?).

Chưa hết, tại hai khu đất này, đặt ví dụ dù có được phép tách thửa hợp pháp, thì do thời điểm đó An Phú đang là đơn vị hành chính cấp xã, nên đất nông nghiệp ở xã phải đảm bảo diện tích tối thiểu 400m2 sau khi tách. Thế nhưng diện tích này được tách ra thành những thửa chỉ rộng hơn 40m2.

Kết luận Thanh tra số 250/KL ngày 15/11/2014 của UBND tỉnh Bình Dương.

Theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương, những hành vi sai phạm này đã giúp bà Hường hưởng lợi số tiền hơn 41 tỷ đồng chuyển mục đích sử dụng đất. Vì không lập dự án nhà ở, bà Hường còn được hưởng một khoản lợi không nhỏ nữa là không phải bỏ tiền ra để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư có tổng cộng 1.059 căn nhà.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, đối với các doanh nghiệp địa ốc, với một quỹ đất lớn, có thể là đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ cần lo chi phí đăng ký, giấy phép cho lô đất lớn của mình rồi đền bù.

Doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản là đã có thể phân lô, bán cho các nhà đầu tư, lợi nhuận thu về lại rất cao, có thể bán giá chênh gấp 10, gấp 20 lần so với giá thành.

Trong khi đó, quỹ đất tại các tỉnh lẻ vẫn còn dồi dào. Với cách làm này, doanh nghiệp vừa không mất vốn lớn, vừa có thể quay vòng vốn nhanh, chưa kể đến việc giá đất tăng do đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, để thực hiện được dự án một cách dễ dàng, không loại trừ khả năng có sự “móc ngoặc”, tiếp tay, “lợi ích nhóm” từ phía cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất trên địa bàn Bình Dương giai đoạn 2006 - 2011, nêu rõ chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về đất đai chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số yếu kém sai phạm như tình trạng các hộ gia đình, cá nhân phân lô bán nền trên địa bàn Thuận An diễn ra khá phổ biến.

Luật pháp đã có quy định với những doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sẽ bị đưa vào “sổ đen”, không được giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Được biết, thời điểm xảy ra vụ xẻ 1,63 ha đất cây xanh, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm Tổ trưởng, Trưởng ban, Chủ tịch Hội đồng của Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất, ban chỉ đạo cấp ‘sổ đỏ” của tỉnh Bình Dương, ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất, tổ giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai... theo Quyết định 1910/QĐ-UBND ngày 1/7/2010.

Đồng thời, từ tháng 6/2014, ông Trần Văn Nam còn được phân công làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, theo dõi chỉ đạo các lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, xây dựng, quy hoạch, quản lý đô thị…

Theo Báo cáo số 22/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước ngày 4/1/2018: “Về việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý sử dụng đất đai” tại một số địa phương (giai đoạn 2013-2016), trong đó có tỉnh Bình Dương đã cho ra số liệu khá “bất thường”.

Đó là việc xác định thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án theo phương pháp so sánh hoặc phương pháp thặng dư kết hợp so sánh chưa phù hợp với quy định và thực tế, như: giá đất được Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh để tham khảo tại Chứng thư thẩm định giá theo phương pháp so sánh có một số nội dung chưa phù hợp với quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BTN&MT, như: tài sản dùng để so sánh không mang tính chất tương đương; các tài sản dùng để so sánh đa số chưa phát sinh giao dịch (không có thông tin thị trường chứng minh), chưa phù hợp với quy định; các chứng thư, đơn vị tư vấn thẩm định giá sử dụng yếu tố nhận định, ước lượng các tỷ lệ điều chỉnh là chưa phù hợp.

Thực tế trên đã dẫn đến việc tính tiền sử dụng đất phải nộp khi áp dụng giá đất thị trường do UBND tỉnh phê duyệt của loại đất trước và sau khi chuyển mục đích thấp hơn 867% so với khi xác định giá đất theo phương pháp điều chỉnh hệ số giá đất…

 Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Gia đình Việt Nam/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/binh-duong-mot-cong-ty-duoc-giao-16-lo-dat-vang-chi-trong-5-nam-d127421.html