Google ra đòn bất ngờ khiến điện thoại Huawei như “chết não”

24/05/2019 15:51

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang, Google được đồn đoán đã thực hiện cú ra đòn đầu tiên lên Hawei, đó là đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Gã khổng lồ về tìm kiếm đã yêu cầu Huawei bàn giao tất cả các sản phẩm phần cứng, phần mềm có liên quan tới Google. Tuy nhiên các sản phẩm được bảo vệ với giấy phép mã nguồn mở, Google sẽ vẫn duy trì kinh doanh với Huawei.

Đòn đau với gã khổng lồ

Đây được xem là đòn đau mà chính phủ Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đạt đỉnh điểm căng thẳng. Một lần nữa chính phủ Mỹ chứng tỏ họ sẽ tìm cách đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen trên toàn thế giới.

Hình minh họa.

Hành động của Google được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia.

Cùng ngày 15/5, Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Sau động thái Google ngừng cấp phép sử dụng Android, Huawei đã có phản hồi đầu tiên.

Tuy nhiên, công ty điện tử Trung Quốc khá dè dặt và không đề cập chi tiết về kế hoạch sắp tới. Trong email đến The Verge, Huawei đề cập đến những đóng góp to lớn của mình cho nền tảng Android trên toàn cầu. Hãng nhấn mạnh thị phần smartphone của mình đang đứng thứ hai thế giới, góp phần phát triển hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành công nghiệp di động.

Công ty Trung Quốc trấn an người dùng về khả năng nâng cấp phần mềm trong tương lai. "Huawei sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật cũng như dịch vụ hậu mãi cho tất cả điện thoại thông minh và máy tính bảng mang thương hiệu Huawei và Honor hiện có, bao gồm những sản phẩm đã bán ra lẫn còn trong kho trên toàn cầu", Huawei viết trong thư.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững, nhằm cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho tất cả người dùng". Huawei cũng cho biết chủ sở hữu smartphone của họ có thể truy cập vào Play Store cũng như tải ứng dụng.

Tuy vậy, hãng không đề cập chi tiết cách thức cập nhật. Về phần mình, Google cho biết họ "tuân thủ sắc lệnh và đang xem xét các vấn đề liên quan". Người dùng dịch vụ của Google từ điện thoại Huawei vẫn tiếp tục được sử dụng Google Play và Google Play Protect.

Huawei sẽ gặp khó

Chuyên gia Ron Amadeo của trang Ars Technica cho rằng Huawei sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường smartphone thời gian tới khi công ty không có lựa chọn nào khả thi để thay thế cho hệ sinh thái Android.

Ngoài ra, việc Mỹ cấm hợp tác phần cứng và phần mềm với công ty Trung Quốc sẽ là "bản án tử hình" với điện thoại của Huawei nước ngoài, đặc biệt tại châu Âu và Ấn Độ. Trên Twitter, nhà báo Wajahat Kazmi từ Dubai cho rằng "Điều này có thể tàn phá Huawei".

Biên tập viên Leo Kelion cho rằng, quyết định của Google và động thái của Mỹ với Huawei có thể gây tổn hại rất lớn cho việc kinh doanh của công ty tại thị trường châu Âu. "Người mua smartphone sẽ không muốn chọn một thiết bị Android mà lại không thể truy cập vào Play Store, không dùng được trợ lý ảo hoặc không nhận được các bản vá bảo mật", ông phân tích.

Trong khi đó, theo PhoneArena, quyết định ngừng cấp phép sử dụng Android đối với Huawei của Google cũng làm thay đổi thị trường smartphone toàn cầu. Huawei đang phát triển mạnh mẽ, đe dọa ngôi đầu về điện thoại thông minh của Samsung trong vòng hai năm tới.

Nhưng giờ, tham vọng đó trở nên xa xôi. Thậm chí, giới công nghệ còn băn khoăn liệu mẫu Mate 30, dự kiến ra mắt cuối năm nay, sẽ chạy Android hay một hệ điều hành riêng của Huawei. Trang công nghệ Ars Technica nhận định Huawei sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường smartphone thời gian tới khi họ không có lựa chọn nào khả thi để thay thế cho hệ sinh thái Android.

Cùng với đó, theo Bloomberg, các nhà sản xuất chip xử lý hàng đầu thế giới là Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã nói với nhân viên của mình rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho Huawei đến khi có thông báo mới hơn.

Động thái này đến gần như cùng lúc với Google. Việc chặn bán cho Huawei các linh kiện quan trọng cũng có thể phá vỡ hoạt động kinh doanh của các đại gia chip xử lý tại Mỹ như Micro Technology và trì hoãn việc triển khai mạng không dây 5G trên toàn thế giới, bao gồm ở cả Trung Quốc và Mỹ.

Nếu lệnh cấm được thực hiện nghiêm ngặt, hành động của chính quyền Mỹ sẽ đem lại những thay đổi lớn đến ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Intel hiện là nhà cung cấp chip máy chủ chính trong khi Qualcomm cung cấp bộ xử lý và modem mạng cho nhiều thiết bị thông minh của Huawei.

Trong khi đó, Xilinx bán chip lập trình được sử dụng trong mạng lưới và Broadcom là nhà cung cấp chip chuyển đổi, một thành phần quan trọng khác trong một số loại máy móc về mạng. Nhưng đại diện các nhà sản xuất chip từ chối bình luận về các thông tin trên. Sau loạt công ty Mỹ, Infineon Technologies, nhà sản xuất chip của Đức cũng đã ngưng giao dịch với Huawei.

Tiết lộ với Nikkei Asian Review, hai nguồn tin giấu tên cho biết Infineon Technologies đã ngừng giao dịch các lô hàng dự kiến cung cấp cho Huawei. Quyết định này được hãng chip Đức đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ liệt công ty Trung Quốc vào danh sách "xuất khẩu có kiểm soát".

Điều khoản trong danh sách này quy định, bất kỳ công ty nào của Mỹ muốn buôn bán cho Huawei đều phải có giấy phép từ chính phủ. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công nghệ hoặc một phần công nghệ có nguồn gốc ở Mỹ cũng tuân theo một số điều khoản nhất định. Nếu bỏ qua, những công ty này có thể gánh hậu quả pháp lý không mong muốn.

"Infineon quyết định áp dụng biện pháp thận trọng, bằng cách tạm dừng giao các lô hàng. Tuy nhiên, họ sẽ tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về tình hình và đưa ra đánh giá. Vẫn chưa rõ liệu Infineon có tiếp tục làm ăn với Huawei hay không", nguồn tin giấu tên nói. Infineon thì từ chối bình luận.

Công ty Đức là nhà cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho Huawei, trong đó có vi điều khiển và mạch tích hợp quản lý năng lượng, với lượng hàng đáp ứng tương đối nhỏ, khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá việc hãng chip Đức ngừng hợp tác với Huawei có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc các đối tác tại châu Âu và châu Á làm điều tương tự.

Nhiều người cho rằng, nếu Huawei vượt qua được cơn khủng hoảng này, họ sẽ chứng minh được Trung Quốc đã làm chủ được chuỗi cung ứng công nghệ cao và họ sẽ bước lên một tầm cao mới hoặc ngược lại, Huawei sẽ suy giảm quy mô và hoạt động lay lắt, hãy chờ xem kết quả sẽ ra sao?

 Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhiều vướng mắc về quỹ đất xây nhà lưu trú cho công nhân

Nhà lưu trú cho người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX- KCN) đang là nhu cầu bức thiết rất lớn. Tuy nhiên, một trong các vấn đề còn vướng mặc là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.