Hà Nội: Cát tặc lộng hành tại huyện Phúc Thọ, CSGT đường thủy có... làm ngơ?

27/05/2019 10:14

Kinhte&Xahoi Mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, nhưng ở huyện Phúc Thọ tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra công khai.

Thời gian vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân ở địa bàn các xã Vân Nam, Vân Hà, Trung Kính thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội về tình trạng cát tặc ngang nhiên nạo vét sông Hồng một cách công khai giữa thanh thiên bạch nhật.

Cát tặc đã và đang đẩy những bãi bồi ven sông địa phận xã Vân Nam và Vân Hà đang tiến gần đến nguy cơ bị đe doạ vì sạt lở và động đất mà không hề vấp phải sự kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng nơi đây.

Nhiều tàu cuốc không có số hiệu ngang nhiên cắm vòi rồng xuống sông Hồng khai thác cát trái phép mà không hề gặp phải sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng nơi đây. (Ảnh cắt từ clip).

Ngày 18/5, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã mục sở thị về địa bàn các xã này lần theo con đường đê ven sông Hồng mới tá hỏa khi cách bờ đê khoảng 80 đến 150m ra đến lòng sông các tàu cuốc thi nhau hút cát tấp nập như một đại công trường.

Điều đáng nói, dù là đầu giờ chiều nhưng các tàu cát đua nhau dàn hàng, công khai hoạt động, tàu hút và vận chuyển cát hoạt động “nhộn nhịp", tiềm ẩn nguy cơ lớn về tai nạn cùng các hệ lụy về đường thủy khác. Xen lẫn những con tàu hút cát là những sà lan vận chuyển không biển báo hoạt động ngang nhiên..

Theo quan sát, các tàu hút cát khi đầy tàu được chuyển về bãi tập kết. Liên tục như vậy, mỗi ngày có hàng nghìn mét khối cát đang bị "rút ruột" tại sông Hồng

Một người dân địa phương (xin được dấu tên) ở đây cho biết: “Tàu cát ở đây hoạt động ngang nhiên, các đối tượng khai thác cát hết sức manh động. Dọc tuyến sông Hồng nơi ‘cát tặc’ hoạt động luôn có những đối tượng ‘cảnh giới’ trên bờ quan sát”.

Một đại công trường khai thác cát cách bờ sông Hồng không xa nhìn từ địa bàn xã Vân Nam mà không thấy bóng dáng lực lượng của Đội CSGT đường thủy số 1 kiểm tra, xử lý.(Ảnh cắt từ clip).

Còn ở địa phận xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) phóng viên cũng ghi nhận được nhiều tàu lạ đang neo đậu hiên ngang giữa lòng sông.

Theo đó, tiếng máy móc hoạt động ầm ầm rung chuyển cả một khúc sông. Lúc nào khu vực này cũng có tới 4-5 chiếc tàu cuốc và nhiều con tàu tự hành hút cát hoạt động hết công suất.

Theo một người nông dân làm đồng ở khu vực này cho biết: “Cát tặc hoạt động cả ngày lẫn đêm, tiếng máy nổ vang trời.

Nhà tôi có một ít đất canh tác ở ven bờ sông mà bị sạt lở gần hết rồi. Chúng tôi bức xúc lắm, đã kiến nghị lên chính quyền nhưng chẳng có chút thay đổi nào”.

* Clip hàng loạt tàu cuốc khai thác cát giữa ban ngày được PV báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận vào chiều ngày 18/5/2019.

Đáng nói, mặc dù người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng, thế nhưng tình trạng  trên không bị giảm đi, mà “cát tặc” còn hoạt động ngang nhiên với quy mô lớn hơn.

Vậy trách nhiệm Đội Cảnh sát Giao thông Đường thủy số 1, Công an TP Hà Nội (Đơn vị trực tiếp tuần tra, kiểm soát ở tuyến sông) đang ở đâu?

