Hà Nội: Các huyện ngoại thành hối hả chuẩn bị đón học sinh đi học trở lại

02/11/2021 19:32

Kinhte&Xahoi Ngay khi nhận được văn bản của thành phố Hà Nội về việc cho học sinh trở lại lớp sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường học ở ngoại thành Hà Nội đã bắt tay ngay vào việc cụ thể cho từng công đoạn trước, trong và sau khi học sinh đến trường.

Rà soát các trường theo 16 tiêu chí của liên ngành

Ông Lê Văn Hiến, trưởng Phòng GD&ĐT Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết: “Ngay sau khi có công văn của thành phố về việc cho phép một số khối lớp được đến trường trực tiếp, chúng tôi đã và đang cho lấy lấy ý kiến của các trường, sau khi tập hợp những ý kiến, trên cơ sở đó sẽ dự thảo ra một công văn để báo cáo huyện. Trong một, hai ngày mới triển khai được nội dung cụ thể đến các trường.

Trường THCS Hợp Thanh (Mỹ Đức) vệ sinh lớp học trước ngày đến trường

Trước mắt, chúng tôi định hướng cho các trường tự đánh giá về mức độ an toàn theo 16 tiêu chí của liên sở GD&ĐT, Sở Y Tế Hà Nội vừa ban hành. Trường nào nằm trong tiêu chí đảm bảo an toàn, chúng tôi sẽ duyệt cho dạy trực tiếp, còn trường nào chưa đảm bảo được độ an toàn, Phòng GD&ĐT phải xin ý kiến cấp trên”.

Do số lượng học sinh của huyện Mỹ Đức không quá đông nên trường nào đảm bảo rồi sẽ để nguyên, trường nào đông quá mới thực hiện chia ra để đảm bảo giãn cách. Phương án mà phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức đưa ra là xếp học sinh ngồi chéo… đảm bảo giãn cách ít nhất là 1,5m.

Theo ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì, sĩ số của các trường trên địa bàn huyện Ba Vì không đông, đảm bảo để dạy theo từng lớp. Với trường THCS, các trường sẽ phân chia khối 6 học sáng, khối 9 học chiều. Tất cả các lớp sẽ thực hiện theo phòng cách phòng.

Các trường ngoại thành Hà Nôi vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón các con trở lại trường

Về kế hoạch dạy học khi học sinh quay lại trường, ông Oanh cho biết, trước mắt, các trường sẽ ổn định việc ôn tập và học theo chương trình. Sau đó sẽ lên kế hoạch cụ thể đối với học sinh khối 9.

Sẵn sàng đón học trò

 Ở khu vực ngoại thành, ngay sau khi có văn bản của thành phố, các trường tự thực hiện đánh giá cấp độ an toàn theo 16 tiêu chí của liên Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội đã hướng dẫn, sau đó bắt tay vào thực hiện từng công việc cụ thể.

Thầy Nguyễn Anh Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Hợp Thanh (Mỹ Đức) cho biết: “Trước khi học sinh đến trường, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp theo quy định. Khi học sinh đi học trở lại, phương án của nhà trường là cho các em học giãn cách phòng, đó là phương pháp giảm tối đa học sinh và hạn chế tiếp xúc giữa các lớp.

Giáo viên trường THCS Hợp Thanh (Mỹ Đức) đo thân nhiệt cho học sinh

Trường tôi có 28 lớp, lớp 6 và 9 đi học thì chỉ có 14 lớp. Chúng tôi chia đôi trường ra để thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”. Theo đó, học sinh từ nhà đến trường đi thẳng vào lớp; Hạn chế tối đa việc cho các em giao lưu, đi sang lớp khác. Chúng tôi phân chia các khu để các em chỉ chơi trong phạm vi nhỏ. Nếu có ca dương tính thì dễ dàng thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Nhà trường cũng đã tập huấn cho giáo viên, nhân viên về phương án phòng chống dịch, rà soát đối tượng học sinh và gia đình các em về từ vùng dịch. Hiện trường đã rà soát và có khoảng 10 học sinh về từ vùng dịch, tính đến ngày 8/11, có 5 - 6 em chưa hết thời gian cách ly. Vì thế, khi đi học trở lại, ngoài việc dạy trực tiếp cho học sinh, nhà trường sẽ gắn 1 camera trực tiếp tại lớp học để đảm bảo cho các em đang thực hiện cách ly được học cùng cả lớp.

