Có dấu hiệu tiếp tay cho doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm trái phép?

15/04/2021 23:56

Kinhte&Xahoi Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2020 là hơn 1.000 tấn. Điều đáng chú ý, không ít trường hợp doanh nghiệp từng vi phạm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, khai báo hải quan gian dối nhưng vẫn tiếp tục được tạo điều kiện nhập khẩu cá tầm với số lượng lớn...

Ồ ạt nhập khẩu sau chỉ đạo “siết chặt”

 Như Kinh tế & Đô thị đã thông tin trước đó, ngày 28/1/2020, trước nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg (Chỉ thị 05) về việc phòng, chống dịch bệnh, trong đó nêu rõ chỉ đạo cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Ngày 23/7/2020, Thủ tướng tiếp tục có Chỉ thị số 29/CT-TTg (Chỉ thị 29), chỉ đạo dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật…).

Cá tầm nuôi trong nước 'khổ' vì cá tầm nhập lậu.

Theo Cơ quan quản lý Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam - Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, cá tầm có tên trong danh sách thuộc phụ lục của Công ước quốc tế về kiểm soát buôn bán các loài hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (Cites). Đây là loài cần được bảo vệ nên việc xuất - nhập khẩu bắt buộc phải có giấy phép hợp pháp của Cites.

Mặc dù đã có chỉ đạo cụ thể, tuy nhiên số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua 2 cửa khẩu quốc tế là Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) đã đạt con số 812 tấn (riêng cửa khẩu Hữu Nghị là 687 tấn).

Cụ thể, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị, trong tháng 1/2021, đơn vị này đã phát hiện lô cá tầm Trung Quốc của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú (Công ty Thanh Tú) khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Số lượng hàng thừa được xác định lên đến 850kg. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với công ty này.

Ngoài ra, các số liệu cũng thể hiện, Công ty Thủy sản Thanh Tú cùng Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng (Công ty Sỹ Hưng) cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh, cùng do bà Nguyễn Thị Thư là đại diện pháp luật, hiện đang là 2 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2021, số lượng cá tầm Trung Quốc được 2 công ty này đưa về đạt 375 tấn.

Trước đó, báo cáo của Cơ quan Cites Việt Nam cho thấy, thực hiện Chỉ thị số 05, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã ban hành văn bản số 17/CTVN-HTQT gửi các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhập khẩu, gây nuôi, chế biến, vận chuyển, thương mại mẫu vật động vật hoang dã, Tổng cục Hải quan; Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, TP với nội dung: Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tạm dừng tiếp nhận và thụ lý các hồ sơ đề nghị nhập khẩu mẫu vật động vật hoang dã, không bao gồm mẫu vật từ các phần của động vật hoang dã đã được chế biến như thuốc, nước hoa, đồng hồ, túi xách… từ ngày 28/1/2020 cho đến khi có thông báo mới.

 Ngày 3/8/2020, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã có Văn bản số 75/CTVN Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nêu rõ về việc nhập khẩu, cho phép nhập khẩu cá tầm là vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05.

Trong thời gian này có 236 giấy phép Cites nhập khẩu cá tầm đã cấp cho 9 công ty còn hiệu lực sử dụng, trong đó có 91 giấy phép được 7 doanh nghiệp đã sử dụng để thực hiện nhập khẩu với số lượng hàng trăm ngàn kg. Điều đó có nghĩa là từ ngày 28/1/2020 đến ngày 23/7/2020, Cites Việt Nam không tiếp nhận và không cấp bất kỳ giấy phép Cites nhập khẩu mẫu vật cá tầm nào vào Việt Nam.

Đến ngày 24/7/2020, khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị nhập khẩu mẫu vật cá tầm sống, Cites Việt Nam thực hiện rà soát, đối chiếu với số liệu của hải quan và xác định có 7 doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm sống trong thời gian thực hiện Chỉ thị 05.
CITES Việt Nam khẳng định, có 7 doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm trong thời gian Thủ tướng cấm nhập khẩu theo Chỉ thị 05 và 2 trong số đó (Công ty Thanh Tú và Sỹ Hưng) lại tiếp tục vi phạm khai báo hải quan không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về nhưng vẫn không bị rút giấy phép hoặc bị cơ quan chức năng đình chỉ nhập khẩu. Vậy, nguyên nhân của sự bất cập này là từ đâu?

Có dấu hiệu “chống lưng” cho sai phạm?

Theo nguồn tin của Kinh tế & Đô thị, ngày 3/8/2020, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã có Văn bản số 75/CTVN gửi ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) nêu rõ về việc nhập khẩu, cho phép nhập khẩu cá tầm là vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05. Đồng thời, tạm dừng xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép của doanh nghiệp cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm các điều cấm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 17/8/2020, Tổng cục Lâm nghiệp ra văn bản số 1143/TCLN-VP về việc xử lý đơn khiếu nại khẩn cấp của hai Công ty Sỹ Hưng và Thanh Tú, gửi đến Cơ quan quản lý Cites Việt Nam với yêu cầu cơ quan này phải trả lời Đơn khiếu nại khẩn cấp ngày 16/8/2020 của Công ty Sỹ Hưng và Thanh Tú theo đúng quy định pháp luật; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp (Nếu kiến nghị đúng theo quy định pháp luật). Báo cáo Lãnh đạo Tổng cục trước 9h00 ngày 18/8/2020.