Liên quan đến sự việc này, chiều ngày 21/5 PV báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, ông Hùng cho biết: “Hiện nay tình trạng khai thác cát trên địa bàn xã vẫn còn diễn ra nhưng phía UBND xã không có tàu hay thuyền để kiểm tra xử lý. Việc này tôi đã nhiều lần gọi điện báo cáo lên UBND huyện Phúc Thọ để cấp trên có biện pháp ngăn chặn.

Ông Đặng Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam.

Thực ra địa bàn xã Vân Nam chúng tôi không nhiều bằng xã Vân Hà và xã Trung Kính nên các anh (tức –PV) phải nắm kỹ địa giới hành chính rồi thông tin cho chuẩn.
 
Tôi cũng chỉ đạo thành lập một tổ công tác để tiến hành kiểm tra, xử lý... nhưng thú thật bọn khai thác cát này manh động lắm, cán bộ của tôi có ra gọi hay sang bãi kiểm tra nhưng kiểm tra xong họ còn không bố trí thuyền cho cán bộ của tôi quay trở về...”.

Trước câu hỏi của phóng viên về hướng xử lý và trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác cát này thuộc về cá nhân, đơn vị nào?

Vị chủ tịch UBND xã Vân Nam thẳng thắn cho biết: “Để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép như thế này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây phải là lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy có đủ thẩm quyền và phương tiện để tuần tra, xử lý.

Trách nhiệm chính trong vấn nạn này phải thuộc về lực lượng CSGT đường thủy mà cụ thể ở đây là tổ tuần tra kiểm soát trên sông thuộc Đội CSGT đường thủy số 1...”.

Phải chăng lực lượng Đội CSGT đường thủy số 1 đang cố tình “làm ngơ” và “bảo kê” cho tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày bất chấp lệnh cấm của Thủ tướng chính phủ.

Theo tìm hiểu của PV báo Pháp luật Việt Nam được biết, địa bàn Huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc giáp ranh với địa bàn xã Vân Nam, Phúc Thọ, trước thì có 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác tài nguyên. Bên cạnh đó, việc lợi dụng trên địa bàn Vĩnh Phúc có điểm mỏ nên có một số những tàu lạ đến hút trộm ở những địa phận loanh quanh.

Chính vì việc này, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn yêu cầu về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến Sông Lô và Sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đó nêu rõ: “Để đảm bảo vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh và kiểm tra, xác minh các thông tin phản ánh của báo chí về tình hình khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô và sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại văn bản số 642/VPCP-NC ngày 23/1/2019 của VPCP, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô và sông Hồng thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tạm dừng hoạt động khai thác cát sỏi.”

Trước đó, ngày 3/4/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: “Thời gian qua, công tác quản lý khai thác cát sỏi đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình khai thác trái phép cát sỏi trên các tuyến sông và cửa biển ở nhiều địa phương tái diễn trở lại, đối tượng khai thác trái phép hoạt động tinh vi, lộng hành vì lợi nhuận cao, các quy định của pháp luật chưa đủ răn đe, chế tài còn nhẹ, nên đối tượng khai thác cát trái phép chấp nhận bị xử lý hành chính.”

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương thời gian tới. Đó là, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn khai thác cát trái phép, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các bộ ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Lĩnh vực nào để xảy ra khai thác cát trái phép hoặc để tình trạng lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng lạch để khai thác cát sỏi cũng như lập các bến bãi tập kết cát sỏi trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức tiêu cực, tham nhũng thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

 Theo Pháp luật Plus


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì sao Khánh Hoà “vội vã” giao Phúc Sơn làm dự án, “bán chui” đất vàng sân bay?

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bán đấu giá sân bay Nha Trang cũ để lấy vốn đầu tư sân bay Phan Thiết và hạ tầng sân bay Cam Ranh, bỏ phương án BT “đổi đất lấy hạ tầng” trước đó. Nhưng từ 3 năm trước, Khánh Hoà đã nhanh chóng giao 63ha đất sân bay cho Tập đoàn Phúc Sơn làm dự án “phân lô, bán nền” mà không qua đấu giá.