Chuyện lạ giữa Thủ đô, người chết vẫn ký tên xác nhận nguồn gốc nhà đất

06/05/2019 15:51

Kinhte&Xahoi Câu chuyện đang xảy ra ngay giữa quận trung tâm Thủ đô, dù người chết đã có giấy chứng tử nhưng vẫn có tên trong biên bản xác định mốc giới của nhà đất hộ liền kề. Điều đáng nói, đây chính là cơ sở để cấp sổ đỏ cho phần đất đang xảy ra khiếu kiện trong suốt nhiều năm qua liên quan đến hệ thống thoát nước chung của khu dân cư, của các hộ dân liền kề.

Người chết ký tên trong giấy xác nhận mốc giới nhà đất?

Trong đơn thư gửi đến báo Tiền Phong và các cơ quan chức năng Hà Nội, đại diện 12 hộ gia đình đang cư trú ở Tổ 18 (cụm dân cư số 5, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) “tố” những sai phạm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho tại số 27A Đê La Thành.

Theo phản ánh của các hộ dân, ngày 26/06/2006, UBND quận Đống Đa đã có Quyết định số 2363, trong đó cấp sổ đỏ cho hộ gia đình tại số 27A Đê La Thành với tổng diện tích đất là 112,6 m2. Tuy nhiên, người dân ở Tổ 18 cho rằng, trong hồ sơ cấp sổ đỏ tại địa chỉ trên có nhiều điểm mập mờ, thậm chí làm sai lệch hồ sơ.

Cụ thể, nguồn gốc đất mà gia đình ông Lê Hữu Tiến, bà Nguyễn Thị Nhạc (bố mẹ đẻ của ông Lê Hữu Hùng và các đồng sở hữu hiện nay-PV) tại số 27A Đê La Thành chỉ có diện tích là 86m2 đất, kê khai đóng thuế ổn định từ năm 1962 cho đến thời điểm được cấp sổ đỏ năm 2006. "Còn phần đất tăng thêm so với diện tích kê khai ban đầu là 26,6m2 thuộc đất lưu không liền kề. Đây cũng là hệ thống cống thoát nước thải và nước mưa của khu dân cư có từ hàng chục năm trước nhưng nay được cấp sổ đỏ cho gia đình ông Hùng", đại diện 12 hộ dân phản ánh.

Dù đã có giấy chứng tử từ năm 2004 nhưng bà Phạm Thị Oanh vẫn có tên trong Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất lập năm 2006 trong hồ sơ mà gia đình Hùng được chính quyền sở tại xác nhận để làm cơ sở cho UBND quận Đống Đa cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành.

Theo các hộ dân, việc giải trình diện tích tăng từ 86m2 lên 112,6m2 trong đơn “Xác định diện tích đất” do hộ bà Nguyễn Thị Nhạc gửi UBND phường Ô Chợ Dừa ngày 8/2/2006 có chữ ký của ông Nguyễn Văn Định và ông Lê Trọng Đặng ở phần hộ liền kề. Tuy nhiên, ông Định và ông Đặng đều có văn bản xác nhận đây là những chữ ký giả mạo.

Điều đáng nói, theo các hộ dân, tại biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) lập ngày 22/2/2006 để làm cơ sở cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành có dấu hiệu bị sửa chữa trên biên bản được lập ngày 20/8/1998. "Trong biên bản lập năm 2006, có chữ ký của bà Phạm Thị Oanh hộ liền kề nhưng thực tế bà Oanh đã mất từ năm 2004 và đã được UBND phường Ô Chợ Dừa cấp giấy chứng tử ngày 11/3/2004. Còn ông Vũ Văn Cảnh cán bộ đo đạc dù đã nghỉ hưu năm 2003 nhưng tại biện bản lập năm 2006 này vẫn có tên/ Việc làm sai lệch hồ sơ để hợp thức hóa 26,6m2 đất lưu không liên quan đến hệ thống thoát nước chung của khu dân cư, của các hộ dân liền kề làm ảnh hưởng đến cuộc sống hiện nay của các hộ dân chúng tôi", bà Nguyễn Thị Thanh Huyền ở số 28 Đê La Thành bức xúc. 

Cả khu dân cư lo mất cống thoát nước chung

Theo phản ánh của 12 hộ dân ở đây, hệ thống đường cống và 3 hố ga ở khu vực trên đã có từ hàng chục năm nay, là phần đất lưu không thuộc sở hữu chung, có tường bao ngăn cách riêng biệt. "Khi gia đình ông Hùng phá dỡ nhà cũ, đập bỏ toàn bộ phần tường bao ngăn cách với phần đất lưu không mà ở phía dưới đang có đường cống và hố ga chung của cả khu dân cư. Thấy vậy, các hộ dân đã yêu cầu hộ ông Hùng sửa chữa lại cống, khơi dòng chảy, tránh tình trạng ùn ứ nước thải tràn ra cả khu. Đến lúc này, chúng tôi mới “ngã ngửa” khi biết toàn bộ phần đất lưu không nơi có đường cống và hố ga đã nằm gọn trong thửa đất thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Hùng mà quận Đống Đa đã cấp sổ đỏ", đại diện 12 hộ dân kể lại.
 

