Cải tạo chung cư cũ “kẹt” vì dân lo “đi dễ khó về”

18/03/2021 17:02

Kinhte&Xahoi Việc ở lại những chung cư cũ ai cũng biết nguy hiểm. Nhưng cải tạo chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ suốt 20 năm qua khi lợi ích giữa các bên chưa được thống nhất.

Chưa chuyển đi vì sợ chưa biết ngày về?

TP Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ, trong đó có khoảng 300 nhà chung cư riêng lẻ và hơn 1.200 - 1.300 tòa nhà nằm trong các khu tập thể cũ. Đây là thông tin được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP diễn ra vào ngày 11/3/2021.

Đáng chú ý, có nhiều khu tập thể cũ xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D -  cần di dời dân gấp. Thế nhưng, việc cải tạo lại các chung cư dường như vẫn giậm chân tại chỗ khi việc di dời các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua đó là việc xác định hệ số đền bù sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan hiện được coi là bài khó, khiến nhiều doanh nghiệp phải chùn tay.

Theo quy định của TP Hà Nội, chính sách hỗ trợ diện tích tái định cư tối thiểu với người dân là hệ số K= 1,5 lần (đền bù nhà mới gấp 1,5 diện tích nhà cũ). Tuy nhiên, do việc thoả thuận hệ số đền bù được giao phó cho doanh nghiệp trực tiếp thoả thuận với người dân, nên các doanh nghiệp cải tạo chung cư cũ đều phải chấp nhận áp dụng hệ số cao hơn như K = 2,1 lần, thậm chí K = 2,5 lần như ở nhà D2 Giảng Võ.

Bên cạnh đó, vấn đề được cư dân đang sống trong các khu chung cư cũ quan tâm khi thành phố thực hiện chủ trương cải tạo, xây mới đó là nỗi lo “đi dễ khó về”.

Đơn nguyên 1 - nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh xuống cấp nghiêm trọng.

Đơn nguyên 1 - nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội nằm trong danh sách nguy hiểm cấp độ D. 

Theo quan sát của phóng viên, khu nhà chung cư này đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, xập xệ.

Phía bên trong khu chung cư tường sơn bong tróc, nhiều nơi rêu bụi bám đầy, màu sơn vàng cam đã ngả ố sang màu nâu đen. Bên ngoài, một tấm biển màu đỏ cỡ lớn thông báo của UBND phường Ngọc Khánh ghi rõ nội dung sau:

Đơn nguyên 1 - nhà A, khu tập thể Ngọc Khánh hiện không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường.

“Đơn nguyên 1 - nhà A Ngọc Khánh được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, đánh giá tổng thể xác định mức độ nguy hiểm cấp D theo TCVN 9381:2012; TCVN:2737:1995; TCVN 5574:2012 không đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.”

Mặc dù nằm trong diện cần di dời gấp, nhưng các hộ dân ở đây cũng cũng có nhiều tâm sự về việc đi hay ở lại. Hiện tại, vẫn còn gần khoảng hơn 25 hộ dân đang bám trụ để sinh sống trong những căn hộ tại đây.

Cư dân lo lắng chuyện "đi dễ, khó về" nếu rời khỏi chung cư cũ

Ông Bùi Ngọc Trí, sống tại đơn nguyên 1 - nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội lý giải nguyên nhân ông và nhiều hộ dân chưa thể chuyển đi khỏi khu tập thể:

“Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần thông báo về mức độ xuống cấp của chung cư này và vận động nhân dân đi tạm cư. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu”, khi nào có thể quay trở lại khu nhà ở đã theo mình trong suốt hơn hàng chục năm qua.

“Bây giờ chúng tôi đang sống ổn định, rất khó để chuyển đi nơi khác. Cư dân chúng tôi rất ủng hộ các chủ trương đúng đắn của nhà nước khi cải tạo, xây mới chung cư cũ. Nhưng cũng phải cho chúng tôi biết rõ ràng về lộ trình thực hiện, chủ đầu tư, khi nào dự án mới hoàn thành… thì chúng tôi mới chuyển đi được”, ông Trí chia sẻ.

Khu nhà tập thể Bộ Tư pháp.

Khu nhà tập thể Bộ Tư pháp, gồm ba đơn nguyên tại ngõ 35 phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Ðình, TP Hà Nội bị xuống cấp nghiêm trọng.

Trong đó, đơn nguyên 1 và đơn nguyên 3 bị sụt lún, tách rời nhau khoảng 1 m, được cơ quan chức năng xác định là nguy hiểm cấp độ D.

