Đề xuất giám sát lĩnh vực bảo vệ môi trường vào năm 2025

23/04/2024 13:45

Kinhte&Xahoi Sáng 23-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến, chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại khác của đất nước.

Năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt và theo thông lệ của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, để tạo điều kiện cho các cơ quan tập trung triển khai các nhiệm vụ nêu trên và các nhiệm vụ lập pháp theo kế hoạch; đồng thời, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ chín và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8-2025.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Căn cứ kết quả lựa chọn chuyên đề của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 3 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề.

Cụ thể, chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao; chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với báo cáo đánh giá thực hiện chương trình giám sát, đề nghị giám sát tối cao của Quốc hội chuyển sang kỳ họp thứ mười. Căn cứ vào kết quả lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề (chuyên đề 1 và chuyên đề 2) để trình Quốc hội lựa chọn một chuyên đề giám sát tối cao và chuyên đề còn lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Tiến Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường căn hộ tại Hà Nội tiếp tục mất cân bằng cung cầu

Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý I-2024 của Công ty tư vấn bất động sản Savills cho thấy, nguồn cung căn hộ ghi nhận trong quý tăng 41% theo quý và 99% theo năm với 4.062 căn. Nguồn cung sơ cấp trong quý đạt 12.928 căn, tăng 9% theo quý nhưng giảm 34% theo năm.

Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội: Ðòi hỏi quyết tâm cao

Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” (Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã qua 1 năm triển khai, đem lại niềm hy vọng mới cho hàng trăm nghìn gia đình.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/de-xuat-giam-sat-linh-vuc-bao-ve-moi-truong-vao-nam-2025-664381.html