Đại hội XIII của Đảng: Huy động mọi sức mạnh, tiềm năng nhân dân

24/01/2021 11:10

Kinhte&Xahoi Lòng yêu nước của mỗi người gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.”

Trong giai đoạn hiện nay, lòng yêu nước của mỗi người gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Đặc biệt, trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, sức mạnh của người dân Việt Nam được hun đúc từ bao đời nay sẽ càng được lan tỏa và khơi dậy mạnh mẽ.

Làm đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới ở xã Nghĩa Tá, Bắc Kạn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng tâm hiệp lực, quyết tâm phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, cùng nhau hợp sức xây dựng xã hội ổn định và phát triển toàn diện, bền vững.

Điển hình, thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Chính phủ phát động, đã huy động sức mạnh của nhân dân, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Từ đây, cả nước xuất hiện các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,” “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,” “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải,” “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới,” “Tổ nhân dân tự quản,” mô hình “5 không, 3 sạch,” “3 hộ khá giúp đỡ 1 hộ nghèo,” “Thanh niên khởi nghiệp”... thu hút sự hưởng ứng tham gia đồng bộ của các tầng lớp nhân dân.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm,” người dân vận động lẫn nhau, tự nguyện đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng; hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa; làm mới, sửa chữa, nâng cấp kênh mương; xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết...

Hàng trăm nghìn công trình phục vụ dân sinh đã được xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, đường giao thông, thủy lợi, điện sản xuất..., góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế các địa phương.

Cùng với đó, các chương trình vận động chăm lo giúp đỡ cho người nghèo tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm.”

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2015/ QH13 ngày 12/11/2015 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Từ các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình,” “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh và thi đua làm giàu,” Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ khuyến học, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi,” “Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi:” “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”..., hàng triệu hộ nghèo, các cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, đoàn viên, công đoàn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật tư, ngày công, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, giúp người nông dân có cơ hội vươn lên làm giàu trên quê hương.

ATM gạo tại thành phố Long Xuyên. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN) 

Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh, còn khoảng 5,7%; 96% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2-2,5 lần...

Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của khu vực nông thôn, nhất là khu vực nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có sự thay đổi rõ rệt; đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.

Đoàn kết đẩy lùi khó khăn

Bước vào năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nước, tác động sâu rộng tới sức khỏe và đời sống của cộng đồng quốc tế cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu.

Ở trong nứớc, Chính phủ Việt Nam đã kích hoạt sớm các biện pháp phòng, chống cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; áp dụng một loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ nhằm kiên định mục tiêu duy nhất: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trước dịch bệnh.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dù tiềm lực kinh tế còn hạn chế so với các nước trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã chung sức đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một trong những kinh nghiệm góp phần thành công trong chống dịch tại thực địa không thể không nhắc tới việc huy động sức mạnh của cộng đồng.

Trên tinh thần “chống dịch như chống giặc,” cuộc chiến được xác định của toàn dân, trong đó tiêu biểu với mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng,” trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa.

Điển hình, trong đợt chống dịch cao điểm vào tháng 7/2020 ở miền Trung, Đà Nẵng có 2.200 tổ; Quảng Nam 5.500 tổ; Quảng Ngãi 2.300 tổ; Quảng Trị 4.434 tổ...

Các tổ có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình; là cầu nối công tác phòng, chống dịch của chính quyền, ngành y tế và nhân dân.

“Các Tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng là sự sáng tạo, độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến mà ít nơi nào trên thế giới làm được. Đây là minh chứng sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, huy động toàn dân tham gia phòng chống dịch,” Phó Giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chia sẻ.

Cùng với đó, những quyết sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã nhận được sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Đa số, mọi người dân Việt Nam nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng; thực hiện các biện pháp theo dõi lịch trình, khai báo y tế; cách ly tập trung và thực hiện cách ly toàn xã hội; khai báo người nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...

Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, trên cả nước đã xuất hiện nhiều câu chuyện đẹp, tấm gương cảm động của nhân dân trong công tác phòng chống dịch. Đó là hình ảnh của mẹ Việt Nam Anh hùng may khẩu trang chống dịch COVID-19, những cụ già đạp xe hàng chục km để hay những em nhỏ dành dụm tiền ăn sáng để góp tiền chống dịch bệnh hay những “cây gạo ATM,”“Chợ 0 đồng,” “Phiên chợ 0 đồng”... lan tỏa trên khắp cả nước.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu kiên trì bám chốt chống dịch trong giá rét. (Ảnh: TTXVN phát) 

Đó còn là những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân...

