Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

03/07/2020 15:34

Kinhte&Xahoi Hà Nội có nhiều nông sản mang đặc trưng vùng, miền đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được thành phố xếp hạng theo từng mức sao. Thế nhưng việc thực hiện mục tiêu kép - đưa sản phẩm OCOP ra thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và giúp người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao vẫn là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

Các sản phẩm OCOP sản xuất từ mây, tre, giang đan của xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Mạnh Dũng

Nan giải “đầu ra” sản phẩm  

Bằng bí quyết riêng, người dân làng So (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai) đã sản xuất ra sợi miến có hương vị đặc biệt: Dai, dẻo, giòn, thơm… từ củ dong riềng. Ông Dương Đình Khôi, chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên ở làng So cho biết, với nỗ lực hoàn thiện sản phẩm, cuối năm 2019, miến dong Dương Kiên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố. "Tuy vậy, việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường cũng chưa hẳn đã suôn sẻ", ông Dương Đình Khôi chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) Bùi Thị Thanh Hà cho biết, Hợp tác xã đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15ha, lắp đặt gần 8.000m2 nhà màng với hệ thống tưới phun tự động, kho lạnh, kho bảo quản, nhà sơ chế rau củ... Từ đó, các sản phẩm rau mầm, rau baby với thương hiệu “Rau an toàn Vinasafl” cũng như nhiều sản phẩm khác đã được thành phố xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Song cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác, việc chiếm lĩnh thị trường đối với Hợp tác xã vẫn rất khó khăn.

Tương tự, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức chuyên dệt lụa, trong đó có lụa dệt từ tơ sen. Đây là sản phẩm độc đáo, được làm thủ công rất đẹp và lạ nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến".

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thành phố đã có 301 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao và tiềm năng 5 sao. Tuy vậy, do sản phẩm OCOP được sản xuất từ các hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ là chính nên có những hạn chế nhất định, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; chưa được quảng bá nhiều đến người tiêu dùng...

Tạo cầu nối ra thị trường

Với những khó khăn nảy sinh từ thực tiễn, mong muốn được thành phố hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông để mỗi người dân hiểu, lựa chọn và sử dụng sản phẩm OCOP; đồng thời tổ chức các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh giao thương... là nguyện vọng của nhiều chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Mục tiêu là sản phẩm OCOP phải trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn.

Ngay cuối tháng 6 vừa qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Hội chợ trưng bày, quảng bá và kết nối giao thương các sản phẩm OCOP. Hơn 100 gian hàng với các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, cá, dược liệu, sữa tươi; mây tre đan, sơn mài... đã đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Tham dự hội chợ, bà Nguyễn Thị Liên, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết: “Không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể tìm được các sản phẩm đặc sản vùng miền như miến làng So, gạo hữu cơ Đồng Phú, gốm Bát Tràng... Do vậy, đây là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đặc sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt”.

Bên cạnh những mặt tích cực, hiện việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn các huyện còn gặp không ít khó khăn. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Dương Hồng Điệp đánh giá, sản xuất nông sản của huyện chủ yếu là nông hộ, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; nhiều hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa; quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quảng bá thương hiệu chưa bài bản... Do vậy, thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP củng cố chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. 

Theo Phó Chánh văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới trung ương Trần Văn Môn: Những hội chợ cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức là tiền đề để các sản phẩm có lợi thế của Hà Nội vươn xa ở tầm quốc gia và cao hơn là xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân.

Có thể thấy, để những sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng thì các giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng. Phát huy kết quả đã đạt được, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động này, tạo cầu nối giữa sản xuất và thị trường, góp phần phát triển nền kinh tế Thủ đô.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kiểm điểm loạt cán bộ để chủ dự án vườn Vạn Tuế 'xây chui, bán trộm' thu hàng trăm tỷ

Các cán bộ, đơn vị liên quan đến dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden (xã Phụng Công, huyện Văn Giang) do Công ty CP thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng làm chủ đầu tư đang kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, nếu đến mức phải kỷ luật sẽ nghiêm túc triển khai, không bao che. Đây là dự án đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ nhà máy sản xuất gạch ngói, chia lô rồi ký hợp đồng mua bán với khách hàng thu hơn 244 tỷ đồng.

Link bài gốc https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/971679/dua-san-pham-ocop-den-voi-nguoi-tieu-dung