Dịch vụ công trực tuyến: Nền tảng vững chắc xây dựng kho bạc số

02/11/2021 11:23

Kinhte&Xahoi Đại dịch Covid-19 vừa qua, dịch vụ công trực tuyến đã phát huy tác dụng khi vừa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội vừa đảm bảo nguồn ngân sách vẫn đến được với các đơn vị sử dụng. Theo đó, 91% các khoản chi ngân sách đã được thực hiện trên và đều nhận được sự phản hồi tích cực từ phía khách hàng giao dịch.

Ứng dụng chuyển đổi số

Các cải cách thủ tục hành chính cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động nghiệp vụ mà Kho bạc Nhà nước đang thực hiện đã cho thấy sự quyết tâm của Kho bạc Nhà nước vì một nền hành chính phục vụ, tất cả vì khách hàng. Đây cũng chính là những bước tiến vững chắc để Kho bạc Nhà nước triển khai kho bạc điện tử và hướng đến kho bạc số trong tương lai.

Vì vậy, để góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ, hướng tới Chính phủ số, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số, gồm: Kiến trúc nghiệp vụ; Kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; Kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ gồm 5 nghiệp vụ chính là: Quản lý Quỹ Ngân sách Nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; Tổng kế toán Nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính Nhà nước; Huy động vốn và quản lý ngân quỹ; Thanh tra, nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ.

Ứng dụng Kho bạc số sẽ giúp tiết giảm các chi phí giấy tờ liên quan, khách hàng rút ngắn được thời gian đến giao dịch trực tiếp tại quầy

Theo đó, kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu quản lý, hiện đại hóa của Kho bạc Nhà nước và nằm trong kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Đồng thời, kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ điều hành và hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước, giúp nâng cao năng lực quản trị, năng suất hoạt động và chất lượng phục vụ.

Để tạo nền tảng vững chắc cho kho bạc số, Kho bạc Nhà nước cũng đang hoàn thiện các ứng dụng nhằm củng cố thêm các tiện ích cho Kho bạc Nhà nước điện tử. Trên cơ sở đó, Kho bạc Nhà nước đã và sẽ tiếp tục xây dựng triển khai bài toán liên thông giữa dịch vụ công trực tuyến với Tabmis và thanh toán điện tử với ngân hàng. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước xây dựng và triển khai Dịch vụ công trực tuyến, cấp độ 4 còn lại (đối chiếu số dư tài khoản hàng tháng, cam kết chi Ngân sách Nhà nước) để tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; Tích hợp module thanh toán liên ngân hàng (của Ngân hàng Nhà nước) độc lập vào hệ thống thanh toán điện tử song phương.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước xây dựng cổng dữ liệu kết nối thanh toán với các nhà cung cấp điện - nước - viễn thông; Cổng dữ liệu kết nối bảng thanh toán lương với các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán; Xây dựng chương trình nhận diện khuôn mặt trên một số ứng dụng phục vụ kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước.

Hướng tới liên thông dữ liệu số

 Để phát huy tối đa những thuận lợi từ Dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước sẽ xây dựng, triển khai dịch vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử tích hợp với Dịch vụ công trực tuyến và chương trình quản lý kiểm soát chi đầu tư; Hoàn thiện hệ thống tổng kế toán theo các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, hệ thống kế toán nội bộ Kho bạc Nhà nước. Từ đó, Kho bạc xây dựng và triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành toàn ngành có khả năng liên thông qua trục văn bản quốc gia để gửi - nhận tới các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, hướng tới lộ trình xây dựng kho bạc số.

Dựa trên kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin hướng tới kho bạc số, Kho bạc Nhà nước đã đưa ra kế hoạch và mục tiêu cho từng giai đoạn phát triển. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, Kho bạc Nhà nước tập trung vào dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; Củng cố hoàn thiện dịch vụ của kho bạc điện tử; Cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước; Từng bước chia sẻ dữ liệu mở; Đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu; Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin; Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật.

Về lâu dài, trong giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tập trung liên thông dữ liệu số, đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu mở từ đó cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới; Đẩy mạnh việc phân tích rủi ro, phân tích dự báo dựa trên dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hướng đến hình thành kho bạc số đầy đủ; Chuyển đổi về phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin; Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu; Chuyển đổi về hạ tầng kỹ thuật và bảo mật...

Trước những kế hoạch và mục tiêu rõ ràng đã hoạch định, toàn bộ hệ thống Kho bạc Nhà nước đã vào cuộc để quyết tâm hoàn thành từng giai đoạn, tiến tới triển khai thực hiện Kho bạc số trên phạm vi cả nước và thông qua Dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng hệ thống Chính phủ số thành công và bền vững.

* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

 Huyền Anh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 5/11 sẽ cưỡng chế dự án đường vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và Đoàn chèo Vĩnh Phúc

Ngày 29/10, Ban thực hiện cưỡng chế thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tổ chức họp nghe các đơn vị báo cáo kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Đường vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và Đoàn chèo Vĩnh Phúc (3 tuyến) tại phường Tích Sơn và xã Định Trung.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dich-vu-cong-truc-tuyen-nen-tang-vung-chac-xay-dung-kho-bac-so-181578.html