Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền

10/01/2021 12:07

Kinhte&Xahoi Dưới góc nhìn văn hóa với sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng, với những giá trị lịch sử tích lũy lâu dài của một cộng đồng có nền văn minh riêng của mình, chúng tôi nhìn nhận Tết như là một di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy phát triển và quảng bá. Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại, với nhịp sống công nghiệp, đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc giữ gìn nét đẹp cổ truyền này.

Bài 1: Tết âm lịch - di sản văn hóa lễ hội

 Ít nhất hai ngàn năm, khi cộng đồng Việt cổ tiếp xúc với âm lịch, Tết nguyên đán đã được thực hành trong đời sống văn hóa như là thành phần cơ hữu của toàn bộ hệ thống, nó là thời điểm tích lũy, bùng nổ những ứng xử, những thành tựu văn hóa của cả một cộng đồng. Từ một lễ tiết đánh dấu kết thúc vòng quay một năm, bốn mùa Xuân - Hạ - Thu Đông, Tết ở một số nước phương Đông thực sự đã trở thành một sinh hoạt mang tính lễ hội quan trọng. Đứng trong tổng thể lễ hội, ta có thể có những nhìn nhận đa chiều về Tết âm lịch.

Sắc màu văn hóa Tết

Tết cho tất cả mọi người. Sự bao dung của Tết là rộng lớn nhất. Tất cả mọi người đều có Tết như một lẽ đương nhiên mà vòng quay thời gian dành cho họ. Lớn bé trẻ già, mọi tư cách công dân, và kể cả những trường hợp đang tạm thời không còn tư cách đó, vẫn được đón Tết của mình. Tùy từng điều kiện nhưng Tết là lúc người ta bao dung cho mỗi số phận, mỗi mảnh đời được sống trong trời đất này. Không ai tước đoạt được của ai cái tâm thức Tết như một thời điểm người ta nghĩ về cuộc đời, về số phận, về dự định tương lai, về lẽ sống cùng đồng loại.

 Chợ hoa Tết cổ truyền trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Tết cho mọi tộc người. Đây là một quá trình lâu dài mang tính lịch sử để bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Trong sự tích lũy văn hóa, có thể có những tộc người vốn bước vào lễ hội đón năm mới ở một thời điểm khác nhau theo bản sắc tộc người, nhưng khi đã hòa đồng trong cộng đồng quốc gia, tất cả đã đều chung một niềm vui Tết Nguyên đán. Quá trình dựng xây quốc gia - dân tộc đã đem đến thành quả này như là một động thái lịch sử cần được thừa nhận và bảo vệ. Động thái này góp phần cố kết dân tộc ở một tầm độ rộng lớn nhất, sâu sắc nhất. Sự tôn trọng Tết riêng của từng tộc người khác nhau không mâu thuẫn với quá trình tiếp biến, hội nhập thành cái Tết chung ở tầm độ quốc gia - dân tộc.

Tết cho mọi tôn giáo.

Mỗi tôn giáo có ngày lễ trọng riêng của mình nhưng họ đều cùng chung cái Tết dân tộc. Cũng như tổng thể văn hóa, Nhà nước luôn tôn trọng những ngày lễ trọng của tất cả các tôn giáo. Và một nền văn hóa bao giờ cũng là tích hợp giá trị tinh hoa mà các hệ thống tín ngưỡng hay tôn giáo đem lại. Điều này biểu hiện tư cách quốc gia, tư cách thể chế mà mọi công dân đều đồng thuận.

Sự tôn trọng quyền tín ngưỡng bao giờ cũng song song với tinh thần dân tộc, lòng yêu nước ngàn đời đã cố kết nhau trong một cộng đồng quốc gia và việc thực hành Tết chung là một biểu hiện đáng được tôn trọng.

Tết là thời điểm bùng nổ những tâm thức văn hóa. Là lễ hội đánh dấu sự luân chuyển thời gian, trong mọi cộng đồng đều dành cho Tết những ứng xử tốt đẹp nhất: Sự tôn kính với tổ tiên trong cảm thức uống nước nhớ nguồn qua các nghi lễ, sự tôn trọng người trên trong ứng xử xã hội, sự yêu thương đối với trẻ em, thế hệ tương lai, sự trợ giúp với những số phận kém may mắn gần thì trong nhà ngoài họ, xa thì nghĩa xóm tình làng, từ thiện xã hội.

Trong mỗi con người, Tết là dịp người ta thanh toán những nợ nần năm cũ để thanh thản bước sang năm mới. Trước bàn thờ tổ tiên, đối diện với lòng mình, người ta ngẫm về cái được, cái chưa được năm qua và kỳ vọng vào những thành đạt hơn của năm tới. Dịp Tết, người ta mở rộng lòng đón khách với những ngôn từ lịch sự, chúc tụng nhau có đời sống tốt đẹp hơn. Người ta kiêng nói những điều không thanh nhã trong ngày đầu năm mới. Những thuần phong mĩ tục được phát huy, những hủ tục được khắc phục, một sự tử tế cộng đồng lan tỏa khắp nơi.