Song song với đó, khi học sinh đến trường, chúng tôi sẽ kiểm tra kiến thức của các em, nếu em nào còn hổng kiến thức, các thầy cô sẽ bổ sung kịp thời để theo kịp chương trình”.

Các em học sinh rửa tay sát khuẩn ( Ảnh tư liệu)

Trường Tiểu học Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) hiện tại cũng đã có kế hoạch phân công mọi người theo từng việc cụ thể cho từng giai đoạn trước, trong và sau khi học sinh quay lại trường.

Thầy Nguyễn Việt Long, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đồng Phú cho biết: “Sĩ số học sinh của trường không đông và chỉ có 3 lớp 5. Trường mới xây dựng nên phòng học rộng rãi, vì thế sẽ đảm bảo khoảng cách giữa các học sinh. Nhà trường cũng sẽ thực hiện giãn khoảng cách các lớp để đảm bảo học sinh không tập trung trong giờ ra chơi. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục cho các con việc thực hiện phòng chống dịch cho bản thân.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ làm tuyên truyền với phụ huynh để họ phòng chống dịch tốt cho bản thân, nhất là tại nơi làm việc, từ đó đảm bảo an toàn cho con...”.

Chia lớp cần tính toán, phân công hợp lý

 Nhiều giáo viên cho biết, khi chia lớp làm đôi, số giờ làm việc của giáo viên tăng lên, có thể khó đáp ứng được, bởi họ không phải chỉ dạy 1 lớp, có người phải dạy cả khối 6, 7, 9… rồi lại phải dạy cả trực tiếp và trực tuyến. Vì thế, nếu chỉ dạy một thời gian ngắn thì có thể cố gắng nhưng về lâu dài, nhà trường và các phòng GD&ĐT phải tính toán, phân công một cách hợp lý, khoa học.

Nhiều giáo viên cho rằng, chia lớp thành 2 về lâu dài cần phải tính toán, phân công hợp lý

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cũng thừa nhận, nếu chia lớp ra thì giáo viên sẽ rất vất vả. Dù trên địa bàn huyện rất ít trường có sĩ số học sinh đông nhưng hiện chúng tôi cũng đã lường đến vấn đề đó để nghiên cứu.

Phòng đang rà lại, xem phương án tổ chức của từng trường rồi sẽ chỉ đạo cụ thể. Nếu họ khó khăn, dạy quá tiết theo quy định thì chúng tôi sẽ báo cáo lên để xin chỉ đạo”.

Về phía nhà trường, ông Nguyễn Anh Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Hợp Thanh cũng cho hay: “Khi chia lớp thành 2 ca sẽ rất khó khăn, các thầy cô phải dạy gấp đôi số tiết dạy bình thường, ngoài ra còn phụ trách cả lớp khác.

Nếu giáo viên chỉ dạy trực tiếp và trực tuyến thì sẽ dễ dàng hơn khi nhà trường phân công thời khoá biểu hợp lý. Chúng tôi sẽ tìm ra phương án, làm sao để giáo viên đảm bảo vừa dạy trực tiếp và cả trực tuyến. Dịch bệnh thế này ai cũng sẽ khó khăn nên mình cố gắng khắc phục”.

Nhiều trường học cũng cho biết, dù dịch bệnh phức tạp, không chỉ nhà trường mà giáo viên cũng đồng lòng chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên giáo viên cấp THCS có thể dạy rất nhiều lớp, việc vừa dạy sáng, vừa dạy chiều lại vừa dạy trực tiếp và trực tuyến sẽ tương đối vất vả. Dù thế, mọi người đều thể hiện sự đồng lòng cùng ngành giáo dục khắc phục khó khăn.

 Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 5/11 sẽ cưỡng chế dự án đường vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và Đoàn chèo Vĩnh Phúc

Ngày 29/10, Ban thực hiện cưỡng chế thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tổ chức họp nghe các đơn vị báo cáo kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Đường vào Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và Đoàn chèo Vĩnh Phúc (3 tuyến) tại phường Tích Sơn và xã Định Trung.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cac-huyen-ngoai-thanh-hoi-ha-chuan-bi-don-hoc-sinh-di-hoc-tro-lai-181813.html?fbclid=IwAR0z9ZdjMXg1E2tTsdB-n1CnYs4FjzBVks4mrP15oCoPpkHGzW8pFFHME3E