Ngoài ra, chấn chỉnh ngay việc trả lời, cấp giấy phép Cites khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo đúng quy định pháp luật.

 Chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (khung đỏ) trong Thông báo số 1159/TB-TCLN-VP, ngày 20/8/2020.

Tiếp tục, đến ngày 20/8/2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã có Thông báo số 1159/TB-TCLN-VP về chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, với nội dung: Cơ quan Cites Việt Nam xem xét, cấp giấy phép Cites cho Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng nếu hai công ty này nộp đủ hồ sơ theo quy định về cấp phép theo Điều 25 Nghị định 06/2019/NĐ-CP và đã sử dụng hết các giấy phép được cấp trước ngày 28/1/2020, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu trước ngày 23/7/2020.

Sau chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, ngày 16/9/2020, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam đã ban hành Quyết định số 195/QĐ-CTVNu-THGP về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Công ty Sỹ Hưng và Công ty Thanh Tú. Cơ quan quản lý Cites cũng đã ngưng tiếp tục cấp phép, trả lại hồ sơ xin cấp phép. Đồng thời có văn bản gửi cơ quan chức năng theo luật về việc xử lý vi phạm liên quan hoạt động nhập khẩu, cho phép nhập khẩu động vật hoang dã đã vi phạm lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ. 

Tuy nhiên, thật khó hiểu, khi tại Quyết định số 387/QĐ-TCLN-PCTT do ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Lâm nghiệp ký đã hủy bỏ Quyết định số 195/QĐ-CTVN-THGP và đồng thời yêu cầu Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (nay là Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam) thu hồi hai Văn bản số 169/CTVN-THGP và Văn bản số 170/CTVN-THGP ngày 13/8/2020 của Cites Việt Nam về việc phúc đáp hồ sơ đề nghị cấp phép của Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng.

Căn cứ theo nội dung các văn bản nói trên, có thể khẳng định, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT không đồng quan điểm với lãnh đạo Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam về việc dừng cấp phép đối với các doanh nghiệp vi phạm Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ.

Và kết quả là các doanh nghiệp dù vi phạm, và đã bị Cites Việt Nam có văn bản từ chối cấp phép, vẫn được cấp phép nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, gây khó hiểu…

 Danh sách Tổ công tác theo phân công của Tổng cục Lâm nghiệp, ngày 18/3/2021

Chưa kể, ngày 18/3/2021, Tổng cục Lâm nghiệp ban hành Quyết định số 61/QĐ-TCLN-PCTT về việc thành lập Tổ công tác thực hiện công văn số 580/BNN-TCTS ngày 26/1/2021 của Bộ NN-PTNT.

Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp quyết định thành lập Tổ công tác để kiểm soát nhập khẩu cá tầm sống gồm 2 nhóm: Nhóm 1 sẽ rà soát quy trình Cấp giấy phép Cites; Nhóm 2 sẽ kiểm tra việc thực hiện cấp Giấy phép Cites nhập khẩu cá tầm sống của Cơ quan Cites.

Cụ thể, Tổ công tác gồm: bà Phan Thị Thanh Hằng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Tổng cục Lâm nghiệp; Tổ phó Tổ công tác cai cách hành chính (CCHC) Tổng cục Lâm nghiệp là Tổ trưởng Tổ Công tác; bà Nguyễn Thị Hồng Lý, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục; Tổ phó Tổ công tác CCHC Tổng cục Lâm nghiệp - Tổ phó Tổ Công tác là Nhóm trưởng Nhóm 1; ông Lê Đinh Thơm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổ phó Tổ Công tác, Tổ phó Tổ Công tác, Nhóm trưởng Nhóm 2. Trong khi đó, bà Hà Thị Tuyết Nga - Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý Cites Việt Nam chỉ được phân công là thành viên của Tổ công tác.

Vấn đề mà dư luận đặt ra là tính khách quan sẽ đi đến đâu, khi thành viên chủ chốt của Tổ công tác đều là nhân sự của Tổng cục Lâm nghiệp? Tại sao từ cuối năm 2020, các cơ quan chức năng liên tục chỉ đạo nhưng đến cuối tháng 3/2021 các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu thành công cá tầm sai phạm, liệu rằng ở đây có sự bao che từ chính các cơ quan quản lý Nhà nước hay không?

Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Tiểu Thúy - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tranh chấp kinh phí bảo trì chung cư: Bài toán đã có lời giải

Trong các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nhà chung cư thời gian qua, tranh chấp kinh phí bảo trì là một trong những “cuộc chiến” gay gắt nhất. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2021/NĐ-CP (ngày 26-3-2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; trong đó có nhiều quy định mới cứng rắn hơn. Theo đó, bài toán liên quan đến tranh chấp trong quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì chung cư đã có lời giải.

Hà Nội đồng ý chủ trương chi ngân sách để kiểm định chất lượng chung cư cũ

Đây là nội dung chỉ đạo được nêu trong Thông báo số 212-TB/TU của Văn phòng Thành ủy Hà Nội về “Kết luận của Thường trực Thành ủy về các nhiệm vụ trọng tâm của Thành ủy trong quý II/2021 và 9 tháng cuối năm 2021”. Kết luận được đưa ra tại hội nghị diễn ra ngày 6/4/2021 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/co-tiep-ta-cho-doanh-nghiep-nhap-khau-ca-tam-trai-phep-415767.html