Đối tượng cầm đầu trang web "Thiên địa" phát tán hơn 19 triệu nội dung đồi trụy sẽ bị xử lý thế nào?

03/05/2024 10:00

Kinhte&Xahoi Theo tiến sĩ luật Đặng Văn Cường: "Đồi trụy" là sự thể hiện bằng hành động, hình ảnh, âm thanh, lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 người liên quan đến website "Thiendia2.cc" truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Được biết, website này có hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu, đã phát tán trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập.

Ban đầu trang này có tên “Lầu xanh", chia làm nhiều mục, gồm các diễn dàn có nội dung đồi trụy, khiêu dâm, video, hình ảnh, truyện khiêu dâm, quảng cáo mua bán dâm...

Đối tượng cầm đầu web đồi trụy "Thiên địa" tại cơ quan công an.

Để quản trị, vận hành đường dây, ổ nhóm này lập 61 tài khoản quản trị được phân cấp, trong đó một tài khoản Super Admin tổng được đặt tại nước ngoài.

Nhóm hoạt động theo phần việc được giao từ Super Admin, thông qua chat Telegram. Tiền công được Super Admin trả hàng tháng qua tiền ảo.

Theo cơ quan công an xác định, đối tượng Nguyễn Đức Vinh (SN 1975, trú tại phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) là kẻ điều hành đường dây nói trên tại Việt Nam.

Sau quá trình điều tra, ngày 25/4, Ban chuyên án tổ chức 12 tổ công tác đồng loạt khám xét, bắt giữ 12 người trong đường dây tại 12 tỉnh, thành.

Ngoài Nguyễn Đức Vinh, 11 kẻ còn lại bị công an bắt giữ gồm: Trịnh Anh Tuấn (SN 1984), trú tỉnh Lâm Đồng; Phan Vĩnh San (SN 1996), trú tỉnh Thừa Thiên - Huế; Trương Gia Huy (SN 1993), Lý Chỉ Quân (SN 1991), Nguyễn Phúc Nghĩa (SN 2002) trú TP HCM; Nguyễn Bình Dương (SN 1986), trú tỉnh Vĩnh Long; Phạm Văn Hiếu (SN 1986), trú tỉnh Lai Châu; Phan Thanh Tiền (SN 1988), trú tỉnh Cà Mau; Đỗ Xuân Khải (SN 1996), trú tỉnh Đắk Lắk và Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Thị Hương Quỳnh trú tại Hải Phòng.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ gồm 7 bộ máy tính bàn, 4 laptop, 20 điện thoại di động, là thiết bị phát tán hàng triệu ảnh, truyện, video đồi trụy trên diễn đàn “Thiên địa”. Quá trình điều tra, công an xác định số tiền nhóm này thu lợi bất chính là hơn 3 tỷ đồng.

Liên quan đến sự việc trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 178/2004/NĐ-CP, "đồi trụy" là sự thể hiện bằng hành động, hình ảnh, âm thanh, lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Văn hóa phẩm đồi trụy tác động tiêu cực đến tư duy, nhận thức của con người, có thể khiến những người tiếp cận nó có những suy nghĩ và hành động tiêu cực, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác. Văn hóa phẩm đồi trụy làm ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

"Vì vậy, những hành vi làm ra, sao chép, vận chuyển, lưu hành, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, không lành mạnh, trái với lối sống, đạo đức, thuần phong mỹ tục là những hành vi vi phạm pháp luật", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Cũng theo, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, những hành vi này làm cho các văn hóa phẩm đồi trụy được tạo ra, lưu giữ, truyền bá, phổ biến trong đời sống xã hội, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội có thể làm phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

"Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, người thực hiện hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và phổ biến dưới 10 người tiếp cận, loại hình ảnh dưới 100 hình ảnh, loại sách báo dưới 50 ấn phẩm hoặc dạng dữ liệu điện tử có dung lượng dưới 1 GB mà chưa bị xử lý hình sự sẽ bị xử phạt hành chính 10 đến 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

Còn nếu hành vi đến mức xử lý hình sự, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 Bộ luật hình sự.

Tội danh này có mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Và mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 10 GB trở lên; Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên; Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên; Phổ biến cho 101 người trở lên.

"Trong vụ án nêu trên, các đối tượng thực hiện hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với số lượng đặc biệt lớn nên có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 15 năm tù. Ngoài ra, với số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu và xung vào công quỹ nhà nước. Các tài sản do phạm tội mà có, sử dụng vào mục đích tội phạm sẽ bị thu giữ", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

"Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tất cả các tổ chức cá nhân có liên quan đến hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy để xử lý theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lào Cai: Rừng tự nhiên bị phá tan hoang để thi công Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Biển Mây

Quá trình thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Mây tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Công ty TNHH Vượng Đạt đã tự ý san gạt, đào bới, xây dựng làm thay đổi hiện trạng của rừng và đất không có rừng với tổng diện tích 5.410 m2 ra ngoài ranh giới, phạm vi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gây thiệt hại 760m2 rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất.

link bài gốc https://phapluatplus.vn/doi-tuong-cam-dau-trang-web-thien-dia-phat-tan-hon-19-trieu-noi-dung-doi-truy-se-bi-xu-ly-the-nao-198586.html