Điểm mặt những vi phạm trật tự xây dựng ở phường Yên Phụ

16/08/2018 10:23

Kinhte&Xahoi Nhà xưởng, công trình xây dựng không phép đua nhau “nở” rộ trên địa bàn phường Yên Phụ, thế nhưng chính quyền nơi đây dường như “bất lực” trước những vi phạm này…

Chậm cưỡng chế

Nhiều người dân phường Yên Phụ bức xúc khi gần đây trên địa bàn phường xuất hiện nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép.

Nổi cộm trên địa bàn phường Yên Phụ có thể kể đến hàng ngàn m2 đất nông nghiệp thuộc khu vực 16ha cuối ngõ 76 An Dương bị Công ty TNHH Xuân Cầu (gọi tắt là Công ty Xuân Cầu) bị “hô biến”, sử dụng sai mục đích.

Cụ thể, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của UBND phường Yên Phụ, hàng chục nhà xưởng được Công ty Xuân Cầu dựng, cho thuê.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty này đã sử dụng 5.032,1m2 mặt bằng đất nông nghiệp thuộc hành lang thoát lũ sông Hồng để xây dựng nhà xưởng, cho thuê làm kho bãi.

Trước đó, khu đất này được TP Hà Nội đồng ý cho phép khai thác tạm để làm sân chơi, điểm đỗ xe tạm thời, trồng cây xanh sinh thái, lắp đặt các công trình tạm thời có khả năng tháo dỡ, di chuyển ngay khi có yêu cầu…

Nhà xưởng xây dựng trên đất hành lang thoát lũ của Công ty Xuân Cầu chưa được cưỡng chế hết.

Phải đến khi các cơ quan báo chí phản ánh, UBND phường Yên Phụ mới tiến hành xây dựng Kế hoạch cưỡng chế trường hợp vi phạm trật tự xây dựng của Công ty Xuân Cầu.

Qua đó, ngày 11/7/2018, các lực lượng chức năng đã xử lý, cưỡng chế giải tỏa công trình xây dựng vi phạm, tháo dỡ toàn bộ mái tôn, vách ngăn của 2 khối nhà tổng diện tích 263m2.

Trước đó, trong các ngày 18-20/6/2018, các lực lượng chức năng đã xử lý, cưỡng chế dỡ bỏ một khối nhà có kết cấu khung cột sắt, mái tôn, xây tường gạch xung quanh với diện tích 350m2, tháo dỡ 370m2 mái tôn.

Ông Phạm Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, các lực lượng chức năng của phường đã cưỡng chế gần 1.000 m2 nhà xưởng sai phạm của Công ty Xuân Cầu.

Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm này một số kho xưởng vi phạm trật tự xây dựng trên khu đất của Công ty Xuân Cầu vẫn ngang nhiên tồn tại mà chưa hề có động thái di dời. Giải thích về sự chậm trễ này, theo đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Tây Hồ thời gian qua do mưa nhiều quá nên lực lượng cưỡng chế làm chậm, còn việc xử lý cưỡng chế vẫn triển khai bình thường.

Nhiều sai phạm

Không chỉ tồn tại khu nhà xưởng xây dựng không phép, mà trên địa bàn UBND phường Yên Phụ còn tồn tại nhiều công trình xây dựng, cải tạo sửa chữa không phép, phá vỡ quy hoạch Hồ Tây.

Theo phản ánh của người dân, theo quy hoạch khu bán đảo Tây Hồ (đường làng Yên Phụ) các công trình xây dựng được phép cao 12m, thế nhưng nhiều năm nay hàng loạt các công trình xây dựng xây sai phép vượt tầng, khiến quy hoạch này bị phá vỡ.

Có thể kể đến công trình 91 Làng Yên Phụ. Công trình có hiện trạng 4 tầng 1 tum, thế nhưng tại thời điểm thực địa công trình đã cơi nới lên 5 tầng 1 tum.

Nói về công trình xây dựng sai phép này một lãnh đạo phường cho biết công trình cải tạo không phép, vi phạm trật tự xây dựng. UBND phường muốn xử lý nhưng gặp nhiều khó khăn…

“Nhà 91, có 4 tầng 1 tum, khoảng 70m, người ta cải tạo mở rộng thêm 30m đằng trước, rồi làm cái tum ở trên, để xin phép rất là khó, xin phép không xin được…”, vị lãnh đạo cho hay.

Nhiều nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại.

Trước đó, cũng theo vị lãnh đạo phường Yên Phụ thì công trình 107 làng Yên Phụ xây dựng sai phép, lãnh đạo phường đã chỉ đạo cho tháo dỡ phần xây dựng sai phép.

Cạnh đó, công trình xây dựng 55 làng Yên Phụ cũng đang cải tạo, xây dựng không phép. Công trình có hiện trạng 4 tầng 1 tum, thế nhưng thời điểm hiện tại công trình đang cải tạo đổ cột và xây dựng lên tầng 5.

Chỉ trong 7 tháng vừa qua, Hà Nội đã kỷ luật 34 thanh tra xây dựng, trong đó 10 người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Những cá nhân này mắc khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao phụ trách.

Theo đó, 29 thanh tra xây dựng bị khiển trách, 5 thanh tra bị cảnh cáo. Đồng thời Thanh tra Xây dựng còn yêu cầu 9 tập thể phải nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về các tồn tại, hạn chế của đơn vị.

Trong số 34 cá nhân bị áp dụng hình thức kỷ luật, có 10 cá nhân hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (gồm 1 Phó Chánh Thanh tra Sở, 3 đội trưởng, 6 đội phó).

Trong 6 tháng đầu năm 2018, các đội thanh tra xây dựng của Hà Nội đã kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp (223 trường hợp không phép; 139 trường hợp sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 32 trường hợp ảnh hưởng công trình lân cận; 212 trường hợp xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp).

Khi mà vấn đề sai phạm trật tự xây dựng đang là điểm nóng và UBND TP Hà Nội đang ráo riết xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng thì dường như vấn đề này ở trên địa bàn phường Yên Phụ vẫn bị xem nhẹ.

Đề nghị UNND TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ, trách nhiệm của cán bộ để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng nói trên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khánh Hòa: Yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm tại dự án của ông Nguyễn Đức Chi

Liên quan đến việc để xảy ra những sai phạm trong nhiều dự án tại Khánh Hòa, trong đó có dự án Champarama Resort & Spa của vị doanh nhân đã từng dính “lao lý” Nguyễn Đức Chi, Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa trả lời cử tri và hứa sẽ xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, đơn vị và sẽ công bố tới cử tri.