Bộ GD&ĐT lại đề xuất chưa tăng học phí

16/11/2020 07:53

Kinhte&Xahoi Sau khi công bố dự thảo Nghị định “Cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo”, Bộ GD&ĐT cho biết, vừa có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất cho phép giữ nguyên mức học phí hiện hành các cấp học năm học 2021-2022.

Trả lời báo chí cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, chính sách học phí và hỗ trợ chi phí học tập đang được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Do nghị định này chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020-2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng nghị định thay thế.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Trước phản ánh của dư luận cũng như để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 thêm một năm.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2020-2021 hiện đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86. Do đó, nếu đề xuất của Bộ này về việc lùi thời gian trình ban hành nghị định thay thế được Chính phủ phê duyệt thì 2 năm nữa mới áp dụng nghị định mới và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.

Liên quan đến việc học sinh tiểu học công lập lâu nay vẫn được áp dụng chính sách miễn học phí, nhưng dự thảo nghị định mà Bộ này xây dựng vẫn quy định khung học phí đối với cấp tiểu học, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Nghị định số 86 quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Tuy nhiên, nghị định này không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng học sinh tiểu học không phải đóng học phí.

Luật Giáo dục 2019 tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập và mở rộng việc hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập ở địa bàn không đủ trường công lập. Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86 tuân thủ yêu cầu này của luật.

Tuy nhiên, để có cơ sở hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh ngoài công lập, đồng thời có căn cứ và minh bạch ngân sách cấp cho các cơ sở giáo dục tiểu học, dự thảo nghị định có quy định khung giá dịch vụ (khung trần học phí đối với các cơ sở giáo dục tiểu học). 

 Uyên Na - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án bất động sản 27 năm bất động

Trong khi 3 dự án Sài Gòn Centre I, II, III đã hoàn thành đi vào hoạt động, thì 2 dự án Sài Gòn Centre IV, V được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) từ 1993 nhưng sau 27 năm vẫn nằm “bất động”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/bo-gddt-lai-de-xuat-chua-tang-hoc-phi-d140767.html