'Choáng' thông báo tiền nước 23,6 triệu/tháng, không nộp cắt nước?

18/02/2019 15:46

Kinhte&Xahoi Hóa đơn tiền nước chỉ vài trăm ngàn đến trên 1,6 triệu đồng mỗi tháng nhưng riêng thông báo tiền nước tháng 2 của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy lên tới trên 23,6 triệu đồng.

Theo phản ánh của chị Vũ Thị Thu số nhà 106B – C1 Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với PV, gia đình chị có mua lại căn hộ tập thể này từ chủ cũ đã vài năm nay để mở cửa hàng kinh doanh ăn uống. Gia đình vẫn sử dụng nước theo hợp đồng từ chủ cũ đã ký với Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy.

Theo đó, hàng tháng sản lượng nước sử dụng của cửa hàng chị Thu dao động từ 22m3 đến 72m3. Thế nhưng, ngay trước Tết Nguyên đán, chị Thu nhận được thông báo của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy với sản lượng nước tăng đột biến, bất thường lên tới 940m3 (chỉ số cũ là 3389 và chỉ số mới là 4329). Tổng số tiền phải thanh toán là hơn 23,6 triệu đồng (bao gồm: 10m3 giá nước sinh hoạt là gần 60.000 đồng, 930m3 nước theo giá kinh doanh là hơn 20,5 triệu đồng; cộng với 5% thuế VAT và 10% phí bảo vệ môi trường).

Giấy thông báo tiền nước tháng 2 với tổng số tiền hơn 23,6 triệu đồng mà chị Thu ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được từ Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy.

Không tin vào mắt mình, chị Thu ngay lập tức đã làm đơn gửi lên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy trước việc khối lượng nước tăng bất thường này.

Chị Thu cho biết, đường ống nước vào nhà đi đường ống nổi, không có bể ngầm mà chỉ có 2 téc chứa. Cửa hàng kinh doanh nhưng toàn bộ đồ đạc đều được mang về xưởng rửa rồi mang lên chứ không rửa ở cửa hàng nên mỗi ngày chỉ dùng không đến 2m3 nước.

Cũng theo chị Thu, khu tập thể chỉ bơm nước theo giờ, mỗi ngày 8 tiếng bơm (buổi sáng từ 6h30 đến 10h30 và buổi chiều bơm từ 14h30 đến 18h30).

"Mỗi giờ bơm chỉ chạy được 3 khối nước. Giả dụ có bị rò rỉ, thất thoát nước đi chăng nữa thì mỗi ngày cũng chỉ bơm được 24 m3; 1 tháng 30 ngày thì cũng chỉ đến mức 720 m3. Nhưng theo thông báo là tận 940m3, như vậy là chênh lệch nhau đến 220m3. Khối lượng nước theo thông báo phải cả trăm hộ dùng mới hết. Bây giờ họ cứ ra thông báo để thu tiền và nếu không đóng thì họ sẽ cắt nước…." chị Thu nói.

Cũng theo chị Thu, sau khi gửi đơn lên Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, ngày 10/1 âm lịch (tức ngày 14/2) Xí nghiệp đã cho nhân viên xuống kiểm tra.

Khi xuống nhân viên chỉ kiểm tra việc rút nước thì đồng hồ có chạy hay không, chứ cũng chưa tháo đồng hồ đi kiểm định.

"Gia đình tôi có thử khóa van nước vào nhưng đồng hồ vẫn quay dù không có nước chảy vào. Nhưng khi nhân viên Xí nghiệp nước tiếp tục xuống kiểm tra thì khi họ khóa van nước trước đồng hồ, rồi nhấc phao ở téc đựng ra thì đồng hồ lại không quay và họ kết luận đồng hồ không làm sao mà do gia đình dùng….:, chị Thu thông tin thêm.

Lịch sử sử dụng nước hàng tháng của nhà chị Vũ Thị Thu mà PV tra trên hệ thống của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội theo mã khách hàng.

Trước sự việc này, PV đã liên lạc với ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội), ông Cương xác nhận có trường hợp khách hàng nói trên.

Sở dĩ sản lượng nước của khách hàng ở địa chỉ 106B – C1 Nghĩa Tân tăng vọt lên 940m3 được ông Cương cho biết nguyên nhân là do đường ống sau đồng hồ ở trong nhà khách hàng bị vỡ và trung bình 1h chảy 3m3 nước.

Cùng với đó, ông Cương khẳng định, Xí nghiệp thực hiện một ngày bơm nước 12 tiếng, nhân viên làm việc có sổ giao ca, chứ không phải bơm 8 tiếng/ngày như chị Thu phản ánh.

"Đường ống của khách hàng bị vỡ, đã lập biên bản lúc kiểm tra, vì thế nếu khách hàng không thanh toán tiền nước, theo đúng hợp đồng chúng tôi sẽ hủy hợp đồng, tạm dừng cấp nước", vị giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy nói.

Liên quan đến việc khóa van nước chảy vào nhưng đồng hồ vẫn quay, ông Cương cho hay, có thể do khách hàng đóng van nước đồng hồ chưa chặt.

"Tôi khẳng định 100% khi không có nước chảy qua thì đồng hồ nước sẽ không quay. Các đồng hồ nước của đơn vị đều được kiểm định, 90% là đồng hồ đúng. Khi có tác động của dòng nước thì đồng hồ mới quay, còn không đồng hồ chỉ có thể không đúng vì chạy chậm lại chứ không có khả năng chạy nhanh lên. Nếu khách hàng vẫn không tin thì sẽ mang đồng hồ nước đi kiểm định", ông Cương khẳng định.

                                                                                                                                                                                                                                                               

Theo Infornet/GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì sao nhà máy thép Gia Sàng biến thành đô thị nghìn tỷ Thái Hưng Eco City?

Phó Thủ tướng vừa yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra làm rõ việc thu hồi đất nhà máy thép Gia Sàng cho Công ty Thái Hưng thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà máy luyện cán thép nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án Thái Hưng Eco City.