Đoàn đại biểu quốc tế dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 sẽ chiêm bái, cầu an trên đỉnh Fansipan

13/05/2019 14:59

Kinhte&Xahoi Sau các hoạt động trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 diễn ra tại Hà Nam, từ chiều ngày 14-16/5, Đoàn đại biểu quốc tế sẽ hành hương chiêm bái và dự Đại lễ cầu Quốc thái dân an trên đỉnh thiêng Fansipan, bên trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà cao nhất Việt Nam, thuộc quần thể du lịch Sun World Fansipan Legend.

Sau 2 lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak vào năm 2008 và 2014, năm nay đại lễ Vesak 2019 diễn ra từ 12 đến 14/5, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Theo Ban Tổ chức, Vesak 2019 ghi nhận số lượng lãnh đạo cấp cao, khách quốc tế tham dự kỷ lục, với hơn 1.650 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, nhà nghiên cứu... đến từ hơn 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết thúc hai ngày Đại lễ với nhiều hoạt động văn hóa tâm linh như Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, Quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng 3 miền Bắc, Trung, Nam; đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới… từ chiều ngày 14/5 – 16/5, đại diện các cao tăng, phật tử trong đoàn đại biểu quốc tế tham dự Vesak sẽ có chuyến tham quan đặc biệt tới Fansipan (Sa Pa, Lào Cai).

Một trong những lý do đoàn các đại biểu quốc tế dự Đại lễ Phật đản Vesak chọn đến Fansipan là bởi đỉnh thiêng được mệnh danh Nóc nhà Đông Dương hiện đang sở hữu một quần thể văn hóa tâm linh được kiến tạo kỳ công. Quần thể này thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend.

Được xây dựng ở độ cao 2.900-3.143 mét, cụm công trình này bao gồm hệ thống các điểm đến văn hóa tâm linh được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa cổ thuần Việt như: Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự, Vọng Lĩnh Cao Đài… Một đường La Hán chạy men theo sườn núi với 18 bức tượng La Hán bằng đồng cao 2,5 mét được tạo tác công phu… khiến những tăng ni phật tử tới đây đều có cảm giác đi lạc trong chốn thiền tịnh nơi cõi Phật huyền diệu.

Nổi bật nhất trong quần thể là Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5 mét, đúc bằng đồng theo phương pháp chưa từng được áp dụng trước đây, đó là ốp những miếng đồng nhỏ dày 5 mm lên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1.000 m3. Không gian trong lòng đại tượng Phật được ốp đá hoa cương nhập khẩu từ châu Âu.

Sáng 15/5, tại không gian trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà bề thế, uy nghiêm trên đỉnh Fansipan, cũng là nơi quàn xá lợi Phật linh thiêng đặt trong tháp lưu ly 7 tầng, đoàn đại biểu quốc tế tham dự Vesak 2019 sẽ cùng hành lễ nguyện cầu quốc thái dân an.

Dịp này, cùng với các tăng vương, tăng thống, các đại biểu, Phật tử khắp nơi tới Fansipan cũng sẽ được tham dự Lễ cầu an đặc biệt trên đỉnh Đông Dương, để mở tâm hồn mình ra, nguyện cầu cho đất nước thái bình, muôn dân an lành thịnh vượng.

Sau những giây phút cầu an đầy linh thiêng giữa chốn tâm linh thiền định, đoàn đại biểu sẽ có chuyến tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở Sa Pa trong ngày 16/5.

Đại Lễ Vesak (lễ Tam hợp: kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận năm 1999. Năm 2000, lần đầu tiên ngày Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ với 34 quốc gia tham dự. Từ đó, sự kiện được luân phiên tổ chức thường niên ở nhiều nước.

Đây là lần thứ ba Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Phật giáo quốc tế này, lần đầu tiên năm 2008, Đại lễ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội, lần thứ hai vào năm 2014 diễn ra tại chùa Bái Đính, Ninh Bình. Qua 2 lần tổ chức, Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong đại biểu quốc tế về đất nước và con người hiếu khách, thân thiện hòa bình.

Và việc đoàn đại biểu quốc tế tham dự Vesak 2019 sẽ hành hương lên Fansipan chiêm bái quần thể văn hóa tâm linh Fansipan Legend và thực hiện lễ cầu quốc thái dân an bên trong Đại tượng Phật A Di Đà là một sự kiện quan trọng, thể hiện sức hấp dẫn của các điểm đến tâm linh Việt Nam với giới tăng ni, Phật tử quốc tế./.

Theo Pháp luật Plus

 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điểm mặt “nhóm lợi ích”

Trong quá trình điều tra những sai phạm của Phú Yên về phá rừng, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm khác của tỉnh này có biểu hiện của tham nhũng. Nhiều người dân Phú Yên, trong đó có nhiều cán bộ lão thành tâm huyết của tỉnh vẫn luôn trăn trở về tính minh bạch của những phi vụ “hô biến” đất công thành đất tư, giao đất “vàng” không qua đấu giá, bán sỉ đất để… trả nợ,… gây thất thu ngân sách đã và đang diễn ra, tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, bất bình đẳng thông qua mối quan hệ không bình thường giữa quan chức địa phương với doanh nghiệp (DN) để trục lợi.