Bình Dương xây dựng thành phố thông minh lên tầm cao mới

04/11/2021 06:41

Kinhte&Xahoi Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương là điểm đến của giao thương quốc tế và là nơi đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Cũng chính vì thế, mà Bình Dương đang tiếp tục triển khai để đẩy mạnh dự án này.

Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương trọng điểm của Thành phố thông minh.

Nền tảng phát triển Thành phố thông minh

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các tỉnh khu vực phía Nam, trong giai đoạn tới Bình Dương sẽ bước vào thời kỳ bình thường mới. Đây chính là lúc để phục hồi kinh tế và phát triển các dự án trọng tâm của tỉnh, đặc biệt trong đó là quyết tâm triển khai Đề án TPTM của Bình Dương.

Hiện nay, thu nhập GDP bình quân đầu người của Bình Dương gấp đôi cả nước. Đây là thành quả nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay Bình Dương vẫn đang đứng trước những thách thức lớn như: Sức ép về hạ tầng đô thị giao thông, qua nhiều năm hạ tầng giao thông đường bộ của Bình Dương đang có dấu hiệu quá tải, điều này ảnh hưởng lớn đến chi phí hậu cần của các nhà đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có một khoảng cách lớn giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp. Để có thể phát triển bền vững, việc thu hẹp khoảng cách này cần phải được ưu tiên rất nhiều trong thời gian tới. Đồng thời, nguồn nhân lực cần phải sớm nâng cao chất lượng, nhằm áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động để phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm của Thành phố Thông minh.

Đẩy mạnh triển khai đề án “Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương”

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo, chuyên gia Thành phố Eindhoven (Hà Lan) ngày 21/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC đã trình bày đầy đủ về định hướng triển khai đề án trong giai đoạn bình thường mới, cụ thể, ông cho biết:

Về Quy hoạch đô thị và giao thông tập trung phát triển đô thị theo mô hình TOD, đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Việc phát triển và quy hoạch các khu dân cư nhà ở theo mô hình TOD và Kiến tạo nơi chốn sẽ giúp phân bổ dân cư đồng đều, thúc đẩy thương mại địa phương, văn hóa giao thông công cộng, văn hóa đường phố. Tới đây, Becamex IDC chuẩn bị khởi công Điểm TOD đầu tiên A1. Và nhiều điểm đô thị TOD nữa sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống Metro Bến Thành Suối Tiên. Trước tiên là hệ thống bus BRT và tương lai là hệ thống Metro.

Cùng với đó, giải quyết ùn tắc giao thông Quốc Lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng. Trong đó có Dự án Cải tạo và nâng cấp Quốc Lộ 13 tại những điểm nghẽn bằng việc xây dựng các Cầu vượt, Hầm chui, Đường gom, Đường Song Hành dọc theo tuyến. Hiện tại, đội ngũ chuyên môn đã phân tích từng điểm nút và đề xuất giải pháp cụ thể cho từng nút giao thông.

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo cũng là một trong những lớp quan trọng của mô hình này. Hiện nay tại TP Mới Bình Dương, trường ĐH Quốc tế Miền Đông đang có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động, với hệ thống phòng Techlab, Fablad, Vườn ươm doanh nghiệp phục vụ khởi nghiệp, thu hút các nhà khởi nghiệp về sáng tạo ra các ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Điểm nhấn là công trình Xưởng thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp trong công nghiệp, với lợi thế có nền tảng sản xuất công nghiệp, Bình Dương là nơi thích hợp nhất cho việc xây dựng và phát triển khởi nghiệp trong công nghiệp và sản xuất. Công trình hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng và gần hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là địa điểm lý tưởng cho việc thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp trong công nghiệp.

Theo đó, để phát triển kinh tế cân bằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp là yêu cầu cấp bách của Bình Dương trong giai đoạn mới. Thấy được yêu cầu đó, việc xây dựng khu Trung tâm Thương mại Thế giới TP Mới Bình Dương, và trở thành thành viên của Hiệp hội các trung tâm thương mại thế giới WTCA là cánh cửa giúp Bình Dương giao thương với 230 trung tâm Thương mại thế giới trên toàn cầu. Trước đó Bình Dương đã tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như Horasis 2018, 2019, với sự tham gia của nhiều chính khách và doanh nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đề án Khu thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới, là đề án cấp quốc gia, thí điểm mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam. Hàng hóa phục vụ các sàn thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ đươc lưu trữ tại các kho ngoại quan tại đây, khi có đơn hàng phát sinh ở quốc gia nào thì hàng sẽ được chuyển đến đó và thông quan. Đề án sẽ là đòn bẩy giúp định vị Bình Dương là trung tâm Logistics cho Thương mại Điện tử khu vực Đông Nam Á.