Đồng hành cùng tuyến đầu với lực lượng quân đội, đội ngũ y, bác sỹ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh. Tất cả khi vào cuộc đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất.

Không dừng lại ở đó, nhiều bác sỹ, y tác trẻ xung phong vào nơi tâm dịch với mong muốn san sẻ bớt nỗi khó khăn, mệt nhọc của đồng nghiệp và chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Những hình ảnh nhân văn, ý nghĩa của từng người dân Việt Nam đã được lan tỏa không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế. Một quốc gia nhỏ bé đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, Việt Nam hiểu rõ giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào.”

Những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam là tổng hợp sức mạnh của cả dân tộc ta, được phát huy đúng lúc, hiếm quốc gia nào trên thế giới có được.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 luôn rình rập, tháng 10/2020, miền Trung Việt Nam tiếp tục đối mặt với thiên tai bão lũ, gây nhiều tổn thất to lớn cả về người và tài sản.

Trong gian nguy, mất mát, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của dân tộc lại được phát huy, phong trào ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn do thiên tai bão lũ, đã lan rộng khắp cả nước.

Trong khó khăn càng thấy rõ tinh thần đoàn kết, yêu thương gắn bó của nhân dân Việt Nam. Trong cơn đại hồng thủy lịch sử ấy, nhiều người không khỏi xúc động và cảm phục trước tấm lòng mộc mạc, chân thành của ông Võ Văn Bình, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và người cháu trai 14 tuổi của mình.

Họ đã bất chấp hiểm nguy, cả ngày ngược xuôi vượt lũ dữ, cứu sống gần 100 người dân.

Vần vũ nhiều ngày liên tục trên biển nước mênh mông với nguy hiểm luôn rình rập, chiếc thuyền 13 mã lực - tài sản duy nhất để ông Bình mưu sinh hằng ngày cũng đã chìm xuống dòng nước lũ.

Ông không tiếc tài sản, chỉ đau đáu cứu trợ bà con nếu chẳng may lũ lại ập về.

Lũ đi qua, ông Bình kiên quyết không nhận tiền của bà con đã được mình cứu sống vì đơn giản, ông cứu người không phải vì tiền mà vì muốn giúp bà con còn nghèo và khó khăn.

Cũng trong cơn đại hồng thủy ấy, trên khắp cả nước, những em học sinh dành số tiền tiết kiệm nhỏ bé của mình, đến các tập đoàn kinh tế lớn với số tiền ủng hộ nhiều tỷ đồng, ai ai cũng muốn chung tay chia sẻ những mất mát mà người dân vùng lũ đang phải hứng chịu...

Hàng trăm đoàn từ thiện không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tình nguyện sẻ chia, chung tay góp sức, đưa đồ dùng, thực phẩm đến tận tay người dân vùng lũ.

Khó mà kể hết những tấm lòng thiện nguyện hướng về đồng bào miền Trung “ruột thịt,” mỗi hành động, sự giúp đỡ dù nhỏ bé nhưng chan chứa tình người, tiếp sức cho bà con cùng lũ vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đúc kết bài học: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc,” vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Đây là giá trị văn hóa quý báu, là đường lối chiến lược mang tính bền cững trong sự phát triển của toàn dân tộc Việt Nam. Dựa vào dân, bồi dưỡng sức dân, động viên toàn dân, phát huy sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc của người Việt Nam là kế sâu, gốc bền của sự nghiệp dựng nước và giữ nước./.

 Diệp Thương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hoàn chỉnh phương án điều chỉnh kiến trúc công trình số 8B Lê Trực

UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 73/UBND-ĐT yêu cầu các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, UBND quận Ba Đình, Công ty cổ phần May Lê Trực và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố về xử lý công trình xây dựng tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình).

Nguồn: Pháp luật Plushttps://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dai-hoi-xiii-cua-dang-huy-dong-moi-suc-manh-tiem-nang-nhan-dan-d146811.html