Đê hữu Hồng chậm tiến độ, Hà Nội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

05/07/2023 09:30

Kinhte&Xahoi UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đắp hoàn trả toàn bộ phạm vi đã đào xẻ thân đê, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký văn bản số 1935/UBND-KTN yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm tiến độ thi công đê hữu Hồng, đoạn từ nút giao khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân (quận Tây Hồ).

Đê hữu Hồng có nhiệm vụ chống lũ, bảo vệ trực tiếp hàng triệu người dân, cơ sở hạ tầng trọng yếu của trung ương và thành phố Hà Nội.

Ghi nhận việc thi công dự án vào sáng 4/7/2023. Trong ảnh là việc thi công thay thế kết cấu đê làm bằng đất thành đê bê tông trên tuyến đường đê Âu Cơ, (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Như Trường.

Để đáp ứng yêu cầu chống lũ ngày càng cao, hạn chế ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư thực hiện giai đoạn 2 dự án xây dựng công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, trong đó có hạng mục thay thế kết cấu đê làm bằng đất thành đê bê tông đoạn từ K58+755 đến K62+500.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành các hạng mục đê bê tông cốt thép và cửa khẩu qua đê trước ngày 15/6/2023.

Tuy nhiên, đến hạn, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành hạng mục nêu trên, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ 2023.

Trước tình hình cấp bách trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đắp hoàn trả toàn bộ phạm vi đã đào xẻ thân đê, có biện pháp bảo đảm an toàn chống lũ cho đê (đặc biệt là đoạn đê từ chợ hoa Quảng Bá đến ngõ 464 Âu Cơ - hiện trạng toàn bộ đoạn đê này đã bị hạ thấp cao trình chống lũ).

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm tiến độ thi công công trình; chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ xây dựng phương án phòng, chống thiên tai năm 2023 theo đúng quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, xác định đoạn đê hữu Hồng nêu trên là trọng điểm đê điều xung yếu cấp thành phố để xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Tây Hồ chủ động phối hợp, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo trên; kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền các sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư.

Một phần tuyến đường đê Âu cơ được đơn vị thi công dựng hàng rào tôn 2 bên đường khiến lòng đường bị thu hẹp, các phương tiện giao thông lưu thông qua tuyến đường này khó khăn, hay ùn tắc. Ảnh: Như Trường.

Theo ghi nhận của Phóng viên vào sáng ngày 4/7/2023, tuyến đường đê đoạn từ chợ hoa Quảng Bá đến đoạn ngã 3 Âu Cơ giao nhau với đường Lạc Long Quân quận Tây Hồ - nơi  dự án đang diễn ra là hình ảnh tắc đường, bụi bẩn do 2 bên đường được dựng những vách tôn làm rào chắn khiến lòng đường bị thu hẹp lại. Các phương tiện giao thông lưu thông qua tuyến đường này rất khó khăn, thường xuyên tắc đường. Mặt đường một số nơi bị sụt lún, đứt gãy nghiêm trọng do việc phá đê cũ bằng đất thay thế bằng bê tông cốt thép chưa hoàn thành.

Một người dân sinh sống tại khu vực có dự án đang thi công cho hay: "Tôi thấy dự án triển khai hàng năm nay, đến giờ vẫn chưa xong, máy ép cọc, máy xúc đào bới, công nhân thi công hoạt động suốt ngày khiến cuộc sống người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tiếng ồn, bụi bẩn. Nhất là người dân chúng tôi ở dưới con đường ven đê sát với chân đê đang thi công. Ngày nào cũng thấy, mở cửa ra là thấy máy móc, đất cát, sắt thép vứt ngổn ngang, đường thì bụi bẩn, thực sự chúng tôi rất mệt mỏi".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.

 Như Trường - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhà ống ở phố cổ

Nhà ống (hay nhà phố) là nhà ở được xây dựng trên khoảnh đất có bề ngang (mặt tiền) hẹp hơn chiều dài, chiều sâu. Rất nhiều đô thị ở Trung Quốc, Nhật Bản có nhà ống (ở Nhật gọi là nagaya). Hà Nội cũng có rất nhiều nhà ống, nhất là khu vực phố cổ, tuy nhiên nhà ống Hà Nội xưa gắn liền với hoạt động thương mại.

,link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/de-huu-hong-cham-tien-do-ha-noi-yeu-cau-lam-ro-trach-nhiem-cua-to-chuc-ca-nhan-d195778.html