Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo đề xuất tiếp tục miễn thuế đất nông nghiệp

23/12/2024 10:09

Kinhte&Xahoi Bộ Tài chính vừa có Công văn số 13900/BTC-CST gửi các cơ quan liên quan để lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, Bộ đề xuất trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến hết ngày 31/12/2030, thay vì kết thúc vào ngày 31/12/2025 như quy định hiện hành.

Chính sách miễn thuế SDĐNN đã được thực hiện từ năm 2001, mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân và hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn.

Các nghị quyết liên quan bao gồm: Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15, quy định chính sách này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, để duy trì đà phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế đến hết năm 2030.

Dự thảo Nghị quyết mới nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Bộ Tài chính nhận định đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Người dân yên tâm sản suất khi được miễn thuế đất nông nghiệp (Ảnh minh họa)

Từ khi thực hiện đến nay, chính sách miễn thuế SDĐNN đã góp phần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.

Theo Bộ Tài chính, số tiền giảm, miễn thuế đất này bình quân trên 3.268 tỷ đồng một năm, trong giai đoạn 2003-2010. Khoản này tăng gần gấp đôi, lên 6.308 tỷ đồng mỗi năm vào 6 năm sau đó. Ba năm qua, tiền miễn thuế đất nông nghiệp mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng.

Việc miễn thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước. Song theo Bộ Tài chính, giải pháp này khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc này giúp nâng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cũng theo cơ quan này, việc quy định miễn thuế này không gây xung đột trong quan hệ thương mại với các nước, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Thực tế, việc miễn thuế thời gian qua chưa phát sinh vướng mắc. Các địa phương đều cho rằng việc tiếp tục chính sách này cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết.

"Đây là hình thức hỗ trợ nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực tam nông nhằm nâng năng suất, chất lượng sản phẩm", Bộ Tài chính nêu, thêm rằng việc kéo dài thời gian miễn thuế phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.

Việc miễn thuế SDĐNN thời gian qua đã khẳng định vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân và khuyến khích các nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn.

Với mục tiêu tiếp tục giảm nghèo, cải thiện đời sống người nông dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nông nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội nhanh chóng thông qua Nghị quyết để chính sách này được duy trì liên tục đến năm 2030./.

phapluatplus.baophapluat.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hơn 200 dự án bất động sản tiếp tục được tháo gỡ pháp lý

Trong năm 2024, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đưa ra giải pháp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án bất động sản (BĐS), với 210 dự án được tháo gỡ.

https://phapluatplus.baophapluat.vn/bo-tai-chinh-lay-y-kien-du-thao-de-xuat-tiep-tuc-mien-thue-dat-nong-nghiep-206847.html