Gỡ 'nút thắt' trong cải tạo, xây mới chung cư cũ Hà Nội

16/12/2019 16:05

Kinhte&Xahoi Nhiều năm qua, bài toán cải tạo, xây mới chung cư cũ tại Hà Nội vẫn rơi vào bế tắc. Hiện Hà Nội đang tập trung chỉ đạo làm tốt giải pháp quy hoạch hướng đến hài hòa lợi ích các bên.

Nhà A Ngọc Khánh (Hà Nội).

Cải tạo, xây dựng lại mới đạt khoảng 1%

Với khoảng 1.500 chung cư cũ đang tồn tại trên địa bàn Thủ đô (trong đó có 200 nhà xuống cấp, hư hỏng ở cấp C, 137 nhà cấp B và 6 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D), từ hàng chục năm nay, lãnh đạo thành phố Hà Nội liên tiếp đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng kết quả thực hiện vẫn còn rất chậm.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, tổng số chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại mới đạt khoảng 1%. Điều này đồng nghĩa với thực tế nhiều người dân phải tiếp tục sinh sống trong các khu nhà xuống cấp, điều kiện hạ tầng kỹ thuật - xã hội yếu kém, không đảm bảo chất lượng sống của người dân cũng như công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt, tính mạng và tài sản của nhiều người dân đang bị đe dọa khi phải sống trong những khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập đổ bất cứ lúc nào. Đó là 6 công trình hư hỏng nghiêm trọng thuộc cấp độ D gồm: Đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa), khu tập thể C1 Thành Công, đơn nguyên 1, 2 G6A Thành Công (phường Thành Công), đơn nguyên 3 C8 Giảng Võ (phường Giảng Võ), đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), đơn nguyên 1 - 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị).

Thực hiện quy định về việc công trình xuống cấp ở mức độ D phải di dời khẩn cấp người dân ra khỏi khu nhà để phá dỡ, xây dựng lại, nhiều năm nay, các cấp chính quyền cũng như chủ đầu tư đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhưng đến thời điểm này, nhiều hộ dân chưa đồng ý di dời, vẫn cố bám trụ trong những căn nhà lún nứt, không đảm bảo an toàn với những lý do như: nhà chưa nguy hiểm, mức đền bù chưa hợp lý...

Trước thực trạng khó khăn, vướng mắc trong quá trình cải tạo, xây lại chung cư cũ thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh xã hội hóa việc lập quy hoạch và cải tạo chung cư cũ. Đáng chú ý, mới đây, ngày 9/12/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 7020/QĐ - UBND thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND thành phố; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ.

Tổ chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố; hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND thành phố lấy ý kiến của HĐND thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện UBND thành phố đã giao 19 nhà đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai lập nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn. Đồng thời, UBND thành phố có giao bổ sung 2 khu chung cư cũ, nâng tổng số lên thành 30 khu.

Để thực hiện quy hoạch đảm bảo các quy trình, thành phố đã giao các sở, ngành, UBND các quận cung cấp số liệu về hiện trạng đất đai, dân số, chỉ giới, ranh giới nghiên cứu…, làm cơ sở để nhà đầu tư được giao nghiên cứu lập quy hoạch. Hiện có 5 khu lập xong đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt.

Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đến nay, hầu hết các nhà đầu tư đã mời, thuê các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu lập quy hoạch. Quá trình nghiên cứu đã được thực hiện nghiêm túc, tâm huyết và có trách nhiệm. UBND thành phố đã yêu cầu các nhà đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với các quận, phường có liên quan tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học bổ sung để làm cơ sở đề xuất ý tưởng quy hoạch theo 2 phương án.

Phương án 1 là theo đúng tầng cao và chỉ tiêu dân số theo quy hoạch, quy chế cao tầng được duyệt; phương án 2 là điều chỉnh chiều cao, chỉ tiêu để đảm bảo cân đối tài chính dự án. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Hà Nội hiện nay là cơ chế đền bù (hệ số K) thống nhất cho toàn bộ các khu chung cư cũ chưa có, người dân ở mỗi khu nhà lại có yêu cầu một hệ số K khác nhau.

Trong khi đó, việc lập quy hoạch 28 chung cư cũ được thành phố thí điểm chủ yếu nằm trong khu vực nội đô và một phần của quận Hà Đông, bị hạn chế phát triển dân cư theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, dẫn đến rất khó cân bằng lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tháo gỡ được vướng mắc về tài chính  

Đề cập đến giải pháp tăng chiều cao theo phương án 2 nhiều ý kiến cho rằng sẽ tháo gỡ được vướng mắc về vấn đề tài chính nhưng lại ảnh hưởng đến quy hoạch của thành phố và tạo thêm áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cho khu vực nội đô. 

“Trong 28 khu đang làm thí điểm, nếu cần thiết Hà Nội sẽ báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng để điều chỉnh quy hoạch nằm trong khung quy định của luật theo hướng có lợi nhất cho cộng đồng, cho thành phố", đại diện lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết.

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, để cải tạo được chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô là việc làm rất khó, vì đảm bảo hài hòa được quyền lợi của các bên là câu chuyện mấu chốt. Trên thực tế, hầu hết các chung cư cũ bị hư hỏng cần cải tạo, xây dựng lại chủ yếu là các khu chung cư vốn được cấp cho cán bộ, công nhân viên chức từ thời bao cấp, hiện tại các gia đình không có đủ nguồn tài chính để di dời đi chỗ khác dù to đẹp, hiện đại hơn.

Do vậy, câu chuyện về đòi hỏi quyền lợi khi bồi thường giải phóng mặt bằng luôn bức xúc và khó giải quyết yêu cầu của các cư dân. Một nhà đầu tư đang tiến hành làm quy hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình cho biết, việc xác định hệ số đền bù sao cho đôi bên có lợi là bài toán nan giải, thậm chí trở nên ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư.

Thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sở ngành chức năng cũng như sự vào cuộc tích cực của chủ đầu tư, sự ủng hộ và đồng thuận của người dân, hy vọng "nút thắt" trong quá trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội sẽ được tháo gỡ, người dân không còn thấp thỏm, lo âu khi phải sống trong các khu nhà xuống cấp nghiêm trọng. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo Báo Tin Tức/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/go-nut-that-trong-cai-tao-xay-moi-chung-cu-cu-ha-noi-d113249.html