Cấm xe máy vào nội đô năm 2030: Lộ trình nào cho người đi xe máy?

12/03/2019 14:19

Kinhte&Xahoi Chủ trương phân vùng hạn chế xe máy trong khu vực nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, tiến tới hạn chế hoạt động của xe máy tại khu vực nội thành năm 2030 đang nhận được nhiều ý kiến quan tâm của dư luận.

Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu việc cấm xe máy vào nội đô. Ảnh Trần Vương.

Chỉ cấm xe máy khi đủ điều kiện

Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng, giao thông công cộng của Hà Nội còn chưa đáp ứng nhu cầu, do đó hạn chế xe máy sẽ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết: Dừng xe máy tại một số quận vào năm 2030 là mục tiêu, nhưng để thực hiện được mục tiêu này chúng ta phải làm rất nhiều việc.

“Thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đã có đủ các điều kiện cần thiết. Cụ thể là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hành khách công cộng phải phát triển đến một mức độ tương ứng nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, cải thiện môi trường sống của thành phố.

Thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết về việc hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh: Trần Vương.

Lộ trình mà chúng tôi đang xây dựng sẽ thực hiện hạn chế xe máy từng bước theo tuyến, theo khu vực. Những tuyến đường, khu vực nào đủ điều kiện về phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân thì sẽ hạn chế hoạt động của xe máy. Thành phố Hà Nội phát triển vận tải hành khách công cộng đồng bộ với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân” – ông Viện cho biết.

Thí điểm cấm trên 2 tuyến đường

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, dự kiến có thể một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm đầu tiên việc hạn chế xe máy trong các quận nội thành của Hà Nội. Người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa, hoặc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Trong nghiên cứu, đề án cũng tính tới việc ở một thời điểm nào đó sẽ dừng việc đăng ký xe máy mới để nhân dân cân nhắc việc mua sắm phương tiện trên cơ sở lộ trình thành phố đã đặt ra. Việc này cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân.

 Xe máy đang là phương tiện chủ yếu của người dân. Ảnh: Trần Vương.

Trước đó, UBND Hà Nội đã ký ban hành đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030. Đề án này được thông qua tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XV vào tháng 7.2017.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tiến hành thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn.

Hà Nội tiến hành phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Đối với ôtô, thành phố sẽ cấm hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Ngoài ra, Hà Nội sẽ lập các khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày, các xe taxi ngoại tỉnh sẽ có quy định hoạt động riêng.

Lộ trình cấm xe máy vào năm 2030

Theo Sở GTVT TP.Hà Nội, lộ trình cụ thể để thực hiện đề án này gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT. 

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

 

Theo Báo Lao động/Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giá đất 'nhảy múa' tại Đà Nẵng, Quảng Nam

Từ một số tháng nay, cơn sốt đất lan đến cả những vùng quê thôn Nam Sơn, Lệ Sơn của xã Hòa Tiến, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng); vùng biển thuộc huyện Thăng Bình, TP Hội An (Quảng Nam)… Việc mua bán nhộn nhịp, giá đất các khu vực này “nhảy múa” bất thường khiến nhiều người hám lợi lao theo…