Mặt khác Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn vì vậy việc phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0. Thời gian qua Bình Dương đã có nhiều ấn tượng trong mô hình phát triển các khu công nghiệp thông minh, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tự động hóa trong việc quản lý và vận hành các khu công nghiệp, như khu công nghiệp VSIP 3,…với chức năng nhà máy xử lý nước thải thông minh, tự động, đèn đường thông minh tiết kiệm năng lượng, camera giao thông thông minh,…

Hiện nay, Becamex IDC cũng đang xây dựng trung tâm điều hành thông minh để quản lý các khu công nghiệp. Dần hình thành những khu chuyên môn nhằm thu hút các nhà khoa học và các kỹ sư về làm việc để phát triển các sản phẩm, nghiên cứu các công nghệ 4.0, nhà máy thông minh để từng bước ứng dụng trong thực tế sản xuất.

Đặc biệt, phát triển nguồn nhân lực, là lớp quan trọng nhất trong mô hình 5 lớp. Nguồn nhân lực luôn quan trọng và quyết định sự thành công của mọi chiến lược, bởi vậy chiến lược phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong việc triển khai và phát triển Đề án TPTM.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC cũng chỉ rõ, để một đô thị thông minh hay thành phố Thông minh phải thỏa mãn được 3 yếu tố kết nối về hạ tầng, xã hội và công nghệ.

Bình Dương là nơi thích hợp nhất cho việc xây dựng và phát triển khởi nghiệp trong công nghiệp và sản xuất.

Tập trung tạo điều kiện cho đề àn Thành phố thông minh thành hiện thực

“Giai đoạn sắp tới, Bình Dương bước vào thời kỳ bình thường mới, tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với Eindhoven, với tổ chức Brainport, EIPO, quyết tâm triển khai Đề án TPTM như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau làn sóng Covid-19, đột phá đón kỷ nguyên 4.0” - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo, chuyên gia thành phố Eindhoven (Hà Lan), ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho hay.

Hơn 6 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị, tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven, Becamex IDC cùng tổ chức Brainport, EIPO đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, mà nổi bật là phát triển Đề án TPTM Bình Dương. Một trong những trọng tâm của Đề án TPTM 2021-2026 là quy hoạch Vùng Đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực để đưa tỉnh vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới. Đề án cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương thời gian qua.

Nhấn mạnh chỉ đạo, Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ: Ban Điều Hành, Sở KHCN và Becamex IDC phối hợp với Thành phố Eindhoven và các đối tác hoàn thành biên soạn chương trình TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2026 vào đầu năm 2022 trong đó Vùng Đổi mới Sáng tạo là trọng tâm. Nhanh chóng tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm của Thành phố Thông minh đã đề ra. Cùng với đó, quyết tâm hoàn thiện, đồng bộ hóa Cơ sở dữ liệu của từng ngành, là nền tảng để xây dựng Trung tâm Điều hành TPTM, hoàn thành trước 6/2022. Từng ngành, từng huyện thị phối hợp quyết tâm triển khai số hóa, cải cách hành chính, trước 01/01/2022 không còn thủ tục hành chính giấy.

Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức các sự kiện tầm vóc thế giới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cũng như kết nối với các thành phố, tổ chức khác. Cùng với đó, duy trì, giữ vững Top21, Top7 của ICF, vươn đến các danh hiệu quốc tế và gia nhập các hiệp hội toàn cầu khác.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết tâm thực hiện đề án TPTM, tỉnh cùng Becamex IDC, TP. Eindhoven tiếp tục xây dựng mối quan hệ với viện, trường, giúp địa phương xây dựng và thu hút trí thức, công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mọi điều kiện thuận lợi xây dựng đề án TPTM sớm trở thành hiện thực.

Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng nền tảng tích lũy của Bình Dương sau gần 30 năm qua rất lớn: Bình Dương đã mở rộng quan hệ ngoại giao, kết nghĩa với nhiều Thành phố lớn trên thế giới như Deajon Hàn Quốc, Yamaguchi Nhật Bản, Einhovend Hà Lan...; Có hàng ngàn thương hiệu lớn trên thế giới đã đặt nhà máy tại Bình Dương như Panasonic, Pepsi, Kumho, Vinamilk...; Hệ thống giáo dục đào tạo của Bình Dương phát triển với nhiều trường đại học, hợp tác tốt với các đại học lớn trên thế giới như ĐH Quốc Gia Singapore, ĐH Portland Hoa Kỳ,… Các hãng công nghệ lớn như BOSCH, PHILIPS,… đã đến tìm hiểu và mong muốn mở rộng hợp tác. Đây được xem là nền tảng lớn giúp Bình Dương tự tin vượt qua được những thách thức hiện có. 

 Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 5/11 sẽ cưỡng chế dự án đường vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và Đoàn chèo Vĩnh Phúc

Ngày 29/10, Ban thực hiện cưỡng chế thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tổ chức họp nghe các đơn vị báo cáo kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Đường vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và Đoàn chèo Vĩnh Phúc (3 tuyến) tại phường Tích Sơn và xã Định Trung.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/binh-duong-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-len-tam-cao-moi-d169999.html