Doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đặt mục tiêu bán được 5 triệu USD loại vải “chịu lửa”

25/06/2024 12:00

Kinhte&Xahoi Phía doanh nghiệp này cho hay, ngay trong tháng 7/2024, sẽ xuất những đơn hàng vải "chịu lửa" đầu tiên sang Indonesia, Ấn Độ, thị trường Trung Đông.

Mới đây, trong cuộc chia sẻ với báo giới về hoạt động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ông Cao Hữu Hiếu – Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Vinatex cho hay: 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, trong đó điểm sáng xuất khẩu ở thị trường Mỹ khi dệt may Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.

Vải “chịu lửa”, hay còn gọi là vải chống cháy mặt hàng mới của Vinatex. Ảnh vinatex.

Tháng 3/2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về sản xuất các loại trang phục vải chống cháy với công nghệ độc quyền từ phía Tập đoàn Coats. Mục tiêu trong năm đầu tiên sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy với giá trị 5 triệu USD.

Ngay trong tháng 7/2024, sẽ xuất những đơn hàng đầu tiên sang Indonesia, Ấn Độ, thị trường Trung Đông. Có thể nói, đây cũng là cơ hội mới cho Vinatex và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định.

Phía Vinatex thông tin, đây không phải là sản phẩm tiêu dùng thông thường mà là sản phẩm kỹ thuật đặc biệt.

Công nghệ sản xuất là công nghệ bản quyền, sản phẩm không kinh doanh trên hệ thống thương mại thông thường mà dựa trên yêu cầu pháp lý của các thị trường.

Sản phẩm này sẽ đi vào thị trường ngách, không phải hàng thời trang mà là hàng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho con người.

Hy vọng trong tương lai, ngành này sẽ phát triển khi thế giới ngày càng đề cao nhu cầu an toàn của con người, người tiêu dùng.

Có thể nói, cùng với sự phát triển của đất nước, con đường sản xuất thông thường ngày càng hẹp lại và thách thức.

“Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn bộ lao động của Vinatex vẫn duy trì tốt, Tập đoàn đã hoàn thành cả doanh thu lẫn lợi nhuận hợp nhất xấp xỉ 50% kế hoạch năm.

Để về đích năm 2024 với các mục tiêu đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, trước các thách thức: nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vinatex sẽ linh hoạt, sáng tạo thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bám sát các định hướng phát triển của Tập đoàn trong trung và dài hạn; Thẳng thắn nhìn nhận vị thế trong chuỗi cung ứng; Minh bạch các khó khăn và cơ hội phát triển; Phân tích kỹ lưỡng thông tin thị trường và đối thủ cạnh tranh để chỉ đạo, điều hành; Đổi mới, sáng tạo và linh hoạt sản xuất để nắm bắt cơ hội và thích ứng thị trường” – Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Đáng chú ý, điểm sáng trong 6 tháng đầu năm 2024 của Vinatex là ổn định lực lượng lao động với hơn 63 nghìn lao động cấp 1, nếu xét tới lao động cấp 2 là hơn 155 nghìn lao động.

Thu nhập bình quân của người lao động trong 6 tháng đầu năm ước đạt 9,74 triệu đồng/người/tháng (tăng 4,7% so với năm 2023).

Tổng số đoàn viên, người lao động được thụ hưởng từ các chương trình chăm lo đời sống, chương trình phúc lợi là trên 62 nghìn người, với giá trị hơn 6,5 tỷ đồng.

Vải chống cháy là một loại vải được thiết kế đặc biệt để có khả năng chống cháy và ngăn ngừa sự lan truyền của lửa. Với việc sử dụng các chất liệu và công nghệ tiên tiến, vải chống cháy có khả năng chịu nhiệt cao và không dễ bị cháy lan.

Điều này làm cho nó trở thành một lựa chọn phổ biến trong các ngành công nghiệp như xây dựng, hàng không, y tế và an ninh. Vải chống cháy không chỉ bảo vệ con người và tài sản khỏi nguy cơ cháy nổ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra.

Các sản phẩm vải chống cháy được sản xuất với hai dòng: từ xơ chịu nhiệt và từ hóa chất bao phủ vải để ngăn không cho nguồn nhiệt tiếp xúc với vật liệu bảo hộ.

Sản phẩm này sẽ phục vụ cho bảo hộ lao động, trong các lĩnh vực như gò hàn, tia lửa điện, khai khoáng, môi trường dễ phát cháy… Nhà sản xuất sẽ phải mua bảo hiểm cho sản phẩm để đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.

Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên: Những khúc mắc tại Dự án Bách Quang cần sớm được tháo gỡ

Mặc dù UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu dân cư Bách Quang (TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), tuy nhiên, hàng chục hộ dân sinh sống trên địa bàn phường Bách Quang đều khiếu nại và cho rằng, quá trình lập đồ án quy hoạch dự án không lấy ý kiến cộng đồng dân cư là chưa đúng pháp luật, thiếu công khai dân chủ.

link bhttps://phapluatplus.vn/doanh-nghiep-dau-tien-tai-viet-nam-dat-muc-tieu-ban-duoc-5-trieu-usd-loai-vai-chiu-lua-200385.htmlài gốc