Trên phương diện cộng đồng, Tết là dịp mà sắc màu được bùng nổ khắp các không gian sống: trang hoàng nhà cửa, xóm ngõ phố phường; người người cố gắng ăn mặc đẹp hơn, cờ hoa tưng bừng khắp nơi, diễn xướng dân gian được dịp bùng phát. Đó giống như sự bừng tỉnh của đất trời sau một năm lam lũ làm ăn… Yếu tố thực tiễn và yếu tố trình diễn tổng hòa trong dịp Tết. Dọn dẹp, trang trí không gian sống gia đình và làng xã, một mâm cơm cúng, một tiệc trà đãi khách, một lời chào hỏi mời mọc hoặc chúc tụng, một diễn xướng dân gian…, tất cả đều thấm đẫm một tâm thức, một tinh thần trình diễn.

Âm thanh, sắc màu, hương vị, động thái, thời trang và lòng người… Tât cả tạo nên một bản giao hưởng văn hóa thâm trầm về nguồn cội, chan hòa trong giao tiếp, cố kết tình người và kỳ vọng tương lai. Có thể nói rằng, không một lễ hội nào đối với người Việt sánh với Tết cả về tầm độ rộng lớn của nó.

Mùa Xuân là Tết trồng cây. Một giá trị mới hình thành của văn hóa cách mạng. Và nó càng sáng chói trong hiện đại theo tinh thần bảo vệ sinh thái và môi trường sống. Không thể không thừa nhận sự thuận lợi đang có của Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa so với các quốc gia đã và đang sa mạc hóa mạnh mẽ. Chúng ta cần khẳng định giá trị lớn lao này và nếu chưa làm tốt thì cần phải nghiên cứu để thực hiện có hiệu quả hơn nữa. Rất nhiều không gian của đất nước cần được phủ xanh trong cuộc sống hôm nay. Rác thải nhựa cần nguồn nguyên liệu thay thế cấp bách để có một thế giới phát triển bền vững.

Bảo lưu hương vị Tết

Cách đây dăm năm, Hàn Quốc đưa Tết Trung Thu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của họ để UNESCO công nhận. Tất nhiên là vấp phải sự phản đối của nước khác. Với Tết cổ truyền của chúng ta cũng như nhiều nước phương Đông, hà cớ gì không xứng đáng là một di sản văn hóa, đóng góp cho thế giới một bản sắc văn hóa cần được nhận thức, thừa nhận? Với cảm hứng hướng nguồn mạnh mẽ, với cư dân ngàn đời làm nông nghiệp, sống làng xã, thờ cúng tổ tiên thì hương vị Tết chính là hương vị quê hương.

Lo Tết, sắm Tết, đoàn viên quanh bàn thờ gia tiên, bên nồi bánh chưng chứa đầy huyền thoại cội nguồn, vui Tết đón những điều mới mẻ trong kỳ vọng khôn nguôi về hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng đó là những hương vị Tết về tinh thần không bao giờ phai nhạt.

Trong tính bảo lưu đậm đà của nó, Tết cũng không từ chối những tiếp biến, những phát triển. Văn hóa mãi mãi là vậy. Uyển chuyển, thực tiễn và phong phú, Tết từng thời, từng hoàn cảnh có những biến đổi khác đi. Trong chiến tranh, thiên tai, hoạn nạn…, chúng ta có những cái Tết khác.

Trong thời bình làm ăn buôn bán, Tết có những biểu hiện khác hơn. Tết phố thị khác với Tết nông thôn, Tết du lịch khác với Tết hồi hương. Tết không cố chấp những ứng xử cứng nhắc. Song, tâm thức hướng về nguồn cội, kỳ vọng tương lai thì mãi mãi Tết luôn lưu giữ. Và không phải bỏ đi một di sản văn hóa truyền đời mà chúng ta nhận thức, bảo lưu giá trị, phát triển và thực hành, quảng bá nó như thế nào.

"Tôi rất mừng vì với cuộc sống hiện đại, những hoạt động văn hóa mỗi dịp Tết về càng ngày càng được thế hệ trẻ quan tâm hơn. Trong vài năm trở lại đây, người ta nhận thấy sự quay trở lại với tà áo dài truyền thống và cách tân của người Hà Nội vào những ngày Tết cổ truyền, cũng trong vài năm trở lại đây, phong tục gói bánh chưng ngày Tết được nhiều gia đình Hà Nội khôi phục như để gìn giữ hương vị ngày Tết. Sự giữ gìn văn hóa truyền thống không những để cho lớp người cao tuổi vẫn được sống trong không khí Tết cổ truyền, mà để còn để thế hệ trẻ cũng như con cháu sau này hiểu về Tết dân tộc." - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội Đỗ Thị Hảo 

(Còn nữa)

 NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN NGUYỄN HÙNG VĨ- Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Năm 2021: Thị trường căn hộ, nhà ở bình dân còn khó khăn

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, thì triển vọng thị trường bất động sản nửa đầu năm 2021 vẫn sẽ có những diễn biến cần phải theo sát. Các doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ vẫn bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/giu-gin-ve-dep-tet-co-truyen-406416.html