Do 2 đơn nguyên này nghiêng về 2 phía đầu hồi, thông báo cấp độ nguy hiểm cũng đã được niêm yết công khai tại 2 đơn nguyên 1 và 3.

Khe nứt nằm giữa hai đơn nguyên 2 và 3 khu tập thể Bộ Tư pháp ngày càng gia tăng

Theo một người dân sinh sống tại đây cho biết: “Đơn nguyên 2 nằm giữa vẫn thẳng đứng, đến nay chưa có đánh giá nào về mức độ nguy hiểm của đơn nguyên này nên cư dân tại đơn nguyên 2 không phải di dời đi”.

Được biết, để bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, TP Hà Nội đã hỗ trợ các hộ dân di dời và đến nay có 40 hộ dân trong tổng số 42 hộ dân ở tập thể này đã chuyển đến nơi tạm cư.

Tuy nhiên, còn hai hộ dân có diện tích kinh doanh mặt đường tầng một chưa di dời, gây ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo chung cả khu nhà.

Diện tích hai hộ thuộc đơn nguyên 1, cơi nới thêm cho thuê bất chấp kinh doanh trong tình trạng nguy hiểm.

Theo ông Lê Hoàng Trung, nguyên tổ phó Tổ dân phố số 1 cũ, phường Cống Vị, cho biết: "Khu tập thể Bộ Tư pháp có tổng 63 hộ sinh sống tại ba đơn nguyên, trong đó đơn nguyên 1 và 3 có 42 hộ thuộc diện phải di dời tuy nhiên hiện tại vẫn còn 2 hộ đang ở lại.

“Người dân còn lại sống tại đơn nguyên 2 còn lại đồng thuận theo chủ trương của UBND TP khi chung cư đã ở tình trạng xuống cấp, nguy hiểm ai cũng muốn có cái nhà mới để ở. Mong chính quyền có chủ trương đúng đắn kịp thời để người dân có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, cần phải thông tin đầy đủ cho nhân dân thì các hộ gia đình mới yên tâm di dời khi được yêu cầu”, – ông Trung bày tỏ.

Khu tập thể B1 Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Tại khu tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội, ngoài đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ đã nằm trong danh sách nguy hiểm cấp độ D thì nhiều khu nhà khác ở đây cũng được người dân phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Công trình xuống cấp với nhiều vết nứt, vỡ.

Bà Nguyễn Hoài, sống ở B1 khu tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết: “Căn hộ gia đình tôi xuất hiện tình trạng dột, nước thấm xuống gây rất nhiều bất tiện. Rồi tình trạng tường nứt, công trình phụ xuống cấp. Rất nhiều hộ gia đình ở đây cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Những cũng chưa nhiều người muốn nhà tập thể được xây lại, bởi giờ mà chuyển đi thì sẽ rất xáo trộn. Mà chuyển đi rồi có khi lại mất đến cả chục năm như những dự án khác mới có thể quay về”, bà Hoài nói.

Nỗi lo có cơ sở

Có thể nói, những nỗi lo “đi dễ khó về” của các cư dân sống tại các khu tập thể cũ, chung cư cũ là hoàn toàn có cơ sở.

Điển hình là tại Dự án nhà B6 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội là một trong những dự án cải tạo chung cư cũ đầu tiên ở Hà Nội.

Và cũng là dự án nhiều “tai tiếng” khi đã hơn 10 năm trôi qua mới có thể cơ bản hoàn thành, sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và xảy ra không ít tranh chấp.

Công trường dự án chung cư B6 Giảng Võ - The Golden Armor trước đây. Ảnh: Kinh tế Đô thị.

Ban đầu đầu, chủ đầu tư dự án là Công ty ICT, nhưng sau hơn 4 năm công ty này đã không thể thực hiện dự án, xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân và doanh nghiệp.

Trong khi đây là dự án cải tạo chung cư cũ đầu tiên được áp dụng mô hình người dân tự chọn chủ đầu tư, do đó người dân đã lựa chọn nhà đầu tư là Tổng Công ty 36 làm nhà thầu thi công và đại diện chủ đầu tư, Công ty Mefrimex cung cấp vốn và được toàn quyền quyết định các phương án đầu tư, kinh doanh.

Sau 1 thời gian thi công, Công ty Mefrimex rơi vào khủng hoảng khiến dự án bị đình trệ và có văn bản gửi UBND thành phố xin trả lại dự án.