12 hộ dân Tổ 18 phản ánh việc chủ công trình tại số 27A Đê La Thành xây nhà ảnh hưởng hệ thống cống thoát nước chung vốn tồn tại lâu đời và sử dụng chung lâu nay của các hộ dân. Ảnh: Ninh Phan.

Theo các hộ dân, từ khi sự việc xảy ra, UBND Phường Ô Chợ Dừa và tổ dân phố đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến người dân và các hộ có liên quan thì tất cả đều khẳng định và xác nhận có sự tồn tại hệ thống đường cống và các hố ga chung ở khu này.

"Qua nhiều thế hệ, các hộ dân ở đây đều chứng thực đường cống và 03 hố ga là hệ thống thoát nước chung duy nhất của các hộ gia đình xung quanh (hiện nay là 14 hộ gia đình, gồm cả gia đình nhà ông Lê Hữu Hùng). Ngay cả giấy cam kết ngày 30/10/2016 của ông Lê Hữu Hùng và các đồng sở hữu cũng công nhận điều này thì không cớ gì nay họ lại xây nhà trên hệ thống cống chung của khu dân cư", các hộ dân phân tích.

Sự việc tranh chấp đang được các cấp chính quyền xem xét giải quyết, thì vào ngày 13/2/2017, hộ ông Lê Hữu Hùng được UBND quận Đống Đa cấp giấy phép xây dựng số 170097/GPXD. Tiếp đó, ngày 15/2/2019, lại cấp giấy phép xây dựng số 190060/GPXD thay thế giấy phép xây dựng trước đó. Dựa trên GPXD mới, gia đình ông Hùng tiếp tục cho xây dựng công trình nhà ở trên phần đất mà các hộ dân cho rằng có hệ thống đường cóng thoát nước chung.

"Điều này khiến người dân chúng tôi vô cùng bức xúc và cho rằng thay vì cưỡng chế phá dỡ xử lý dứt điểm phần sai phạm thì các cơ quan liên quan đã “chụm lại” để hợp thức hóa cho sai phạm khiến mâu thuẫn càng trở lên căng thẳng khi ngày đêm cả khu ngồi canh lo mất hệ thống cống thoát nước",một hộ dân nói.

Các hộ dân căng băng rôn yêu hộ ông Hùng trả lại hệ thống thoát nước chung cho khu dân cư. Ảnh: Ninh Phan.

Theo các hộ dân, từ ngày gia đình ông Hùng xây dựng công trình, cuộc sống của 12 hộ gia đình nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn. Nước thải sinh hoạt không thể tiêu thoát, bị thấm ngấm làm hư hỏng nhà cửa. "Khổ nhất là cảnh hàng ngày, hàng chục con người nơi đây phải lấy xô chậu chứa nước thải, chờ tới cuối ngày mang ra đường chính để đổ. Do không chịu đựng được cảnh sống này gia đình tôi đã phải di tản đến nơi khác ở tạm”, bà Nguyễn Thị Đông, trú tại 27 Đê La Thành bức xúc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, trú tại 23A Đê La Thành cho biết, do đường cống thoát nước chung bị ảnh hưởng nên lượng nước thải sinh hoạt của nhiều hộ dân bị ùn tắc, cộng thêm lượng nước mưa tồn đọng khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất là vào mùa mưa, “Người dân chúng tôi mong thành phố vào cuộc làm rõ việc cấp sổ đỏ, việc cấp phép để trả lại hệ thống cống thoát nước để chúng tôi ổn định cuộc sống”, ông Dũng nói.

Ông Phạm Việt Cừ, Phó chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa xác nhận việc 12 hộ dân tại Tổ 18 phản ánh trên đã kéo dài năm 2016 đến nay. "Phường cũng đã nhiều lần tổ chức làm việc, hòa giải giữa các bên nhưng không thành. Hiện phường đã có văn bản yêu cầu hộ ông Lê Hữu Hùng dừng việc thi công công trình và thực hiện nghiêm thông báo của phường. Còn việc người dân thắc mắc về hồ sơ cấp sổ đỏ cho gia đình ông Hùng năm 2006 thì đó là thẩm quyền giải quyết của UBND quận Đống Đa", ông Cừ nói. 

Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ có trách nhiệm của Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Đống Đa cho biết: "Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) lập ngày 22/2/2006 để làm cơ sở cấp sổ đỏ tại số 27A Đê La Thành. Có thể, biên bản lập năm 1998 có cùng diện tích đất nên khi lập 2006 cán bộ đưa nguyên nội dung vào nhưng chắc chắn phải có giải trình việc này chứ sao người chết rồi mà vẫn ký tên xác nhận".

Theo Tiền Phong/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM