Bộ Y tế mở chiến dịch chống bạch hầu quy mô lớn nhất

10/07/2020 14:44

Kinhte&Xahoi Bộ Y tế đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm khẩn trương kiểm soát dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên.

Học sinh được tiêm vaccnie tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: BỘ Y Tế

Chiều 9-7, tại Trường PTTH Nguyễn Huệ, thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai phát động chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

 Đây là kế hoạch chống dịch bạch hầu có quy mô lớn từ trước đến nay tại Việt Nam, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh trên. Đối tượng là trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine DPT (vaccine chống bạch hầu, ho gà, uốn ván); người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 12 mũi vaccine Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

Tại lễ phát động, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cấp lãnh đạo ngoài phòng chống COVID-19 không được lơ là trong phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác, cụ thể là bạch hầu.

Để kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc. Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ.

“Một trong biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất đó là tiêm vaccine bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững” – ông Long nhấn mạnh. 

Được biết, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7 năm 2020. Tổ chức tiêm chủng được triển khai theo hình thức chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, trạm y tế tiêm chủng cho trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét. Các điểm lưu động sẽ tiêm chủng cho người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.

Dự kiến chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vaccine 5 trong 1, 279.608 liều vaccine DPT và 10.111.461 liều vaccine Td.

Như vậy, gần 4,7 triệu người tại 4 tỉnh sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.

 Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, tính tới ngày 8-7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca, Gia Lai có 16 ca, Kon Tum có 24 ca.

Đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong đều là những người sống ở vùng sâu, vùng xa và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) và được phát hiện muộn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng xuống còn 20 ngày

Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chính thức rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/bo-y-te-mo-chien-dich-chong-bach-hau-quy-mo-lon-nhat-d129052.html