Ngày 10/6/2015, UBND Thành phố có văn bản giao Tổng Công ty 36 được tiếp tục triển khai dự án B6; yêu cầu tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương thực hiện, đảm bảo chất lượng, bàn giao nhà cho các hộ dân chậm nhất trong tháng 12/2017.

Hiện tại, dự án được biết đến với tên gọi chung cư B6 Giảng Võ - The Golden Armor.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ “lỡ hẹn” với người dân.

Bảng giới thiệu dự án tại xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt. Ảnh: Infonet.

Điển hình là bài học tại Dự án Xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt. Để cải tạo, xây dựng lại khu tập thể theo chủ trương xã hội hóa, UBND TP Hà Nội áp dụng chính sách tái định cư tại chỗ.

Năm 2011, TP Hà Nội ra văn bản chấp thuận giao Công ty CP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu làm chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, giống như các dự án cải tạo chung cư cũ khác tại Hà Nội, TP HCM... dự án đã phải trải qua quá trình hơn 10 năm ròng rã từ bước xin chủ trương, giải phóng mặt bằng cho đến khi hoàn thành.

Trong đó công tác giải phóng mặt bằng chính là "điểm nghẽn" lớn nhất khi vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với chính sách tái định cư do vẫn còn vướng mắc về lợi ích giữa các bên. 

Phải đến cuối năm 2017, sau khi nhiều lần đối thoại, thuyết phục thậm chí phải sử dụng đến biện pháp hành chính để các hộ dân tuân thủ, chấp hành chủ trương lớn của thành phố, dự án mới có được mặt bằng sạch để thi công.

Dự án sau khi hoàn thành đã giải quyết bài toán hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, theo đó: Các hộ dân từ chỗ phải ở trong những căn hộ tập thể nhếch nhác, chật hẹp 10 - 15m2 mất vệ sinh đi kèm nguy cơ cháy nổ cao thì nay được tái định cư tại chỗ tại tòa nhà mới khang trang, đồng bộ với diện tích gấp 1,65 - 2,25 lần, toàn bộ quá trình di chuyển, tạm cư đều được chủ đầu tư, chính quyền hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng.

Đối với chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước, dự án đã giải quyết tốt được bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải tạo chỉnh trang đô thị và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra vào ngày 11/3/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết vấn đề cải tạo chung cư cũ ở khu vực nội đô lịch sử đã vướng mắc gần bốn nhiệm kỳ.

Để giải quyết vấn đề này, tới đây Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ trình cấp có thẩm quyền để có chính sách đặc thù cho thủ đô.

Theo ông Tuấn, Hà Nội sẽ phân loại ba nhóm chung cư, tập thể cũ để có chính sách riêng cho từng nhóm. Trong đó nhóm 1 gồm các khu tập thể với nhiều tòa chung cư (như khu Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, Bạch Mai, Ngọc Khánh); nhóm 2 gồm 5 - 7 nhà tập thể cũ; nhóm 3 là các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ.

Với nhóm 1, ví dụ như khu Thành Công, quy mô khoảng 30 ha, có vài chục chung cư cũ. Dự án cải tạo, tái thiết sẽ quy hoạch 1/500, đồng bộ giải pháp, tất cả sẽ tái định cư tại trung tâm khu đất, cho phép xây chung cư cao tầng, giải phóng quỹ đất 20%-25% (khoảng 7 ha) để phát triển các chức năng dịch vụ, thương mại, hạ tầng du lịch… 

Với nhóm thứ hai, ông Tuấn cho biết cũng tương đồng với nhóm chung cư riêng lẻ. Ví dụ, quận Hoàn Kiếm có 120 chung cư riêng lẻ, sẽ thiết lập một phương án đầu tư tổng thể, xây dựng lại các chung cư cũ này nhưng tái định cư hoán đổi trên địa bàn một phường, một quận. Hoặc sẽ tái định cư tại chỗ cho 30 chung cư cũ, hút 90 chung cư cũ khác về. Quỹ đất của 90 chung cư cũ sẽ để phát triển hạ tầng khác.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  cho biết, thành phố sẽ tổng kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn, phân theo chất lượng A, B, C, D để ưu tiên xử lý các trường hợp xuống cấp nghiêm trọng cấp độ D, C để cải tạo đồng bộ với đề án của TP. 

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/cai-tao-chung-cu-cu-ket-vi-dan-lo-di-de-kho-ve-d151181.html