Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh

30/04/2024 09:25

Kinhte&Xahoi Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Chân lý đó được thể hiện sinh động trong Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954.

Lực lượng dân công vận chuyển hàng hóa phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức, đồng lòng

Điện Biên Phủ là nơi mà cả dân tộc Việt Nam và thực dân Pháp dốc sức, quyết tâm giành chiến thắng.

Để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có. Trong khi đó, vùng Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng” được toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt. Đặc biệt, phát huy tiềm năng và thế mạnh của hậu phương tại chỗ, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng, hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo cho chiến dịch. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu III, Liên khu IV... đóng góp cho chiến dịch “25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô”.

Tính chung trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài 16 đại đội ô tô vận tải của quân đội, có hơn 2 vạn xe đạp của các địa phương tham gia vận chuyển vật chất cho chiến dịch; lực lượng dân công tích cực tham gia vận chuyển thương binh ra hậu cứ để cứu chữa.

Nhận định về sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà báo Giuyn Roa, nguyên Đại tá Quân đội Pháp đã viết: “... Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương” .

Đánh giá về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp nhiều công sức như trong Đông Xuân 1953-1954 để chi viện cho quân đội đánh giặc… Bọn đế quốc… không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn được thể hiện ở sự hòa nhịp của chiến trường cả nước với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là sự tích cực phối hợp hoạt động của lực lượng Công an với việc thành lập Ban Công an tiền phương làm nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng tham gia chiến dịch, bảo vệ dân công, bảo vệ giao thông vận chuyển, kho tàng, các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội chủ lực. Các tỉnh ở Việt Bắc, vùng tự do Liên khu IV huy động dân công phục vụ chiến dịch; các chiến trường Tây Nguyên, Liên khu V, Nam Bộ và các nơi khác đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp với Điện Biên Phủ. Đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, làm suy yếu địch, tiến công địch cả ở địa bàn Hà Nội, Hải Phòng. Quân và dân ta ở khắp các địa phương trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu III, Tả ngạn, đến Liên khu V, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

Bên cạnh đó, để “chia lửa” với Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các địa phương đã tham gia phục vụ tích cực cho lực lượng vũ trang chủ động mở các chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng. Nhờ đó, không những ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mà còn buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta và bị giam chân ở nhiều nơi, khiến mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của địch càng thêm sâu sắc.

Các lực lượng trí thức, khoa học, văn hóa văn nghệ cũng hăng hái lên đường ra mặt trận. Những bác sĩ nổi tiếng như: Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng và các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Y khoa, đã có mặt ở Điện Biên Phủ, kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng nhiều nghệ sĩ khác đã đến Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu chiến dịch…

Để tăng cường lực lượng chiến đấu cho mặt trận, nhân dân các địa phương ra sức động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, giết giặc lập công. Theo dự kiến vào đầu năm 1954, quân ta chủ trương huy động thêm 4.000 tân binh, nhưng trên thực tế, đã tuyển chọn và bổ sung kịp thời 25.000 tân binh cho mặt trận.

Nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sự chung tay, góp sức của toàn dân tộc là yếu tố quyết định tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp đó, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đường lối chiến lược đó đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh nội sinh của dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy ý chí tự cường dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, đã đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong những năm tới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, vấn đề quan trọng là khơi dậy và phát huy được những truyền thống quý báu của dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trước những bước ngoặt lớn của lịch sử với mục tiêu lớn lao của đất nước, nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang” .

Phát huy những giá trị đó, trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, của từng vùng và mỗi địa phương; sức mạnh tổng hợp của kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và toàn bộ hệ thống chính trị; khơi dậy sức mạnh tinh thần, truyền thống yêu nước và khát vọng cống hiến của mỗi người dân nhằm xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TƯ ngày 24-11-2023, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian đã lùi xa, song bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị; là nền tảng và động lực to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vận dụng và phát huy trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên

Theo Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lào Cai: Rừng tự nhiên bị phá tan hoang để thi công Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Biển Mây

Quá trình thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Mây tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Công ty TNHH Vượng Đạt đã tự ý san gạt, đào bới, xây dựng làm thay đổi hiện trạng của rừng và đất không có rừng với tổng diện tích 5.410 m2 ra ngoài ranh giới, phạm vi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gây thiệt hại 760m2 rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/chien-thang-dien-bien-phu-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-thoi-dai-ho-chi-minh-665006.html