“Chặn đứng” 17 tấn thực phẩm “bẩn” ra thị trường

03/04/2019 15:22

Kinhte&Xahoi Báo cáo tổng kết quý I/2019 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy những con số “giật mình” khi lực lượng này đã “chặn đứng” 17 tấn thực phẩm trôi nổi, hơn 7 tấn nguyên liệu thuốc Bắc không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường.

17 tấn thực phẩm trôi nổi bị thu giữ

Theo báo cáo nhanh, trong quý I năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã tiến hành kiểm tra trên 25.500 vụ; Phát hiện và xử lý hơn 14.400 vụ vi phạm; Thu nộp ngân sách nhà nước trên 90 tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến những vụ thu giữ khiến người tiêu dùng  phải giật mình như vụ Cục QLTT Vĩnh Long bắt giữ 15 tấn thực phẩm đông lạnh. 

Đại diện Cục QLTT Vĩnh Long cho biết, lực lượng này đã phối hợp với Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra một xe tải đang lưu thông trên QL80. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có chứa 15 tấn thực phẩm đông lạnh gồm: đầu cá hồi, cá thu Nhật, cánh gà, đùi gà... Tuy nhiên, tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. 

Cục QLTT Vĩnh Long bắt giữ 15 tấn thực phẩm đông lạnh. 

Tài xế khai nhận đang trên đường vận chuyển từ TP HCM về tỉnh An Giang tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong tạm giữ toàn bộ số thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc và phương tiện để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng QLTT Hà Nội cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý và thu giữ được số lượng lớn hàng hóa có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe con người nếu số lượng hàng hóa này lọt ra thị trường.

Theo đó, Đội QLTT số 26  đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế  (Công an TP Hà Nội) kiểm tra kho hàng tại phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) của hộ kinh doanh “Thiết Hường”, lực lượng chức năng phát hiện hơn 7 tấn nguyên liệu thuốc bắc. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) cũng thu giữ được hơn 1 tấn nội tạng đã bốc mùi dù đang được bảo quản lạnh tại một cơ sở chuyên tập kết buôn bán số lượng lớn nội tạng không đảm bảo vệ sinh nằm sâu trong một con ngõ ở đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn nội tạng bẩn gồm trứng gà và trực tràng… được ướp lạnh bằng đá, nhưng vẫn có hiệu chảy nhớt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, không có nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ và tiêu hủy số nội tạng trên theo quy định pháp luật.

Chuyển công an vụ giả mạo xuất xứ hàng hóa 


Cũng theo báo cáo quý I, một vụ việc giả mạo xuất xứ hàng hóa đã được Tổng cục QLTT chỉ đạo làm rõ ở Quảng Bình và TP HCM. Đây là vụ việc điển hình đầu tiên cho thấy sự phối hợp và chỉ đạo hiệu quả của mô hình ngành dọc của QLTT. Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, khi Cục QLTT Quảng Bình báo cáo về một vụ thu giữ 40 bộ âm ly mua từ TP HCM, có dấu hiệu giả mạo xuất xứ nước ngoài, ngay lập tức Tổng cục đã chỉ đạo Cục QLTT TP HCM vào cuộc.

Sản phẩm có dấu hiệu giả mạo xuất xứ nước ngoài bị thu giữ ở Quảng Bình

Trước đó, Cục QLTT Quảng Bình đã thu giữ 40 bộ âm ly hiệu JARGUAR SUHYOUNG có xuất xứ Việt Nam (theo nội dung ghi trên nhãn giấy dán trên sản phẩm). Sau khi mở niêm phong kiểm tra và bóc nhãn giấy ghi dòng chữ “made in Vietnam” thì bên trong xuất hiện dòng chữ “Made in Korea” (Hàn Quốc) in ở mặt sau sản phẩm và dòng chữ “KOMI” được in trực tiếp lên bề mặt vỏ hộp.

Các thùng khác đều có hiện tượng tương tự. Lực lượng chức năng nhận định, khi đối tượng mang bày bán, sẽ gỡ bỏ toàn bộ nhãn giấy ngoài vỏ hộp để người tiêu dùng lầm tưởng đây là hàng hóa “Made in Korea”. 

Nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có dấu hiệu sản xuất hàng hoá trong nước nhưng giả mạo xuất xứ nước ngoài, hành vi vi phạm được thực hiện trên nhiều địa phương, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT TP HCM tiếp tục xác minh, kiểm tra làm rõ các tình tiết, dấu hiệu vi phạm. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại 589/115D đường Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành (quận 12, TP HCM), Công ty điện tử Hùng Việt Phát đang sản xuất loa nhưng trên thành phẩm không ghi nơi sản xuất theo quy định. Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy đây là một vụ sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì.

Số tiền hàng hoá vi phạm đủ để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó, Tổng cục QLTT chỉ đạo Cục QLTT TP HCM chủ trì phối hợp với Cục QLTT Quảng Bình chuyển hồ sơ, tang vật có dấu hiệu vi phạm cho Công an TP HCM điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty Ba Thành Phát bán dự án “ma” ở Bình Dương?

Thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn không tồn tại dự án nào có tên “Khu nhà ở Thành Phát City 1”. Thế nhưng, thời gian qua, dự án này đã được chủ đầu tư “bắt tay” môi giới tiến hành rao bán rầm rộ?